Trước đó, tại tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra cháy rừng khu vực đèo Prenn (thành phố Đà Lạt) khiến hơn 10ha rừng thông bị thiệt hại, trong đó có những diện tích rừng thông nguyên sinh tuổi đời khoảng 70 năm, thuộc đối tượng là rừng phòng hộ. Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã xảy ra cháy rừng tại khu vực núi Dinh (thành phố Bà Rịa) gây thiệt hại 15ha rừng…
Những ngày gần đây do thời tiết nắng nóng, hanh khô, hầu hết các địa phương có rừng đều được ngành kiểm lâm cảnh báo có nguy cơ cháy rừng; trong đó, các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp và khu vực Tây Nguyên thuộc vùng cảnh báo có nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm.
Lại cháy trong đêm ở khu vực rừng thông trên đèo Prenn-Đà Lạt
Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia dự báo, thời gian tới, sẽ tiếp tục có những đợt nắng nóng trên diện rộng tại nhiều khu vực. Trong đó, có những nơi nhiệt độ rất cao (hơn 400C) dễ xảy ra cháy rừng.
Hiện tại đã có hơn 50 điểm rừng trên cả nước được cảnh báo có khả năng cháy rừng ở cấp nguy hiểm (cấp IV) và cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V), do đó đề nghị các địa phương có rừng tập trung cao độ, chủ động tích cực phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ngày 3/1/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do các vụ cháy rừng; khẩn trương xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng, nhất là thời kỳ cao điểm mùa khô, nắng nóng; phân công trách nhiệm thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm nhân lực, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn; khi xảy ra cháy rừng chỉ đạo điều tra, xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra cháy rừng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cộng đồng xã hội về công tác phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các chủ rừng kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân.
Các lực lượng tăng cường tuần tra, chuẩn bị phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng; hướng dẫn, giám sát chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy; thông báo người dân tạm dừng đốt dọn thực bì để sản xuất nương rẫy trong thời gian cao điểm nắng nóng, khô hanh.
Bố trí canh phòng 24/24 giờ tại những khu vực trọng điểm, khi phát hiện đám cháy phải khẩn trương huy động lực lượng, triển khai ngay các biện pháp chữa cháy, xử lý triệt để đám cháy nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại...
Cùng với việc ngăn chặn hiệu quả, tận gốc các hành vi có thể gây cháy rừng, các lực lượng chủ động phương châm “4 tại chỗ”; chính quyền các địa phương, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xử lý nghiêm đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật và trách nhiệm của người đứng đầu do buông lỏng quản lý để xảy ra cháy rừng…