Hiệu quả từ chính sách của FED

Từ tháng 3/2022 đến tháng 5/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp, đưa lãi suất cơ bản từ mức 0,25% lên mức 5-5,25% nhằm kiềm chế lạm phát. Vào tháng 5/2023, theo công bố của Cục Thống kê lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ chỉ tăng 0,1% so tháng 4 và tăng 4% so cuối năm 2022, là mức thấp nhất trong khoảng hai năm trở lại đây. Với công bố này, mặc dù CPI vẫn cao hơn ngưỡng mục tiêu 2% nhưng tại kỳ họp tháng 6/2023, FED đã quyết định không tăng lãi suất. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy chính sách của FED đã bắt đầu phát huy tác dụng.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố giữ nguyên lãi suất. Ảnh: CNN
Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố giữ nguyên lãi suất. Ảnh: CNN

Lạm phát tại Mỹ bắt đầu giảm

Theo công bố của Cục Thống kê lao động Mỹ, lạm phát đã chậm lại và tháng 5/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt 4%, mức thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Đây là mức giảm đáng kể so mức cao nhất trong thời kỳ đại dịch Covid-19 là 9,1% vào tháng 6/2022. CPI là thước đo chính của lạm phát, đo lường giá cả của những sản phẩm tiêu dùng chủ yếu. Những nhân tố góp phần làm giảm CPI gồm: Bảo hiểm sức khỏe giảm 20,5%; nhiên liệu giảm 20,3%; vận tải hàng không giảm 13,4%; thuê xe giảm 12,4%; năng lượng giảm 11,7%. Ngoài ra, giá cả các sản phẩm khác như xe hơi đã qua sử dụng, tivi, thiết bị, trái cây, sữa... giảm cũng góp phần giảm CPI.

Ở chiều ngược lại, những nhân tố tiếp tục làm tăng CPI gồm: Chi phí sửa chữa phương tiện tăng 19,7%; bảo hiểm xe hơi tăng 17,1%; thức ăn thú nuôi tăng 13,8%; thực phẩm đông lạnh tăng 12,9%; giấy đa dụng tăng 12,4%; thực phẩm trẻ em tăng 10,1%; tiền thuê nhà ở tăng 8,7%; thực phẩm tăng 6,7%. Ngoài ra còn các nhân tố khác như thiết bị, vật tư y tế; thực phẩm đóng hộp; xe hơi mới... cùng góp phần làm tăng CPI. Xét trên tổng thể, đóng góp chính vào sự chậm lại của tốc độ tăng CPI chính là việc giảm giá của nhiên liệu và năng lượng.

Lãi suất tham chiếu hiện nay tại Mỹ đang ở mức 5%-5,25%, mức cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Đây là mức lãi suất tham chiếu áp dụng cho các khoản vay liên ngân hàng qua đêm. Mức lãi suất này gián tiếp tác động tới lãi suất cho vay đối với các khoản vay thế chấp, mua nhà, ô-tô, thẻ tín dụng và vay doanh nghiệp... tại Mỹ. Theo hãng tin AP, lãi suất đối với khoản vay thế chấp mua nhà trong 30 năm đã tăng gần gấp đôi, từ 3,8% vào tháng 3/2022 lên 6,8% hiện nay.

So một năm trước, doanh số bán nhà hiện có đã giảm gần một phần tư. Các khoản vay mua ô-tô cũng trở nên đắt đỏ hơn. Lãi suất trung bình cho khoản vay 5 năm đã tăng từ 4,5% vào đầu năm ngoái lên 7,5% trong ba tháng đầu năm nay. Lãi suất thẻ tín dụng cũng tăng cao hơn - trung bình trên toàn nước Mỹ lên tới 20%, tăng từ mức 16,3% trước khi FED bắt đầu tăng lãi suất. Như vậy, người tiêu dùng sẽ giảm việc mua nhà, mua xe mới... có sử dụng tiền vay ngân hàng. Thay vào đó, họ sẽ thuê nhà hoặc mua xe đã qua sử dụng để giảm chi phí. Điều này khiến giá thuê nhà và giá xe cũ sẽ tăng trong khi, giá nhà mới hoặc xe mới sẽ giảm xuống.

Tuy nhiên, CPI tăng chậm lại không có nghĩa là tổng chi phí mà các hộ gia đình phải trả giảm mà là chi phí chỉ không tăng nhanh thêm. Theo ông John Leer, chuyên gia kinh tế trưởng của Morning Consult, đây là tín hiệu tích cực khi giá nhiên liệu và năng lượng bắt đầu giảm trong dài hạn. Nếu tính theo “CPI cốt lõi”, tức là loại bỏ giá năng lượng và lương thực, thì CPI cơ bản tháng 5/2023 sẽ tăng 0,4% so với tháng 4 và tăng 5,3% so cuối năm 2022. Đối với người tiêu dùng, điều quan trọng là họ thấy giá xăng giảm 5,6% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5, giảm đáng kể so mức tăng đột biến vào nửa đầu năm 2022 do xung đột Nga-Ukraine. Giá thuê nhà mà người thuê hiện đang phải trả chỉ tăng 2,3% so cuối năm 2022, dấu hiệu cho sự hạ nhiệt trong thời gian tới.

Cũng theo Cục Thống kê lao động Mỹ, CPI ổn định sẽ là điều kiện thuận lợi đối với người dân Mỹ. Thực tế, thu nhập trung bình mỗi giờ được điều chỉnh theo lạm phát của người lao động Mỹ đã tăng 0,3% trong tháng 5/2023. Theo đó, thu nhập thực tế đã tăng 0,2% trong năm nay, sau khi âm vào năm 2022 do phần lớn lạm phát gia tăng bắt đầu khoảng hai năm trước, đặc biệt là khi giá xăng tháng 5/2022 đã vượt quá 5 USD/gallon, điều chưa từng xảy ra trước đây tại Mỹ. Nhưng đến thời điểm này, giá xăng đã giảm 19,7% so thời kỳ đỉnh cao đó.

Nguyên nhân FED tạm dừng tăng lãi suất

Một trong những vấn đề được FED quan tâm chính là tăng lãi suất sẽ giảm lạm phát nhưng làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế và giảm việc làm, gia tăng thất nghiệp. Theo báo cáo mới đây, nền kinh tế Mỹ đã có phản ứng tích cực đối với việc tăng lãi suất của FED. Ngoài việc lạm phát bắt đầu giảm, nền kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì tăng trưởng dương trong tháng 5/2023, tạo ra thêm 339.000 việc làm mới, cao gấp đôi dự tính. Điều này chứng tỏ nền kinh tế Mỹ đã thích ứng khá tốt đối với chính sách thắt chặt tiền tệ của FED khi duy trì lãi suất ở mức hiện tại.

Bên cạnh đó, chỉ trong vòng hai tháng từ tháng 3 đến tháng 4/2023, liên tiếp bốn ngân hàng quy mô vừa và nhỏ của Mỹ phá sản mà một trong những nguyên nhân là do lãi suất tăng quá nhanh. Bắt đầu từ Silicon Valley Bank đến SignatureBank, Silvergate Bank và sau cùng là First Republic Bank. Các cơ quan quản lý của Mỹ đã có những hành động mạnh mẽ để xử lý các ngân hàng khủng hoảng, ngăn chặn đổ vỡ dây chuyền nhưng vẫn còn đó những rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống ngân hàng. FED cần có thời gian để kiểm chứng hiệu quả của các giải pháp xử lý khủng hoảng cũng như đánh giá sự an toàn và ổn định của hệ thống ngân hàng. Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) cho biết: “Việc giữ ổn định lãi suất mục tiêu tại cuộc họp này cho phép ủy ban đánh giá thông tin bổ sung và ý nghĩa của nó đối với chính sách tiền tệ trước khi thực hiện một bước khác”.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác là cuối tháng 5/2023, Quốc hội Mỹ đã thông qua thỏa thuận đình chỉ giới hạn trần nợ công của Mỹ cho đến năm 2025, để tránh cho chính phủ liên bang vỡ nợ và hạn chế chi tiêu của chính phủ. Theo đó, để bổ sung tiền mặt vào ngân sách hoạt động sau khi trần nợ công được giải quyết, Bộ Tài chính Mỹ dự kiến sẽ phát hành một lượng tín phiếu kho bạc ước tính lên đến 1.100 tỷ USD từ nay đến cuối năm 2023. Theo công bố trên trang chủ của Bộ Tài chính Mỹ, lãi suất của tín phiếu mới phát hành ở mức 5,379%/năm, đã cao hơn lãi suất cơ bản mà FED ấn định (5,25%).

Lãi suất tăng khiến dòng tiền bị rút ra khỏi hệ thống ngân hàng, chảy vào kênh trái phiếu. Theo thống kê trong quý I/2023, có khoảng hơn 470 tỷ USD tiền gửi bị rút ra khỏi hệ thống ngân hàng. Các chuyên gia của S&P Global cho rằng, việc thiếu hụt tiền gửi cùng với đà tăng của lãi suất trái phiếu sẽ khiến các ngân hàng Mỹ phải tăng lãi suất huy động vốn, dẫn tới lãi suất cho vay tăng theo. Chính vì vậy, dù FED không tăng lãi suất thì lãi suất thị trường cũng vẫn sẽ tăng trong giai đoạn này. Do đó, nếu FED tiếp tục tăng lãi suất thì đây sẽ là “tác động kép” đối với thị trường tài chính.

Liệu FED có tiếp tục tăng lãi suất

Mặc dù CPI tại Mỹ tháng 5/2023 chỉ còn 4% nhưng vẫn đang cao hơn so mục tiêu của FED (2%) phải đạt được vào cuối năm 2024. Theo ông Stephen Stanley, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Santander (Anh), FED tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6/2023 nhưng vẫn có thể tiếp tục tăng vào các tháng tiếp theo cho đến khi đạt ngưỡng mục tiêu. Cùng quan điểm này, ông Gargi Chaudhuri, trưởng bộ phận đầu tư của Công ty BlackRock cho rằng, “việc FED có tiếp tục tăng lãi suất hay không phụ thuộc vào dữ liệu lạm phát tiếp theo, nhưng có nhiều chỉ dấu cho thấy FED sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất một lần nữa vào cuối năm 2023. Ông Greg Daco, chuyên gia kinh tế trưởng tại hãng kiểm toán EY-Parthenon cho biết: “Ông Powell tuyên bố rằng, chính sách tiền tệ sẽ vẫn hạn chế cho đến khi có bằng chứng rộng rãi rằng, lạm phát đang quay trở lại mức 2% một cách bền vững”.

Trong cuộc họp báo mới đây, Chủ tịch FED Jerome Powell lưu ý rằng: “Các điều kiện mà chúng ta cần xem xét để giảm lạm phát đang được áp dụng”. Và nếu lạm phát thật sự giảm hơn nữa, ông Powell cho rằng, FED có thể thay đổi kế hoạch của mình và giữ lãi suất ổn định. Theo hãng tin CNBC, khả năng tạm dừng tăng lãi suất có thể sẽ không kéo dài, với khả năng sẽ có một đợt tăng lãi suất khác vào tháng 7. FED sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ vì lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của FED và việc cắt giảm lãi suất thậm chí sẽ không được xem xét trong một thời gian khá dài.