Khuyến mãi lớn nhiều mặt hàng thiết yếu dịp Tết

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là tới mồng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cho nên những ngày vừa qua và sắp tới là cao điểm mua sắm của người dân. Do vậy, các hệ thống bán lẻ đang “chạy đua” với thời gian, tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút, phục vụ người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua sắm hàng hóa trong những ngày cận Tết tại một siêu thị Co.opmart. (Ảnh CTV).
Người dân mua sắm hàng hóa trong những ngày cận Tết tại một siêu thị Co.opmart. (Ảnh CTV).

Từ cuối tháng 12/2022, đồng loạt gần 1.000 siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thực phẩm của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) như các chuỗi bán lẻ: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Sense City… đã cùng triển khai chương trình khuyến mãi Tết trên cả nước với chủ đề “Khai Tết xanh-Gieo lộc lành”.

Theo đó, các hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op sẽ giảm giá hàng hóa liên tục đến cận Tết Nguyên đán Quý Mão với điểm nhấn là chương trình giảm đến 50% giá cho hơn 12.000 sản phẩm thiết yếu, đặc sản Tết. Trong đó, có chương trình “Đón tân niên mua 1 tặng 1”, tập trung khuyến mãi cho năm nhóm hàng là thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, hóa phẩm, may mặc và đồ dùng, chủ yếu là đồ trang trí nhà cửa đặc trưng Tết. Đặc biệt, với mặt hàng thực phẩm thiết yếu là thịt heo, các siêu thị của Saigon Co.op ở cả khu vực thành phố, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đều sẽ giảm giá thịt heo trước, trong và sau Tết.

Các siêu thị sẽ giảm 30% giá các mặt hàng thịt heo xay, xương bộ heo, xương ống heo, sườn heo, giảm giá 7% với thịt đùi heo… Cũng với các mặt hàng thịt heo, bên cạnh việc cam kết giữ giá ổn định, không tăng giá bán trong thời gian trước, trong và sau Tết, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) còn giảm giá từ 5% đến 30% đối với nhiều sản phẩm chế biến và tươi sống được bày bán tại các siêu thị và cửa hàng VISSAN từ ngày 16/1 (25 tháng Chạp) đến 31/1 (mồng 10 tháng Giêng).

Các hệ thống bán lẻ khác cũng áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá tương tự. Tổng công ty Thương mại Sài Gòn-TNHH Một thành viên (Satra) cũng tăng cường khối lượng hàng hóa cung ứng cho cho hệ thống bán lẻ Satra (bao gồm ba siêu thị tự chọn và gần 200 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods tại thành phố và Cần Thơ), tăng 10% so với Tết Nhâm Dần 2022; tập trung chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm (tươi sống và chế biến)... Satra cũng cam kết giữ giá ổn định, bảo đảm chất lượng hàng hóa…

Từ ngày 3/1 đến 21/1 (29 tháng Chạp), hệ thống bán lẻ của Satra thực hiện chương trình khuyến mại “Tết sum vầy-Tri ân đong đầy” với nhiều sản phẩm được giảm giá lên đến 49% cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn. Còn hệ thống siêu thị MM Mega Market cũng giảm giá đến 50% đối với các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, sản phẩm mang thương hiệu riêng. Bên cạnh các chương trình khuyến mãi, các nhà bán lẻ cũng tăng giờ bán hàng lên so với ngày thường. Chẳng hạn, MM Mega Market mở cửa suốt trong và sau Tết, chỉ nghỉ ngày mồng 1 tháng Giêng, hoạt động từ 6 giờ đến 23 giờ mỗi ngày, giao hàng miễn phí trong phạm vi bán kính 10km, giao hàng trong vòng bốn giờ sau khi đặt hàng. Hệ thống bán lẻ của Satra cũng phục vụ người tiêu dùng đến 23 giờ hoặc 24 giờ tùy tình hình thực tế… Phần lớn các hệ thống bán lẻ đều chỉ nghỉ bán trong ngày 22/1 (mồng 1 tháng Giêng) và mở bán trở lại vào ngày 23/1 (mồng 2 tháng Giêng).

Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương thành phố) Ngô Hồng Y cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị và 3.012 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Tổng khối lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố đã sẵn sàng phương án tăng thời gian hoạt động trong những ngày cận Tết, chuẩn bị và đẩy mạnh cung ứng lượng hàng hóa tăng gấp từ hai đến ba lần so với ngày thường.

Trong mọi tình huống, ngành công thương thành phố sẽ bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối, sẵn sàng phương án bán hàng lưu động…, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, sốt giá, đầu cơ trục lợi. Cùng với đó, chương trình bình ổn thị trường lưu động sẽ bổ trợ cho một số khu vực thiếu điểm bán hàng phục vụ cho công nhân. Thành phố hiện có hơn 10.000 điểm bán hàng bình ổn trải rộng khắp các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Cùng với đó, Sở Công thương tổ chức bốn nhóm doanh nghiệp bán hàng lưu động tập trung do bốn đơn vị làm đầu mối: Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp thành phố, Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp thành phố (HBA), Saigon Co.op, Satra. Các đơn vị thực hiện 260 chuyến bán hàng lưu động trong hai tháng cao điểm trước Tết, chủ yếu tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, các công ty và xí nghiệp có đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê đón Tết...

Sở Công thương cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia “Chương trình bình ổn thị trường” các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cần chủ động nguồn hàng, cung ứng sản lượng đủ, vượt số lượng đã đăng ký; bảo đảm hàng hóa tham gia chương trình đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính thành phố công bố; không tăng giá bán các mặt hàng bình ổn thị trường từ nay đến ngày 19/2.