Tận dụng cơ hội từ các FTA để thúc đẩy tăng trưởng

Năm thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh là những đầu tàu của kinh tế vùng, cũng là những địa phương trọng điểm triển khai công tác hội nhập quốc tế và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo các Sở Công thương năm thành phố trực thuộc Trung ương ký kết biên bản hợp tác.
Lãnh đạo các Sở Công thương năm thành phố trực thuộc Trung ương ký kết biên bản hợp tác.

Mới đây, thành phố Hà Nội đã chủ trì hội nghị ngành công thương năm thành phố để cùng nhau bàn giải pháp tận dụng cơ hội từ các FTA, qua đó thúc đẩy tăng trưởng chung.

Việc thực thi các FTA trong thời gian qua đã có những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế-xã hội của năm thành phố, nhất là thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại.

Theo thống kê, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều của năm thành phố với các nước trong FTA giai đoạn 2021-2022 ước đạt hơn 449 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 259,4 tỷ USD. Con số này cho thấy, việc triển khai, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế.

Đơn cử với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong hai năm 2021-2022, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa năm thành phố với các nước CPTPP đạt 79,751 tỷ USD. Địa phương có trao đổi thương mại lớn nhất với các nước CPTPP là Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Các mặt hàng xuất khẩu từ năm thành phố sang thị trường CPTPP là máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử, máy tính, gỗ, thủy sản, dệt may… Cũng trong thời gian này, thông qua Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), doanh nghiệp năm thành phố đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 14,179 tỷ USD tới các nước EU.

Đánh giá những lợi ích mà các FTA mang lại, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ: "Các FTA giúp kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng mạnh, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều thay đổi tích cực. Kết quả khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy, có gần 41% doanh nghiệp đã từng hưởng lợi ích về ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu từ Hiệp định EVFTA".

Tuy nhiên, theo ghi nhận từ các Sở Công thương năm thành phố, xuất khẩu sang thị trường các FTA của năm thành phố tuy có tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các FTA còn chưa đạt kỳ vọng. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi (CO ưu đãi) còn chưa cao. Số lượng doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang các thị trường FTA còn khiêm tốn, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm.

Để khắc phục những bất cập này, đại diện các Sở Công thương năm thành phố đề xuất thời gian tới, Bộ Công thương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các thông tin về các FTA và thị trường các nước đã ký kết FTA. Trong đó, tập trung xây dựng các nội dung mang tính chuyên đề đáp ứng các điều kiện hạn chế các rào cản phi thuế quan từ các nước; phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại các nước tổ chức hoạt động kết nối, xúc tiến, qua đó giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương đánh giá, phạm vi cam kết trong các FTA thế hệ mới ngày càng sâu rộng và bao trùm, đòi hỏi sự tham gia tích cực và phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp. Vì vậy, với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai các hiệp định, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị hỗ trợ, tư vấn hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhất là cách thức xử lý đối với các vấn đề tồn tại, giảm nguy cơ xảy ra tranh chấp thương mại. Đặc biệt, thông qua hệ thống cơ quan đại diện ở nước ngoài, các Sở Công thương năm thành phố mong muốn kịp thời có các báo cáo về các thay đổi chính sách của đối tác, phản ứng của thị trường để kịp thời có các giải pháp, đối sách hỗ trợ, định hướng doanh nghiệp cho phù hợp.