Không phép xả thải, chợ đầu mối thủy hải sản vẫn ngang nhiên hoạt động

NDO -

Đó là tuyên bố của ông Nguyễn Quang Hiển, Phó Ban Quản lý chợ đầu mối thủy hải sản tại An Giang, do Công ty TNHH Châu Việt Long làm chủ đầu tư, mặc dù giấy phép xả thải đã hết hạn, bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động xả thải. Thái độ coi thường pháp luật của doanh nghiệp này khiến dư luận người dân vô cùng bức xúc.

Chợ đầu mối thủy hải sản vẫn hoạt động bình thường, mặc dù bị đình chỉ xả thải vì giấy phép hết hạn.
Chợ đầu mối thủy hải sản vẫn hoạt động bình thường, mặc dù bị đình chỉ xả thải vì giấy phép hết hạn.

Ngang nhiên xả thải, thách thức dư luận

Liên quan đế những sai phạm của chợ đầu mối thủy hải sản Long Xuyên tại khóm Bình Thới 1, phường Bình Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang do Công ty TNHH Châu Việt Long làm chủ đầu tư, Báo Nhân Dân đã có nhiều bài phản ánh. Từ đó, cơ quan chức năng của TP Long Xuyên, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) tỉnh An Giang, UBND tỉnh An Giang đã vào cuộc kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm của chợ đầu mối thủy hải sản. Tuy nhiên, việc xử lý của cơ quan chức năng vẫn chưa quyết liệt, kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm tình trạng xả thải không phép của chợ đầu mối thủy hải sản ra môi trường khiến dư luận của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh An Giang vô cùng bức xúc.

Ngày 21-5, Phó Giám đốc Sở TN và MT tỉnh An Giang Tô Hoàng Môn ký thông cáo báo chí số 143 gửi các cơ quan báo chí về việc xử lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực môi trường và tài nguyên nước tại chợ đầu mối thủy hải sản, của Công ty TNHH Châu Việt Long. Sở TN và MT tỉnh An Giang xác định: Qua kiểm tra giám sát thực tế cho thấy, chợ đầu mối thủy hải sản gây ô nhiễm môi trường; cặp bờ kè của chợ phát sinh các đường ống nhựa đường kính 114 mm đấu nối từ khu vực nhà lồng chợ ra sông Hậu; đường cống thu gom nước thải về hệ thống xử lý nước thải tập trung của chợ có thay đổi so nội dung trong bản kế hoặc bảo vệ môi trường được xác nhận; hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung của chợ không hoạt động (từ tháng 3-2021); giấy phép xả thải hết hạn từ ngày 5-4-2021.

Không phép xả thải, chợ đầu mối thủy hải sản tuyên bố không nghỉ ngày nào -0
 UBND tỉnh An Giang tổ chức buổi làm việc cung cấp thông tin cho báo chí về việc xả thải của chợ đầu mối thủy hải sản.

Thông cáo báo chí nêu rõ: “Yêu cầu Công ty TNHH Châu Việt Long đình chỉ mọi hành vi xả thải vào nguồn nước khi giấy phép chưa được cấp lại. Sở TN và MT và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi xả thải không phép (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, người dân địa phương cho biết, mọi hoạt động mua bán, kinh doanh và xả thải của chợ đầu mối thủy hải sản này vẫn diễn ra bình thường. Bởi lượng nước thải phát sinh từ hoạt động mua bán kinh doanh của chợ này một ngày-đêm khoảng 200 m3. “Vậy lượng nước thải khổng lồ đó đi về đâu?” nhiều người dân thắc mắc.

Khoảng 3 giờ 30 phút sáng 22-5, chúng tôi tiếp tục đến chợ đầu mối thủy hải sản ghi nhận chợ vẫn hoạt động mua bán kinh doanh bình thường và tình trạng nước thải chảy tràn, ứ đọng trên đường Phan Bội Châu, nước thải ngập ngụa trong nhà lồng chợ. Khi hỏi về việc vì sao bị đình chỉ xả thải mà chợ vẫn hoạt động, nước thải sẽ đi về đâu, chứa ở đâu, ông Nguyễn Quang Hiển, Phó BQL chợ khẳng định: “Chợ vẫn hoạt động không nghỉ ngày nào”.

Tái diễn vi phạm, coi thường pháp luật

Ông Tô Hoàng Môn cho biết, lúc 22 giờ ngày 25-5, Sở TN và MT phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh An Giang đã kiểm tra đột xuất chợ, phát hiện tiếp tục có hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường. “Nước thải từ hoạt động mua bán kinh doanh của chợ được thải ra sông bằng hai cửa: Một cửa xả chảy tràn và một cửa từ đường cống ngầm. Cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm quả tang tại hiện trường và lấy hai mẫu nước thải tại hai cửa xả này để kiểm tra phân tích. Với hành vi này, chợ đầu mối thủy hải sản của Công ty TNHH Châu Việt Long vi phạm lỗi xả nước thải không có giấy phép”, Phó Giám đốc Sở TN và MT tỉnh An Giang nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho hay, thông qua phản ánh của Báo Nhân Dân điện tử về các hành vi vi phạm liên quan đến xả thải của chợ đầu mối thủy hải sản nên đã chỉ đạo Sở TN và MT kiểm tra xác lập hành vi vi phạm này. Trước mắt, đình chỉ xả thải của chợ, để theo dõi phương án xử lý, khắc phục vi phạm. “Sau đó, tôi biết doanh nghiệp không tuân thủ, không chấp hành nên tiếp tục chỉ đạo cho Cảnh sát môi trường xây dựng kế hoạch trinh sát. Tối 25-5, Cảnh sát môi trường đã bắt quả tang chợ xả thải trực tiếp ra môi trường”, ông Trần Anh Thư nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ đạo phải làm nhanh để có kết quả phân tích mẫu nước thải, tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định xử phạt ngay, để tăng nặng hơn. Theo ông Trần Anh Thư, có ba tình tiết tăng nặng: Khung xả thải là 160 triệu; xả thải có chất gây ô nhiễm môi trường vượt quá quy định thì phải cộng dồn vô; hành vi xả thải tái diễn nhiều lần vì UBND TP Long Xuyên đã xử lý, đã yêu cầu Công ty TNHH Châu Việt Long ngưng xả thải mà vẫn không thực thi. “Ở đây các đồng chí khi tham mưu cho UBND tỉnh, phải nói rõ thái độ của doanh nghiệp. Nếu có ý thức khắc phục, cầu thị thì hỗ trợ; còn thái độ thách thức dư luận cần xem xét lại, làm nghiêm, để người dân thấy rằng cơ quan chức năng làm công minh, không bao che cho doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh.

Không phép xả thải, chợ đầu mối thủy hải sản tuyên bố không nghỉ ngày nào -0
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư chủ trì buổi làm việc với báo chí. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị các ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất hướng lâu dài, mặc dù hiện nay chưa thể khẳng định là chấm dứt hay tạm dừng hoạt động của chợ này, còn tùy theo tính toán. “Tuy nhiên, tôi rất ủng hộ ý kiến của phóng viên Báo Nhân Dân, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì không thể mỗi đêm lực lượng phải theo dõi, bắt phạt. Mà ý thức và thái độ thì thấy rõ doanh nghiệp này coi thường pháp luật, thách thức dư luận. Nếu hiện nay điều kiện, giấy phép của doanh nghiệp không đủ thì phải giảm thiểu, phải ngừng các hoạt động kinh doanh có liên quan đến xả thải, liên quan đến ô nhiễm. Đồng thời nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục hồ sơ, sửa chữa vận hành hệ thống xử lý xem có ổn định hay không. Còn họ không bảo đảm, không tuân thủ thì phải tạm đình hoạt động chợ chờ đến khi có đủ các thủ tục, điều kiện thì xem xét cho hoạt động trở lại”, ông Trần Anh Thư kết luận.

Không chấp nhận doanh nghiệp gây ô nhiễm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, mặc dù rất cần mời gọi các doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn để giải quyết việc làm, về tiêu thụ nông sản của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn không chấp nhận những loại hình gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh An Giang đã từ chối rất nhiều dự án điện than, dự án dệt nhuộm, dù biết loại hình này đem lại nguồn thu ngân sách rất lớn. Còn những doanh nghiệp có thái độ không tuân thủ pháp luật thì tỉnh cũng không hoan nghênh. Trong quản lý nhà nước rất vất vả đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cố tình né tránh, không thực hiện đúng quy định của nhà nước, trang bị hệ thống xử lý nước thải đầy đủ nhưng vận hành cầm chừng, để đối phó, vì nếu làm đúng thì chi phí rất lớn.

Ai chống lưng mà doanh nghiệp sai phạm?

Trong đơn tiếp tục gửi đến các cơ quan báo chí, người dân sống ở khu vực đường Phan Bội Châu bày tỏ quan ngại và không đồng tình với cách cơ quan chức năng giải quyết, xử lý sai phạm chợ đầu mối thủy hải sản của Công ty TNHH Châu Việt Long. Nhiều người dân nói rằng, họ không dám đứng ra tố cáo thẳng mặt vì biết có thế lực chống lưng cho doanh nghiệp này nên mới ngang nhiên xả thải trực tiếp ra sông Hậu suốt thời gian dài như thế, mà không một cơ quan nào đến kiểm tra phát hiện. “Bức xúc nhất là vì sao một nhà đầu tư coi thường pháp luật, “bức tử” sông Hậu như thế, không đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường mà vẫn không bị đình chỉ hoạt động để họ tiếp tục hành vi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh?”, nhiều người dân nêu trong đơn.