TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

"Thể chế phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo"

"Không nâng cao được hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì Việt Nam sẽ không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Muốn làm được điều này, đổi mới sáng tạo đóng vai trò quyết định", TS Nguyễn Đình Cung (ảnh bên), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Nhân Dân hằng tháng.
0:00 / 0:00
0:00
"Thể chế phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo"

Ông nhận định thế nào về vai trò của đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, khi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng đã tới giới hạn, trong khi thế giới đang thay đổi mau lẹ với cuộc cách mạng 4.0?

Các nền kinh tế thường chia ra 3 giai đoạn phát triển, trong đó giai đoạn 1 mang tính chất tăng trưởng theo chiều rộng nhờ vào gia tăng số lượng đầu vào như vốn, lao động, tài nguyên. Ngưỡng thu nhập trên đầu người của giai đoạn này khoảng 5.000 USD. Giai đoạn thứ 2, khi tài nguyên và lao động ít đi thì tăng trưởng dựa vào tăng năng suất lao động và thường đạt ngưỡng thu nhập bình quân đầu người 12.000-14.000 USD. Khi đó, nền kinh tế bắt đầu lấy đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng.

Tôi cho rằng, nền kinh tế của chúng ta đang chuyển sang giai đoạn 2, nhưng chúng ta muốn vượt sang giai đoạn 3. Cuộc cách mạng 4.0 cho phép điều đó, chúng ta không cần phải tuần tự nhi tiến mà có thể đi tắt đón đầu, đi cùng thế giới, nhưng có vượt lên được hay không lại phụ thuộc nhiều yếu tố khác.

Năm 2013, chúng tôi viết Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020. Trong đó, chúng tôi nhấn mạnh sự chuyển đổi từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 mà cốt lõi của giai đoạn 2 là phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải cách thị trường, vì thị trường là công cụ tốt nhất để phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Chúng ta chưa làm được điều này, chuyển dịch nguồn lực phát triển tại Việt Nam vẫn chủ yếu theo mệnh lệnh hành chính, khiến Việt Nam chưa có được những ngành kinh tế mới, những nghề mới, sản phẩm mới - những cái bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng, tạo giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế. Nếu không chuyển đổi thành công giai đoạn 2, trong đó không nâng cao được hiệu quả sự dụng nguồn lực, nâng cao năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì Việt Nam sẽ không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Muốn làm được điều này, đổi mới sáng tạo đóng vai trò quyết định.

Theo ông, điều gì là quan trong nhất để Việt Nam đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình?

Trước đây, chúng ta coi khoa học công nghệ là then chốt, đến đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta xác định khoa học công nghệ là đột phá chiến lược. Mục tiêu giai đoạn 2030-2045, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chúng ta muốn bước vào giai đoạn 3 của nền kinh tế, có làm được không?

Muốn phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải từ dân mà ra, từ doanh nghiệp mà lên, chứ không chỉ từ ý muốn của Nhà nước. Đổi mới sáng tạo không phải dựa vào các trường đại học, viện nghiên cứu mà phải dựa vào doanh nghiệp. Nghiên cứu phải gắn với doanh nghiệp, với thực tiễn để chuyển từ công trình nghiên cứu sang thương mại, hàng hóa. Tất nhiên lĩnh vực nghiên cứu cơ bản thì Nhà nước phải đảm nhận, nghiên cứu ứng dụng thì doanh nghiệp là nhân vật chính.

Đổi mới sáng tạo, ứng dụng 4.0 phải là động lực nội sinh của doanh nghiệp. Theo tôi điều quan trọng nhất là phải tạo ra một thể chế mà ở đó, thúc đẩy doanh nghiệp có năng lực nội sinh này. Muốn vậy, phải để doanh nghiệp cạnh tranh. Trong đó, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một công cụ để cạnh tranh. Cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả, từ đó doanh nghiệp phải đi tiên phong trong đổi mới, tạo ra công nghệ lõi. Có công nghệ lõi mới tạo ra những sản phẩm khác biệt.

Tôi cho rằng, thể chế của chúng ta chưa thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nhìn trên thị trường hiện nay có thể thấy đa số doanh nghiệp Việt Nam không phải lớn lên nhờ khoa học công nghệ, mà nhờ bất động sản, khai thác tài nguyên... Nói vậy không có nghĩa là phê phán họ, nhưng đó là thực tế. Doanh nghiệp tư nhân luôn sống động, nhưng có cái gì đó chưa vượt lên được. Tôi chưa gọi được tên ngay cảm giác này, có thể là đến ngưỡng của một giai đoạn phát triển, nhưng chưa tìm được đường bứt lên.

Tôi đã mang trăn trở này đến các doanh nghiệp, hỏi sao ta cứ sản xuất sản phẩm nông nghiệp, nhưng rồi bán thô mãi, không chế biến, làm tinh thành các sản phẩm có chất lượng cao như nhiều nước khác? Vì thiếu động lực, thiếu thể chế, thiếu kỹ năng, thiếu vốn hay điều gì?

Có doanh nhân nói, lúc này, họ cảm thấy cô đơn, bơ vơ. Nếu dấn thêm một chút, thì có thể không đủ năng lực vì cần nghiên cứu, phát triển, cần đầu tư công nghệ và cả con người. Nhưng nếu làm như cũ, không thể cạnh tranh được, có thể sẽ tụt sâu.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết và chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0 và đổi mới sáng tạo, nhưng vì sao ông lại cho rằng, thể chế của chúng ta chưa khuyến khích đổi mới sáng tạo?

Tôi tham gia viết nhiều nghị quyết và ở trong nhóm tiên phong của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chiến lược phát triển 4.0 ở Việt Nam. Có thể nói các nghị quyết và chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển 4.0 rất hay và kịp thời nhưng ở bên trong thể chế của chúng ta vẫn còn những lực cản, những thói quen, tư duy cũ kìm hãm sự phát triển.

Với cơ chế kinh tế quen theo kiểu "làm theo quy định, tiến theo quy trình" sẽ triệt tiêu mọi sáng tạo. Doanh nghiệp làm theo quy định thì làm sao có thể đổi mới sáng tạo, vì đổi mới sáng tạo là tạo ra một cái gì mới từ ngành nghề kinh doanh, đến ngành nghề sản xuất đến cách thức sản xuất.

Chúng ta phải mở tư duy ra, trong bối cảnh mới, thời đại 4.0 các bộ, ngành phải suy nghĩ tích cực về cái mới, chính sách tạo mới là nguồn lực quan trọng nhất để giúp đất nước phát triển.

Tôi đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: "Cuộc cách mạng 4.0 chủ yếu là cách mạng về thể chế". Thể chế kìm hãm làm sao bùng nổ về đổi mới sáng tạo, bùng nổ về khoa học công nghệ được. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó đầu tiên là đột phá về thể chế.

Mười năm trước, thể chế cũng được xác định là khâu cần đột phá. Chúng ta "đột" mà không "phá" theo tôi có thể vì có mấy nguyên nhân: đột sai chỗ; công cụ đột quá yếu, lực của người đột không đủ mạnh. Trong khi đó, thể chế phát triển của chúng ta đã đụng trần rồi, phải nâng cái trần ấy lên.

Ông cho rằng, đổi mới sáng tạo phải từ người dân và doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để người dân và doanh nghiệp có nguồn lực nội sinh để đổi mới sáng tạo và vươn lên?

Nguồn lực ở đâu để doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo khi Nhà nước không hỗ trợ gì? Nhà nước không phân bố chi phí phát triển khoa học công nghệ cho khu vực doanh nghiệp mà phân bố về cho các trường đại học, các viện nghiên cứu. Những nơi đó có tiền thì làm, không có tiền thì thôi, mà làm không theo thị trường, làm theo quy định. Làm theo quy định thì sản phẩm thường là một báo cáo chỉ ra cái hay, mới của công trình nghiên cứu.

Nhưng công trình đó phải được áp dụng tạo ra giá trị thì mới hay chứ không phải để bỏ vào ngăn kéo. Trong khi đó, doanh nghiệp gặp nhiều lực cản thì sẽ không có nhu cầu đổi mới sáng tạo, không nghiên cứu phát triển, không có động lực nội sinh. Từ đó có thể thấy ngay cả việc muốn áp dụng công nghệ với doanh nghiệp Việt Nam cũng rất khó khăn dẫn tới nguy cơ tụt hậu.

Tư duy làm theo quy định, nắm bắt chậm sự thay đổi từ thực tiễn sẽ kìm hãm sự năng động sáng tạo của doanh nghiệp. Trong hệ thống của Nhà nước, phải làm theo quy định, nhưng đối với khu vực tư, họ được quyền làm những gì pháp luật không cấm. Chúng ta phải thay đổi phương thức quản lý, cần ban hành luật pháp theo hướng quản lý theo sản phẩm và kết quả. Doanh nghiệp có thể đạt được sản phẩm và kết quả bằng nhiều cách khác nhau, nếu làm theo quy định chỉ duy nhất một cách thì làm sao đổi mới sáng tạo được.

Không thể tư duy: năng lực quản lý đến đâu thì cho người dân và doanh nghiệp làm đến đó. Chúng ta có tư duy quản sự phát triển, mà như thế thấy cái gì khác sẽ cấm, hoặc không quản được thì cấm. Thay vì quản, phải xây dựng thể chế vì sự phát triển, thúc đẩy phát triển, kiến tạo phát triển mà trong đó kể cả công chức nhà nước cũng phải trăn trở tìm những giải pháp tốt nhất cho sự phát triển của đất nước chứ không phải tìm những giải pháp để tuân thủ quy định tốt nhất.

Tôi đi đến một số địa phương, họ chia sẻ rằng, ra một quy định gì phải 99,9% an toàn về mặt pháp lý thì họ mới quyết định. Như vậy còn không gian nào cho đổi mới sáng tạo? Không thể có những quyết định mang tính đổi mới sáng tạo nếu 99,9% phải an toàn. Chúng ta cũng đang áp dụng luật pháp không theo tinh thần và nội dung của nó mà áp dụng theo câu chữ, chẻ chữ ra nên dễ sai tinh thần ban đầu của luật.

Trong những khó khăn bất cập ấy, vẫn phải nhìn ra những điểm tươi sáng để hy vọng. Hy vọng vào sự bươn chải, cần cù sáng tạo của người dân và doanh nghiệp Việt Nam. Hy vọng vào quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước khi luôn ủng hộ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược. Có thể thấy Viettel, VNPT đang cố gắng thay đổi, vươn lên, đi vào sản xuất, nghiên cứu và phát triển công nghệ..., cùng với FPT, Vingroup, với Giải thưởng VinFuture... đưa công nghệ ra thế giới, để cạnh tranh, để bán hàng và để học hỏi, tiếp cận các trung tâm nghiên cứu, các nhà khoa học hàng đầu, tiếp cận thị trường khoa học, công nghệ đẳng cấp. Trong thế giới phẳng, đừng để trôi đi theo dòng công nghệ hoặc đứng bên lề, mà phải đổi mới sáng tạo để làm chủ dòng chảy đó.

Xin trân trọng cảm ơn ông!