Cùng suy ngẫm

Khơi thông nguồn tài nguyên dữ liệu

Trong thời đại số hóa thì dữ liệu là tài nguyên phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, nhất là từ cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp tận dụng hiệu quả giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo đúng định hướng lấy người dân làm trung tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Khơi thông nguồn tài nguyên dữ liệu

Hiện nay, hơn 80% các nước trên thế giới có cổng dữ liệu quốc gia để cung cấp dữ liệu mở. Năm 2022, Việt Nam xếp thứ 81/187 về cung cấp dữ liệu mở, tăng 10 bậc so với năm 2020. Ðiều này cho thấy, việc chia sẻ dữ liệu quốc gia vào sử dụng, phục vụ việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực... Ðã có hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; có 9 cơ sở dữ liệu, 14 hệ thống thông tin đã kết nối, cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Chia sẻ dữ liệu góp phần tiết kiệm thời gian của xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ dựa trên dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời; tăng cường hiệu quả khai thác các dữ liệu dùng chung trong nội bộ, tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí... Việc kết nối chia sẻ, dữ liệu sẽ giúp hình thành, phát triển các dịch vụ, tiện ích theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và lâu dài cho phép cung cấp dữ liệu mở phục vụ khu vực tư nhân xây dựng, phát triển hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ mới cho xã hội.

Tại Quyết định số 942/QÐ-TTg ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược đã xác định rõ dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tại Nghị định số 47/2020/NÐ-CP, Chính phủ cũng xác định, dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ.

Nhằm hỗ trợ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước được thống nhất, tối ưu, thuận tiện cho việc quản lý, vận hành, duy trì, bảo đảm an toàn thông tin mạng các kết nối trên quy mô toàn quốc. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có hướng dẫn kết nối và chia sẻ dữ liệu thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Mở dữ liệu đúng và dùng dữ liệu mở hiệu quả là mục tiêu cần phải hướng tới thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạo lập, cung cấp và khai thác dữ liệu.

Ý kiến của nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, Việt Nam cần khuyến khích phát triển những nền tảng mở, dữ liệu mở, nền tảng chia sẻ, đồng thời cần kiến tạo cơ chế, cách thức mở, loại bỏ cơ chế đóng, định khuôn và thước đo là những yếu tố tạo rào cản quá trình chuyển đổi số. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, công khai thông tin về dịch vụ chia sẻ dữ liệu theo phạm vi quản lý của mình. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp cùng nhau xây dựng nhằm phát triển dữ liệu mở và nâng cao năng lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng lộ trình thiết lập các quy chuẩn, tiêu chuẩn dữ liệu bảo đảm được dữ liệu của các đơn vị từ Trung ương đến địa phương được phân loại và chia sẻ thông suốt một cách khoa học và luôn bảo đảm an toàn an ninh mạng. Chia sẻ dữ liệu phải được thực hiện phù hợp và quyền riêng tư của mỗi cá nhân được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Ngoài việc hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng danh mục tài nguyên dữ liệu trong các ngành để thúc đẩy tích hợp, phát triển và sử dụng dữ liệu liên ngành thì việc nâng cao nhận thức về giá trị của dữ liệu cho các đơn vị luôn phải đi cùng nhau...

Việc kết nối, khơi thông dòng chảy dữ liệu như là một trong các điều kiện tiên quyết thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, tăng cường sự kết nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Qua đó, tạo ra những giá trị cho người dân, doanh nghiệp và cho toàn xã hội.