Ngày 9/9, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh - 20 năm hình thành và phát triển: Bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển.
Ngày 24/10/2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 145/2002/QĐ-TTg thành lập Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP).
Qua 20 năm hình thành và phát triển, SHTP đã hình thành một Trung tâm Công nghệ cao quốc gia - nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, đây cũng là nơi đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao với sự có mặt của các dự án công nghệ cao trong và ngoài nước, nhất là dự án từ các tập đoàn hàng đầu thế giới.
SHTP đã hình thành và phát triển một lực lượng năng lực nội sinh về công nghệ cao, có thể đảm nhận các công việc từ chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu triển khai (R&D), đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao đến sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại SHTP.
Đến nay, SHTP được đánh giá là khu công nghệ cao thành công nhất trong các khu công nghệ cao quốc gia với 160 dự án đang hoạt động, trong đó, có thương hiệu của các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia)....
Trong 160 dự án, có 51 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 10,106 tỷ USD, bình quân vốn đầu tư 198 triệu USD/1 dự án. Tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 1,929 tỷ USD/109 dự án, bình quân vốn đầu tư 17,7 triệu USD/1 dự án.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng dần hằng năm, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD, chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỷ USD.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, khu công nghệ cao là nơi giá trị gia tăng tạo ra dựa trên hoạt động đổi mới sáng tạo đi từ nghiên cứu-phát triển đến thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao.
Để đạt được mục tiêu này, một công viên khoa học và công nghệ đã được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận để xây dựng bên cạnh khu công nghệ cao hiện hữu.
Đây là một thuận lợi rất cơ bản để giúp chuyển đổi mô hình giá trị gia tăng hiện nay là dựa vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp FDI là chính sang mô hình từng bước tạo ra giá trị gia tăng dựa trên hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đồng thời, công viên khoa học và công nghệ cũng tạo điều kiện cho việc tạo ra và phát triển các công ty dựa trên hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua các quá trình ươm tạo và sản xuất; cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng khác cùng với không gian, cơ sở vật chất chất lượng cao…