9 cơ quan và 3 địa phương gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Hội Nông dân Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Gia Lai.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, so với thời điểm kiểm tra tháng 7/2022 thì đến nay có 2 cơ quan có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước, là Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Đồng Nai. Theo đó, 2 cơ quan, địa phương này trong thời gian tới sẽ không nằm trong phạm vi của Tổ công tác.
Trong đợt kiểm tra tháng 8/2022, có thêm Bộ Xây dựng do tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nguyên nhân vẫn là do biến động về giá nguyên vật liệu, ảnh hưởng của dịch bệnh, một số chủ đầu tư còn lúng túng, chưa quyết liệt triển khai thực hiện, vướng mắc trong cấp thẩm quyền phê duyệt 3 loại quy hoạch quốc gia.
“Bộ Xây dựng cam kết đôn đốc, tháo gỡ khó khăn để giải ngân đạt khoảng 95% kế hoạch”, Thứ trưởng nói.
Một số cơ quan đã dự kiến giải ngân cả năm đạt 100% kế hoạch đó là Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc. Một số cơ quan có tỷ lệ giải ngân chưa cao nhưng cũng đã nghiêm túc, chủ động rà soát khả năng giải ngân và có đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn được giao như thành phố Hà Nội giảm 2.000 tỷ đồng vốn nước ngoài, EVN giảm 140 tỷ đồng, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giảm 92,45 tỷ đồng.
Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, có 5 nguyên nhân lớn làm chậm tiến độ giải ngân, là năng lực lập dự án còn hạn chế; thực hiện thủ tục đầu tư còn chậm; một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong kiểm tra, đôn đốc; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa quyết liệt và tình trạng một số nhà thầu thi công cầm chừng. Thành phố sẽ thúc đẩy kiểm tra trong 4 tháng còn lại.
Thành phố Hồ Chí Minh đã lập 3 tổ công tác, trong đó, tổ số 1 tập trung vào các dự án lớn, có vốn trên 100 tỷ đồng, tổ thứ 2 gỡ vướng về giải phóng mặt bằng, tổ thứ 3 tháo gỡ khó khăn cho dự án ODA. Hằng tuần, các tổ công tác rà soát, làm việc với các địa phương, chủ đầu tư. Chủ tịch UBND thành phố tổ chức giao ban hằng tháng về công tác này.
Đánh giá cao nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng bày tỏ quan tâm đến “sản phẩm của các tổ công tác là gì” và cho rằng, bên cạnh tháo gỡ vướng mắc, thì phải đề xuất được danh sách các dự án “không tiêu được tiền”, từ đó, điều chuyển, phân bổ cho các công trình có thể giải ngân được.
Trong tổng số vốn đầu tư 54.000 tỷ đồng cần giải ngân theo kế hoạch của Thành phố Hồ Chí Minh, thì có bao nhiêu công trình chưa phê duyệt được dự án, bao nhiêu dự án Hội đồng nhân dân đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa đấu thầu, bao nhiêu dự án đã ký hợp đồng, có nhà thầu nhưng hiện nay chưa có mặt bằng để thi công…
Theo Phó Thủ tướng, các tổ công tác của Thành phố Hồ Chí Minh phải đề xuất việc điều chỉnh vốn cho các công trình có thể đi vào hoạt động vào cuối năm nay để nhân dân có thể cảm nhận rõ hơn sự phát triển.
Cùng giải pháp như Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề về giải ngân, yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ dự án theo các mốc thời gian cụ thể. Tỉnh cũng đã lập 4 tổ công tác, làm việc với chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hồ Phước Thành nói, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã có 12 văn bản chỉ đạo về giải ngân. Ngoài tổ chức 4 đoàn đi kiểm tra, lãnh đạo tỉnh tổ chức giao ban hằng tháng về công tác này.
Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN, EVN đã họp rà soát, dự kiến đến ngày 30/9, tỷ lệ giải ngân đạt 31%. Còn khoản vốn không giải ngân được, EVN đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để điều chuyển.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao các địa phương đã nhận diện các nguyên nhân, tồn tại, vướng mắc; đã thành lập các tổ công tác, lãnh đạo các tỉnh họp giao ban hằng tháng về giải ngân, từ đó, tình hình có chuyển biến. Tuy nhiên, tiến độ còn chậm, tỷ lệ còn thấp.
Theo Phó Thủ tướng, chậm giải ngân vốn đầu tư công do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phân bổ vốn chưa khoa học, nhiều dự án được bố trí vốn năm 2022 nhưng chưa được phê duyệt dự án đầu tư, nhiều dự án chưa đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, có dự án chưa giải phóng mặt bằng, một số dự án chậm tiến độ do nhà thầu yếu kém, do các thủ tục thanh toán, nghiệm thu chưa kịp thời.
Về giải pháp, đối với các dự án đã đủ điều kiện và đang triển khai, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, triển khai thi công 3 ca để bù tiến độ đã chậm. Đối với các dự án đã được phân bổ kế hoạch vốn nhưng chưa khởi công, kiên quyết thu hồi để điều động, phân bổ vốn cho các dự án khác, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.