Khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển đất nước

NDO - Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; đồng thời giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật. Theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội đang diễn ra.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo Góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tại Hà Nội.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo Góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tại Hà Nội.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình tổng kết, xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ đã thực hiện đúng theo quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự tác động của chính sách.

Đặc biệt, Bộ đã nghiêm túc trong thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo đảm sự ổn định, kế thừa của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật.

Khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển đất nước ảnh 1

Đại biểu đóng góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân. Với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của người dân. Đồng thời, mời các cơ quan có liên quan của Quốc hội và tổ chức làm việc trực tiếp với các bộ, ngành để rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật. Tại Kỳ họp thứ 5 (khóa XV), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân, dự thảo đã được tiếp tục hoàn thiện, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đánh giá chất lượng của dự thảo Luật đã ngày càng được nâng cao và bám sát thực tiễn.

Đáng chú ý, ngay sau khi Kỳ họp thứ 5 kết thúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã tổ chức làm việc tập trung, rà soát từng điều, khoản cụ thể để có được một dự thảo Luật có chất lượng tốt nhất.

Theo ghi nhận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đến thời điểm này, chất lượng dự án Luật được nâng lên một cách cơ bản, bảo đảm chất lượng khá tốt và đi đúng hướng, có đủ điều kiện để tiến hành các quy trình tiếp theo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Đánh giá về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và sự cần thiết thông qua Luật nêu trên, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết: Trên cơ sở những hạn chế, bất cập từ thực tiễn và để thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tập trung thể chế hóa chính sách của Đảng thành quy định của pháp luật và giải quyết được nhiều vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất, với các nội dung cụ thể sau:

Khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển đất nước ảnh 2

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu ý kiến tại buổi lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thứ nhất, đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thông qua đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất.

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất.... sẽ là nền tảng đưa nguồn lực đất đai làm đầu vào cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW.

Thứ hai, tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục hành chính, bỏ khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất đai trong dự thảo Luật đã góp phần minh bạch trong việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đặc biệt dự thảo đã quy định rõ các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, các trường hợp giao đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất, các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê… đã giúp cho việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân được minh bạch hơn.

Thứ ba, quy định rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, quy định cụ thể trình tự thực hiện bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư và trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan ở từng bước công việc.

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn...

Quy định rõ về việc phối hợp giữa Ủy ban nhân dân cấp xã và đơn vị, tổ chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; xác định rõ thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất và việc xử lý đối với trường hợp người có đất bị thu hồi không đồng ý hoặc không phối hợp khi tổ chức việc thu hồi đất.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, giá đất, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phải theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm trung thực khách quan, công khai, minh bạch...

Những đổi mới trong các quy định về tài chính đất đai, giá đất sẽ là nền tảng khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả, hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Thứ năm, dự thảo Luật đã sửa đổi các thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cung cấp thông tin đất đai … theo hướng cải cách giảm bớt thủ tục hành hành chính, giảm thời gian, nguồn nhân lực, thủ tục giấy tờ liên quan, phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ sáu, dự thảo Luật cũng đã sửa các luật có liên quan đến đất đai nhằm xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Đáng chú ý, tại Kỳ họp lần thứ 6 này, Quốc hội cũng xem xét thông qua một số đạo luật có liên quan trực tiếp đến đất đai như dự thảo Luật Nhà ở, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản…. Cùng với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các đạo luật này sẽ góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giúp cho các địa phương thuận lợi trong việc áp dụng, triển khai thực hiện.

Khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển đất nước ảnh 3

Đại biểu đóng góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhận định: Qua quá trình lấy ý kiến nhân dân, chúng tôi cảm nhận được người dân rất kỳ vọng vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 này sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, góp phần minh bạch, cụ thể hóa các quy định, nhất là các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, tài chính đất đai, giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư …

Đây là những yếu tố quan trọng để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển đất nước, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện quyền và bảo vệ lợi ích của mình khi Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống.