Trong những ngày này, các điểm đến và lễ hội tiêu biểu như: Ðền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Hương (Hà Nội), Chùa Bái Ðính-Tràng An (Ninh Bình), Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương), Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Ðền Trần-Phủ Dầy (Nam Ðịnh), núi Bà Ðen (Tây Ninh), Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang)… đang thu hút hàng chục nghìn người dân, khách du lịch mỗi ngày và dự báo con số này sẽ tăng đột biến.
Có thể thấy công tác tổ chức lễ hội và phục vụ du khách ở các điểm đến di tích đã có nhiều chuyển biến tích cực để nâng cao tính văn minh nơi thờ tự, không gian sạch đẹp, an toàn và bảo đảm các yếu tố truyền thống, trong khi người dân và du khách cũng chấp hành tốt hơn các quy định.
Các ban quản lý đã có những đầu tư về hạ tầng, tăng cường lực lượng phục vụ khách đến lễ, dự hội, làm tốt việc thu gom đồ lễ, vệ sinh di tích, công tác tổ chức cũng bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục. Tệ nạn và những biến tướng ở lễ hội đang có chiều hướng giảm mạnh, góp phần đưa hoạt động lễ hội và nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân dần trở lại nét văn hóa đẹp như vốn có.
Có lẽ, thời gian cách quãng dịch bệnh là khoảng lặng cần thiết, giúp chúng ta nhìn lại mình, nhìn lại để thấy rõ hơn những lộn xộn, tiêu cực mà chúng ta đã buông lỏng quản lý, chưa làm được và chưa làm hết mình như trước đây. Qua mùa dịch dã, nhân dân và khách du lịch đã có ý thức cùng chung tay giữ gìn môi trường sống và sinh hoạt cộng đồng, bước vào một mùa lễ hội an toàn, lành mạnh, trật tự.
Thực tế trước mùa lễ hội hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan quản lý địa phương đều có hướng dẫn, chỉ đạo về tổ chức lễ hội, nhưng đã đến lúc không chỉ là nhắc nhở chung chung mà phải thật sự bắt tay phối hợp cùng làm từ cấp trung ương đến cơ sở mới mang lại hiệu quả. Khi các ban tổ chức lễ hội thực sự trách nhiệm và làm tốt vai trò quản lý của mình, không tiếp tay, thường xuyên sâu sát, kịp thời nắm bắt, xử lý nghiêm, giải quyết sát sao các tình huống nảy sinh thì những bất cập, tiêu cực được hạn chế.
Những người dự hội phải tự nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm hơn với cộng đồng, xã hội, phải buộc mình vào những quy định mà cộng đồng, địa phương ban hành.
Ðể làm được điều này, công tác quản lý lễ hội đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành và trách nhiệm người đứng đầu, kiểm tra, giám sát thường xuyên cùng những quy định rõ ràng, phù hợp thực tế, có phương án triển khai bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội.
Trong trường hợp để mất an ninh, trật tự và tiêu cực, lợi dụng lễ hội, di tích để trục lợi, lôi kéo mê tín dị đoan hay các hành vi trái với thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, sức khỏe cộng đồng, các cơ quan chức năng cần kịp thời đánh giá để ứng phó, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm, thậm chí yêu cầu tạm ngừng hoặc hủy bỏ lễ hội nếu cần thiết.
Bên cạnh tuyên truyền đến khách dự hội tuân thủ quy định, các địa phương cần nâng cao nhận thức cộng đồng, lồng ghép hiệu quả với các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bảo vệ an ninh trật tự, bảo đảm vệ sinh môi trường...
Những tín hiệu đáng mừng đầu mùa lễ hội năm nay cần được duy trì, phát huy để trở thành một nếp sống thường nhật và hướng đi nhất quán của cả cộng đồng.