Cùng dự Lễ khai giảng năm học mới có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai thành lập từ năm 1992, tuyển sinh và đào tạo con em dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai với quy mô 400 học sinh. Sau 31 năm xây dựng và trưởng thành, Trường đã đào tạo gần 3.000 học sinh. Nhiều cựu học sinh đang giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp.
Hiện Trường có 51 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 18 đảng viên. Nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh cho địa phương.
Suốt nhiều năm qua, trường luôn có 100% học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển đại học luôn đạt trên 85%. Bình quân hằng năm, nhà trường có hơn 10 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh.
Trường 2 lần được tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Năm 2013, nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba và đến năm 2018 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì.
Trong không khí hân hoan, phấn khởi của ngày khai trường, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi tới các đại biểu, các cô giáo, thầy giáo, các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chủ tịch nước nêu rõ, trải qua 31 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, các thầy giáo, cô giáo và học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai luôn đoàn kết, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng Nhà trường trở thành môi trường giáo dục uy tín, tin cậy,
Từ ngôi trường thân yêu này, hàng nghìn học sinh con em đồng bào dân tộc: Bahnar, Jrai, Ê đê, Xơ đăng v.v.. đã trưởng thành, đóng góp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Nhấn mạnh, Gia Lai là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên và cả nước, việc phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số được xác định là một khâu đột phá, nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển bền vững của tỉnh, Chủ tịch nước đề nghị, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp của tỉnh Gia Lai cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục-đào tạo, về đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Chủ tịch nước cho biết, đã có Thư gửi ngành giáo dục, các cô giáo, thầy giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh cả nước.dục nhân dịp khai giảng năm học 2023-2024, trong đó gửi gắm nhiều tình cảm, kỳ vọng.
Việc thành lập hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú nói riêng và coi trọng giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số nói chung là một chủ trương thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc thành lập hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú nói riêng và coi trọng giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số nói chung là một chủ trương thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là chủ trương mang tính quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc. Nếu thực hiện tốt, tức là chúng ta đã tạo được nền tảng vững chắc để góp phần chăm lo cho đồng bào dân tộc, là con đường để thoát đói nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống của mình trong tương lại. Bên cạnh đó, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cho hệ thống chính trị, giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của miền núi, vùng sâu, vùng xa...
Chia sẻ suy nghĩ, do xuất phát điểm, điều kiện sống của nhiều em học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không được thuận lợi như học sinh vùng miền xuôi, thành thị, Chủ tịch nước cho rằng, cùng một chương trình giáo dục, nhà trường và các cô giáo, thầy giáo phải rất coi trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy; phải kiên trì, bền bỉ, chắc chắn, có phương pháp sư phạm phù hợp nhất. Thực tế cho thấy, mỗi cá nhân đều có năng lực riêng biệt, bởi vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục là phải sớm phát hiện ra năng khiếu, sở trường của từng học sinh trên các lĩnh vực. Trên cơ sở đó có cách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho hợp lý, gắn với việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phù hợp với năng lực, điều kiện sống của các em sau này. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của nhà trường và các thầy giáo, cô giáo.
Cùng với đó, Nhà trường phải coi trọng giữa học và hành; tổ chức cho các em tích cực lao động, tăng gia sản xuất, cùng nhiều hoạt động khác... Từ đó giúp học sinh nhận thức rõ hơn trách nhiệm với tập thể, với nhiệm vụ học tập, nâng cao tính kỷ luật, củng cố kiến thức, hình thành và rèn luyện kỹ năng sống.
Nêu các nhiệm vụ cần làm tốt, trong đó có việc tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học, ăn ở nội trú, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Nhà trường phải thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà nước đối với học sinh, khẳng định sự ưu việt của mô hình cơ sở giáo dục phổ thông dân tộc nội trú...; phải không ngừng chăm lo, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần thiết thực của các em. Mỗi thầy, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động trong trường phải hết lòng vì học sinh thân yêu, thương yêu học sinh như con em của mình; chăm lo chu đáo cho các em từ việc học tập đến bữa ăn, giấc ngủ, nhất là khi các em xa gia đình.
Các em học sinh phải coi ngôi trường Phổ thông dân tộc nội trú Gia Lai là ngôi nhà của mình; luôn trân trọng, nhớ ơn các thầy, cô giáo, nhân viên, người lao động trong trường đã cho mình có được những ngày tháng tươi đẹp dưới mái trường này. Các em học sinh của trường sau này sẽ trở thành những công dân tốt, có đóng góp cho sự phát triển của địa phương và nhiều em sẽ trở thành cô giáo, thầy giáo tiếp tục công việc cao quý của các thầy cô hôm nay.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, các tổ chức chính trị-xã hội của nhà trường, nhất là tổ chức Đoàn, Hội LHTN Nhà trường phải chủ động nghiên cứu, tích cực tham mưu cho cấp ủy, Ban giám hiệu tổ chức tốt các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các loại hình câu lạc bộ, đội nhóm, hoạt động ngoại khóa... có chất lượng cao. Qua đó có thêm những điều kiện để phát triển toàn diện, tăng cường hơn kỹ năng sống, hiểu biết hơn về văn hóa truyền thống của các dân tộc, làm sâu sắc hơn tình đoàn kết, gắn bó giữa các học sinh.
Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các bậc phụ huynh và nhân dân tỉnh Gia Lai tiếp tục dành sự quan tâm thiết thực, đầu tư cho sự nghiệp giáo dục của Gia Lai nói chung và các Trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú của Gia Lai nói riêng. Qua đó, cùng nhau xây dựng cho được môi trường giáo dục thực sự trong sạch, lành mạnh, an toàn, để các cô giáo, thầy giáo và các học sinh được giảng dạy và học tập trong niềm vui, hạnh phúc, trong sự sáng tạo, vì tương lại tốt đẹp của các em học sinh. Thực hiện thành công đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà sẽ tạo nền tảng, tạo cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ khác trong tương lai..
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao quà tặng nhà trường và các em học sinh có thành tích học tập xuất sắc.