Khu Kinh tế ven biển phía nam - Động lực mới cho phát triển kinh tế Hải Phòng

NDO - Ngày 17/3, tại Trường đại học Hàng hải Việt Nam đã diễn ra Hội thảo “Khu kinh tế ven biển phía nam - Động lực mới cho phát triển kinh tế Hải Phòng” đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, cùng đông đảo giảng viên, sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo “Khu kinh tế ven biển phía nam-Động lực mới cho phát triển kinh tế Hải Phòng” tại Trường đại học Hàng hải Việt Nam.
Hội thảo “Khu kinh tế ven biển phía nam-Động lực mới cho phát triển kinh tế Hải Phòng” tại Trường đại học Hàng hải Việt Nam.

Hội thảo do Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Trường đại học Hàng hải Việt Nam phối hợp tổ chức.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường đại học Hàng hải Việt Nam, phát triển Khu Kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng là định hướng quan trọng và cấp thiết để Hải Phòng có thể tận dụng cơ hội, tiềm năng, lợi thế và tạo dư địa tốt nhất cho phát triển trong hiện tại và tương lai.

Khu Kinh tế ven biển phía nam - Động lực mới cho phát triển kinh tế Hải Phòng ảnh 1
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường đại học Hàng hải Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Hiệu trưởng Trường đại học Hàng hải Việt Nam khẳng định, với vai trò là một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia, Đại học Hàng hải Việt Nam sẽ nỗ lực tham gia vào quá trình xây dựng, hình thành Khu Kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng.

Trường cũng xác định đây là trách nhiệm, quyền lợi, cần tập trung thực hiện và đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển khu kinh tế sau này.

Khu Kinh tế ven biển phía nam - Động lực mới cho phát triển kinh tế Hải Phòng ảnh 2

Dự kiến các phân khu trong quy hoạch Khu Kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng.

Theo Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên chia sẻ, thành phố Hải Phòng có vị trí đặc biệt quan trọng trong vùng đồng bằng sông Hồng, có vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng… để tạo sự phát triển mạnh mẽ, bứt phá cho cả vùng động lực tăng trưởng phía bắc.

Trong 30 năm qua, Hải Phòng đã tạo sức hút đầu tư mạnh mẽ, nhất là Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải và nhiều khu công nghiệp khác; nhưng các khu vực này cũng đã gần lấp đầy và việc hình thành một khu kinh tế mới tạo dư địa cho thu hút đầu tư và phát triển là vấn đề cấp thiết.

Khu Kinh tế ven biển phía nam - Động lực mới cho phát triển kinh tế Hải Phòng ảnh 3
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên chia sẻ tại Hội thảo.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng cùng các chuyên gia trong và ngoài nước đã nghiên cứu và xác định có đầy đủ các điều kiện cần thiết để đề xuất thành lập Khu kinh tế ven biển phía nam.

Khu kinh tế ven biển phía nam rộng khoảng hơn 20 nghìn ha bao gồm một phần diện tích quận Đồ Sơn và một phần các huyện Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo…

Đây sẽ là khu kinh tế sinh thái, năng động, bền vững của Hải Phòng với nhiều khu công nghiệp, sân bay Tiên Lãng, Cảng biển nam Đồ Sơn, khu Thương mại tự do và các trung tâm logistics…

Khu Kinh tế ven biển phía nam - Động lực mới cho phát triển kinh tế Hải Phòng ảnh 4

Ông Ko Tae Yeon, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) tại Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo.

Theo Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho hay, thành phố Hải Phòng đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cũng như các công việc cần thiết để có thể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập Khu Kinh tế ven biển phía nam trong quý 2 tới.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và giảng viên các trường đại học… đều bày tỏ sự nhất trí cao về chủ trương, định hướng thành lập Khu Kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng và mong muốn đề án sớm được thông qua.

Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về mô hình Khu Thương mại tự do; các giải pháp để bảo đảm tính hiệu quả, khả năng cạnh tranh của Khu Kinh tế; phương án đào tạo nguồn nhân lực; các lĩnh vực ưu tiên phát triển; các cơ hội và thách thức mới; đề xuất một số cơ chế chính sách cụ thể, nhất là cơ chế đặc thù để tăng sức hấp dẫn của Khu Kinh tế sau khi được thành lập.