Kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá trong bối cảnh giá dầu tăng cao trở lại

NDO - Giá dầu thế giới tăng cao gây sức ép lên nỗ lực kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), nhất là khi cuộc họp lãi suất ngày 21/9 sắp đến gần. Đồng USD tăng trở lại từ giữa tháng 7 cũng đặt ra thách thức cho tỷ giá USD/VND.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Xu hướng giá xăng dầu thế giới nửa cuối năm dự kiến sẽ còn nhiều biến động, ảnh hưởng tới kế hoạch lãi suất của FED và xu hướng đồng USD. Điều này đòi hỏi sự cẩn trọng trong ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát trong nước.

Giá dầu tăng cao, bài toán 'đau đầu' cho FED

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/9, giá dầu WTI giảm nhẹ 0,32% xuống 88,52 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 0,2% nhưng vẫn đạt gần 92 USD/thùng. Hiện tại, giá dầu thế giới đang ở sát mức đỉnh 10 tháng qua. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, giá dầu đã tăng trên 30%.

Lạm phát ở Mỹ và các nền kinh tế lớn có dấu hiệu tăng trở lại trong bối cảnh trên. Điều này gây áp lực lên chính sách tiền tệ của FED, dù trước đó thị trường dự báo FED có thể sẽ dừng tăng lãi suất.

Kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá trong bối cảnh giá dầu tăng cao trở lại ảnh 1

Báo cáo tháng 9 mới đây của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ước tính, OPEC cần phải bơm 29,23 triệu thùng/ngày trong quý III để có thể cân bằng thị trường. Con số này cao hơn khoảng 1,78 triệu thùng/ngày so với sản lượng hiện tại của nhóm. Nhu cầu dầu từ OPEC dự báo cho quý IV là 30,71 triệu thùng/ngày, tương đương mức thâm hụt 3 triệu thùng/ngày. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung dầu đang là nguyên nhân khiến giá dầu tăng mạnh trong tháng 8.

Việc giá xăng dầu thế giới tăng cao khiến lạm phát có nguy cơ quay trở lại. Chủ tịch FED từng cho biết trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ rằng, theo nguyên tắc chung, giá dầu thô tăng 10 USD/thùng sẽ làm tăng lạm phát 0,2% và đẩy lùi tăng trưởng kinh tế 0,1%.

Dữ liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 tăng 0,6% so tháng trước và cao hơn 3,7% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng hằng tháng cao nhất trong năm nay, cho thấy tác động rõ rệt từ việc giá dầu tăng cao.

Điều này có thể khiến FED phải duy trì lãi suất cao dao động mức 5,25%-5,5%, hoặc tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới, khiến cho đồng USD tăng giá. Chỉ số Dollar Index hiện đạt trên 104 điểm, tăng hơn 4,6% trong hai tháng trở lại đây.

Áp lực tỷ giá USD/VND lên chính sách tiền tệ trong nước

Việc FED duy trì lãi suất điều hành ở mức cao và có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa bên cạnh những diễn biến quốc tế khó lường tiếp tục là yếu tố gây áp lực lên tỷ giá và diễn biến tiền tệ của Việt Nam. Bài toán đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là phải dự báo được nguy cơ gây ra lạm phát để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, ổn định dòng tiền và đạt mục tiêu chính sách tiền tệ.

Trong phiên giao dịch ngày 11/9, lần đầu tiên trong lịch sử tỷ giá trung tâm vượt qua mốc 24.000 VND/USD. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 393 đồng, tương đương 1,66 %. Tuy nhiên, đến ngày 14/9, NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.995 VND/USD, hạ nhiệt so với mức đỉnh ngày 11/9.

Tỷ giá USD/VND tăng cao sẽ tạo ra áp lực trả nợ nước ngoài và làm tăng chi phí đối với hàng nhập khẩu, kéo theo lạm phát nguyên liệu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng. Do đó, khi áp lực tỷ giá càng lớn thì dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ càng thu hẹp.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ nới lỏng khiến đồng VND yếu lại hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, phục hồi nền kinh tế trong nước. Việc giữ tỷ giá ổn định sẽ giảm thiểu các tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá trong bối cảnh giá dầu tăng cao trở lại ảnh 2

NHNN nhận định chưa thể chủ quan với áp lực lạm phát trong bối cảnh giá năng lượng thế giới tăng cao trở lại. Theo báo cáo tháng 8/2023 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, CPI tăng 0,88 % so tháng trước, trong đó, chỉ số giá nhóm giao thông tăng mạnh nhất trong 11 nhóm hàng chính, với mức tăng 3,85% so tháng trước.

Cũng trong thời gian qua, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Hiện tại, lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn đã giảm mạnh, tính từ đầu năm đến nay đã giảm 150-250 điểm cơ bản. Việc hạ lãi suất cơ bản và mặt bằng lãi suất trong tháng 8 giúp tăng khả năng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm. Điều này sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng và giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận được dòng vốn dễ dàng hơn.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Rủi ro lạm phát toàn cầu quay lại, giá xăng, dầu cao sẽ ảnh hưởng nhất định đến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước. Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong năm nay, khiến đồng USD còn dư địa tăng giá. Trong khi đó, NHNN duy trì chính sách nới lỏng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Đây đang là nguyên nhân chính tạo áp lực lên tỷ giá. Tất cả những điều kể trên sẽ ảnh hưởng đến định hướng chính sách tiền tệ trong những tháng còn lại của năm".

Kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá trong bối cảnh giá dầu tăng cao trở lại ảnh 3

Làm gì để xăng dầu không còn là nguyên nhân đẩy CPI tăng?

Quay trở lại việc giá nhiên liệu tiếp tục đi lên có thể là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng. Do đó, giải pháp ổn định giá xăng dầu trong thời gian tới là điều cần thiết.

Trước diễn biến phức tạp giá xăng dầu thế giới, tại kỳ điều hành mới nhất ngày 11/9, liên Bộ Công Thương-Tài chính đã quyết định không trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu đối hai mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, chi sử dụng quỹ bình ổn đối với hai mặt hàng xăng và dầu mazut.

Theo Bộ Công Thương, phương án điều hành giá xăng dầu này góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước phù hợp biến động giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường...

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, tránh trường hợp thiếu hụt nguồn cung cục bộ.

Song song với ổn định giá xăng, dầu, các cơ quan quản lý cũng đang có những biện pháp cân đối nguồn cung hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng tránh tình trạng đẩy chỉ số CPI đi theo giá xăng.

“Tỷ giá hiện tại được neo cao, nhưng vẫn ổn định trong biên độ dưới 3% từ đầu năm. Điều này cho thấy chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang hoạt động hiệu quả vừa nhằm hỗ trợ xuất khẩu và vừa kiểm soát lạm phát. Việc giữ tỷ giá ổn định cũng sẽ giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế và giúp thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu và ổn định thị trường lao động trong thời gian tới”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.