Hàng Việt cần ứng phó với các tiêu chuẩn phát triển bền vững
Hiệp định CPTPP được đánh giá là một trong những FTA quan trọng với ngành da giày. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam chia sẻ, đối với những nước tham gia CPTPP, 2 quốc gia là Canada và Mexico ta chưa có FTA trước đây nên khi CPTPP có hiệu lực, tốc độ xuất khẩu vào 2 thị trường này tăng trưởng rất nhanh chóng, lên đến 20%.
Hiện nay, hầu như các thị trường xuất khẩu, hàng hóa Việt đều được hưởng thuế suất 0% ngay khi FTA có hiệu lực. Các nước CPTPP cũng đã và đang chiếm 12% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu, tức là đây là thị trường mang đến lợi ích lớn.
“Đáng chú ý, điều thay đổi căn bản là nhờ hiệp định này, đã có một dòng chảy dịch chuyển nguồn cung ứng nguyên phụ liệu vào Việt Nam. Bởi với các FTA đã có hiệu lực thì ta phải thuân thủ các điều kiện về quy tắc xuất xứ. Chính nhờ sự chuẩn bị ngay từ khi đàm phán TPP nên các nguồn cung nguyên phụ liệu đã dịch chuyển vào Việt Nam và góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm da giày.
Nhờ đó, nếu trước đây, tỷ lệ nội địa hóa là 45% thì nay đã tăng lên 55% và tiếp tục gia tăng đáng kể. Đây là thành công đáng kể cho ngành da giày bên cạnh sự tăng trưởng xuất khẩu”, bà Phan Thị Thanh Xuân đánh giá.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang CPTPP liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số. Riêng năm 2022, dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu sang khối thị trường này vẫn đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021.
Da giày hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta sang thị trường CPTPP. Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực từ năm 2019 và được đánh giá là một trong những hiệp định tự do thế hệ mới mang lại nhiều hiệu quả cho xuất khẩu hàng hóa nước ta.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang CPTPP liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số. Riêng năm 2022, dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu sang khối thị trường này vẫn đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021.
Đối với các thị trường mà Việt Nam mới có FTA như Canada, Mexico đều tăng trưởng xuất khẩu rất cao qua từng năm với con số tăng từ 12-30%. Ngoài ra, thặng dư trong trao đổi thương mại với các nước Canada, Mexico, Peru năm 2022 đạt đến 11 tỷ USD, chiếm 95% tổng thặng dư thương mại của Việt Nam với thế giới.
Bên cạnh thuận lợi mà hiệp định mang lại, bà Tạ Thu Hà, Phó Trưởng Phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương) cho hay, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này cũng đang phải đối diện với những rào cản phi thuế quan ngặt nghèo, trong đó có việc siết chặt tiêu chuẩn về môi trường, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Cụ thể, trong Hiệp định CPTPP có một chương riêng quy định về môi trường và phát triển bền vững là Chương 20 về môi trường, quy định rõ từ điều 20.1 đến điều 20.23. Trong các quy định này, các nước CPTPP nhấn mạnh nghĩa vụ thực thi 3 điều ước quốc tế về môi trường lớn của thế giới cũng như cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp.
Các nước CPTPP cũng xác định những mục tiêu chung của hiệp định là nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường ở cấp độ cao. Thông qua việc thực thi các quy định cũng sẽ có mục tiêu đẩy mạnh pháp luật về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thông qua những chính sách đồng thời cả về thương mại và môi trường.
Trên thực tế, nhiều quy định liên quan đến môi trường đã được các nước luật hóa một cách chặt chẽ. Thí dụ như dự Luật chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gỗ, các ngành thủ công mỹ nghệ, cà-phê, chè, tiêu điều, cao su… Hoặc các chính sách, quy định mới của Canada về ghi nhãn hàm lượng tái chế có những quy định cấm nhập khẩu các sản phẩm có ống hút, sản phẩm nhựa dùng 1 lần…
Đối với các nước thuộc châu Á trong khối thị trường CPTPP, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Trưởng Phòng Đông Nam Á, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương) chia sẻ, nhiều thị trường như Nhật Bản, Australia, New Zealand đang đặt ra những tiêu chuẩn mới và đều là nước đi đầu về bảo vệ môi trường.
Thí dụ Nhật Bản gần đây đã ban hành luật thúc đẩy mua sắm xanh, ưu tiên chính sách mua sắm, bảo vệ môi trường. Hoặc, Australia là một trong những nước đi đầu ban hành các tiêu chuẩn về SPS và thắt chặt các quy định về bảo vệ môi trường như gần đây, họ ban hành quy định về hạn chế sử dụng ống hút và các chất ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Hoặc, Singapore áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 6 là mức cao nhất…
Các nước ban hành các quy định tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp cần quan tâm chú ý hơn đến việc thay đổi tiêu chuẩn sản xuất để đáp ứng những yêu cầu này.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Trưởng Phòng Đông Nam Á, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương)
Cần đáp ứng các yêu cầu về thị trường
Chia sẻ về các giải pháp thích ứng với xu hướng phát triển bền vững của các nước CPTPP, bà Phan Thị Thanh Xuân ví von, sự đòi hỏi của thị trường là xu hướng tất yếu. Giống như trước đây ta chỉ đi “nội đô” nhưng khi tham gia các FTA thế hệ mới, doanh nghiệp đang phải đi trên “đường cao tốc”. Mà đi trên cao tốc thì đòi hỏi xe phải tốt, phải hiện đại thì mới di chuyển được.
Doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững khi xuất khẩu vào thị trường CPTPP. |
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp ngành da giày đã nỗ lực thay đổi để đáp ứng các tiêu chí của thị trường. Trong đó, giải pháp đầu tiên là doanh nghiệp đã nỗ lực chuyển đổi số, từ đó giải quyết được bài toán chi phí quản lý, nâng cao năng lực nội tại, minh bạch chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp da giày đã đẩy mạnh đầu tư cho công tác đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ ba là đầu tư cho con người để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của thị trường.
Hiện nay không còn là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nữa mà doanh nghiệp đã nói nhiều về công nghệ 5.0, là công nghệ xanh digital Ecosystem. Từ năm 2030 trở đi, những ứng dụng này sẽ ngày càng phổ biến và đúng với cam kết của Việt Nam với quốc tế khi tham dự hội nghị COP 26. Do đó, chuyển đổi sang phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết và không thể thay đổi của đội ngũ doanh nghiệp.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam
Song song với các giải pháp kể trên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia chuỗi cung ứng thì phải tuân thủ các quy định của các đối tác và các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập, đặc biệt là đối với các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
“Trước mắt, có thể các tiêu chuẩn về phát triển bền vững là rào cản cho doanh nghiệp, nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, dù nền kinh tế khó khăn, nhu cầu các thị trường giảm xuống, song các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí về sản xuất xanh vẫn rủng rỉnh đơn hàng. Cho nên, cần coi các tiêu chí bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là động lực để phát triển bền vững, lâu dài”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong chia sẻ.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia cho rằng cần một giải pháp mang tính tổng thể. Thí dụ như đối với ngành dệt may, da giày, cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may da giày. Trong chiến lược có nội dung thực thi là xây dựng chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày.
Do đó, cần xây dựng ngay chương trình hành động cụ thể với chiến lược, nêu rõ nội dung mà thế giới và doanh nghiệp đang yêu cầu đặt ra, từ giải pháp thể chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn hóa các yêu cầu đối với doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quốc tế. Đây sẽ là giải pháp định hướng giúp doanh nghiệp đi nhanh và xa hơn.