Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận Di sản Văn hóa thế giới

NDO - Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội bao gồm Khu Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với diện tích hơn 47 nghìn mét vuông và Thành cổ Hà Nội với diện tích hơn 138 nghìn mét vuông, tạo thành một di sản thống nhất.

Ủy ban Di sản thế giới công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới dựa trên ba tiêu chí. Ðó là những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hóa trong gần một nghìn năm. Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hóa như tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử một quốc gia dân tộc vùng Ðông - Nam Á trong mối quan hệ với khu vực và thế giới. Di sản đề cử là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ. Di sản đề cử còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Từ năm 2006, được sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của T.Ư, Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Quốc phòng, Xây dựng, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam..., sự quyết tâm cao và những nỗ lực có hiệu quả của TP Hà Nội, sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được bảo vệ, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Hồ sơ được đăng ký từ tháng 9-2008 và chính thức đệ trình UNESCO từ tháng 1-2009, được UNESCO tiến hành các quy trình thẩm định chặt chẽ thông qua cơ quan tư vấn IOCMOS và đến nay đã được Ủy ban Di sản thế giới (gồm 21 nước thành viên) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân Việt Nam, là sự tri ân công đức với các vị tổ tiên đã có công khai sáng, xây dựng và bồi đắp giá trị lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, là tài sản vô giá, tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội Thủ đô và đất nước. Sự kiện này cũng đặt ra những nhiệm vụ và thách thức với TP Hà Nội trong việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị của di sản, trước mắt cần tập trung tổ chức tốt việc đón nhân dân và du khách trong nước, quốc tế đến tham quan di sản trong Ðại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.