Khơi thông điểm nghẽn, phục hồi sản xuất

Trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác điều hành từ nay đến cuối năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp của Công ty TNHH một thành viên xe điện DK Việt Nhật. (Ảnh: TTXVN)
Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp của Công ty TNHH một thành viên xe điện DK Việt Nhật. (Ảnh: TTXVN)

Có thể nói tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp chính là “chìa khóa” tạo việc làm, giữ sinh kế cho người dân, từ đó cải thiện thu nhập, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Không thể phủ nhận tình hình đăng ký kinh doanh đã có dấu hiệu tích cực hơn trong một vài tháng gần đây nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động vẫn giảm 1,4% so cùng kỳ, đáng chú ý là số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng gần 20%.

Cùng với đó, vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp và số lao động đăng ký đều giảm mạnh, chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Các dữ liệu thống kê phản ánh tại thời điểm này, sức chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp đã tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, giải quyết được căn bản một số vấn đề tồn đọng trước đây của nền kinh tế và chủ động ứng phó, giải quyết các vấn đề mới phát sinh. Kết quả này đã góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường đầu tư kinh doanh.

Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, giải quyết được căn bản một số vấn đề tồn đọng trước đây của nền kinh tế và chủ động ứng phó, giải quyết các vấn đề mới phát sinh.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là thời điểm khó khăn chưa từng có của nền kinh tế, đòi hỏi có thêm giải pháp đồng bộ tạo thành chính sách cộng hưởng, đủ sức tháo gỡ những nút thắt đang cản trở sự phát triển, phát huy cao nhất hiệu quả nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian phục hồi nhanh tăng trưởng.

Bên cạnh nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cần chú ý hơn đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cụ thể là cải thiện khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng suất lao động; thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại để rộng đường cho hàng hóa xuất khẩu,...

Trước mắt, không ban hành bất cứ quy định nào làm khó khăn thêm và gia tăng chi phí cho doanh nghiệp; gỡ ngay 2 điểm nghẽn liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng và thủ tục cấp phép phòng cháy, chữa cháy để không làm đình trệ sản xuất, kinh doanh.

Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, mỗi khi nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ bên ngoài thì ở trong nước càng phải có động lực mạnh mẽ để thay đổi thông qua hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Chỉ khi các điểm nghẽn lớn được khơi thông, hoạt động sản xuất, kinh doanh mới mong sớm được phục hồi.