Cùng suy ngẫm

Không để các dịch bệnh lây lan, bùng phát

Thống kê của ngành y tế cho thấy nhiều loại dịch bệnh ở nước ta đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Dịch Covid-19 đứng trước nguy cơ tái bùng phát; dịch bệnh sốt xuất huyết đang ở mức rất cao, trong khi đó mùa mưa tại các tỉnh phía nam, thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển; tại Bệnh viện Nhi Trung ương và một số địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận trẻ nhiễm Adenovirus...
0:00 / 0:00
0:00
Tiêm ngừa lưu động cho người dân ở quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH ANH
Tiêm ngừa lưu động cho người dân ở quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH ANH

Trường hợp mắc đậu mùa khỉ thứ hai đã được ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau tám năm, ca bệnh cúm A(H5) trên người vừa được phát hiện. Ðội cơ động của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có mặt tại tỉnh Phú Thọ, nơi bệnh nhi sinh sống, phối hợp Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và địa phương để điều tra dịch tễ, giám sát những người tiếp xúc với bệnh nhân và triển khai các biện pháp xử lý môi trường...

Trước diễn biến phức tạp của các dịch bệnh nêu trên đòi hỏi các đơn vị chức năng của ngành y tế và các địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống không để các dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng, nhất là không để dịch chồng dịch. Ðối với dịch Covid-19, ngày 19/10, Tổ chức Y tế thế giới vẫn nhấn mạnh đang diễn biến phức tạp do đó hệ thống đáp ứng phòng, chống dịch từ trung ương đến địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh, không được chủ quan lơ là. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng và truyền thông nâng cao trách nhiệm, ý thức người dân, cộng đồng… nhất là khi mùa đông xuân đang đến gần có nguy cơ gia tăng các ca mắc và nhập viện.

Sau khi phát hiện ca mắc cúm A(H5) mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014, ngành y tế các địa phương nâng cao cảnh giác, tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, xử lý sớm, triệt để ổ dịch. Ðáng chú ý, thời gian tới, thời tiết có nhiều thay đổi, rồi chuẩn bị Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm tăng, sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người…

Vì vậy các địa phương cần chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch phù hợp, từ việc tăng cường giám sát phát hiện ổ dịch mới ở người đến chuẩn bị sẵn sàng phương án thu dung, cách ly, điều trị người mắc cúm theo quy định; tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Thống kê của ngành y tế cả nước đã có khoảng 260.000 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có hơn 100 người tử vong, tăng gấp nhiều lần so với năm trước. Dự báo số mắc và tử vong sẽ tiếp tục tăng do cao điểm mùa dịch hằng năm là từ nay đến tháng 11. Chính vì vậy, các địa phương cần triển khai các biện pháp xử lý triệt để các ổ dịch tại cộng đồng. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng, chống muỗi đốt. Do chưa có vaccine dự phòng và thuốc điều trị, do vậy khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Với bệnh đậu mùa khỉ, bên cạnh theo dõi, điều tra dịch tễ, điều trị hiệu quả ca bệnh đậu mùa khỉ thứ hai, các đơn vị liên quan cần tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần để hướng dẫn và kịp thời xử lý, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan mầm bệnh. Về phía các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh theo công điện của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, tập trung giám sát, phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời.