Hỗ trợ doanh nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng mới

Vừa qua, tại Hội nghị với địa phương sáu tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã thống nhất chuyển chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát “chặt chẽ, chắc chắn” ở những thời điểm trước đó sang trạng thái “linh hoạt, nới lỏng” hơn. Sự điều chỉnh kịp thời này được xem là biện pháp phù hợp thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Việc tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp đang là vấn đề được ưu tiên hiện nay.
Việc tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp đang là vấn đề được ưu tiên hiện nay.

Theo đó, các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp cần đa dạng, linh hoạt hơn; đồng thời, bản thân doanh nghiệp cũng cần đáp ứng những yêu cầu mới trong việc nâng cao năng lực quản trị.

Doanh nghiệp vẫn “khát” vốn

Là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, ông V.T, Giám đốc Công ty C.L.C cho biết, những bất lợi từ tình hình kinh tế thế giới đã khiến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đơn hàng bị sụt giảm, “bí” đầu ra, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khiến doanh thu giảm, việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút. Sau đại dịch Covid-19, vấn đề lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là “khát” vốn để đầu tư phục hồi sản xuất.

Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao, nhưng khi căn cứ các quy định pháp luật, đơn vị thực thi vấp phải rất nhiều vướng mắc, ngân hàng vẫn yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng như thời điểm không khó khăn; một số ngân hàng yêu cầu chứng minh báo cáo tài chính trong hai năm dịch Covid-19,… cho nên việc tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất gần như bế tắc.

Doanh nghiệp đã chìm đắm trong khó khăn thì đương nhiên trong tay họ không còn gì, từ tài sản bảo đảm đến các nguồn lực khác để chứng minh tài chính.

Cơ quan quản lý đã nhận diện bốn nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, thứ nhất là do bối cảnh rủi ro chung, nợ xấu gia tăng khiến các tổ chức tài chính trên thế giới và Việt Nam trở nên thận trọng hơn.

Thứ hai là khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của bên vay ở mức thấp hơn do năng lực tài chính suy giảm, giá trị tài sản bảo đảm (nhất là bất động sản) bị giảm.

Thứ ba là năng lực hấp thụ vốn, nhu cầu vay vốn của cả doanh nghiệp và hộ gia đình ở mức thấp.

Cuối cùng là một số lĩnh vực lâu nay dựa nhiều vào vốn ngân hàng hay trái phiếu doanh nghiệp đang suy giảm như bất động sản, công nghiệp, dịch vụ khác và vay tiêu dùng đã bị tác động do những chuyển biến của thị trường thời gian gần đây.

Thực tế, các ngân hàng rất muốn phát triển tín dụng, nhưng một số rất trăn trở, băn khoăn về “thế khó” của mình trong việc nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng, bởi vốn hỗ trợ này được lấy từ nguồn ngân sách, nếu doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích hay trở thành nợ xấu, dẫn đến thất thoát vốn thì trách nhiệm và hậu quả là rất lớn. Chính vì vậy, các ngân hàng đều mong muốn có thêm “điểm tựa” mới tự tin đẩy mạnh cho vay tín dụng.

Gần đây, dù các ngân hàng hạ lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn không “mặn mà” vay vốn bởi việc giảm 1% hay 2% lãi suất chỉ là câu chuyện nhỏ. Việc doanh nghiệp có vay và tiếp cận được vốn vay hay không mới là câu chuyện lớn, nếu không hoàn thiện đầy đủ thủ tục, yêu cầu ngân hàng đưa ra sẽ rất khó vay.

Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam Hà Văn Thắng cho biết, cần linh hoạt để tận dụng một cách sáng tạo các quy định của pháp luật, chế tài quản lý trong các hoạt động tín dụng của doanh nghiệp và ngân hàng. Thậm chí, có thể cho phép ngân hàng làm thử nghiệm, thí điểm với các khách hàng truyền thống để vực dậy các doanh nghiệp đang khó khăn, trong đó có doanh nghiệp nông nghiệp.

Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ

Những tác động tiêu cực, kéo dài của kinh tế thế giới đã gây khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt; chủ động trong dự báo, kịp thời chuyển hướng điều hành phù hợp diễn biến thực tế ở mỗi giai đoạn, thời điểm khác nhau.

Nhờ đó, dù trong hoàn cảnh khó khăn, nước ta vẫn thực hiện được mục tiêu về kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cũng như bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản 687/TTg-KTTH về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, cho thấy Chính phủ đang rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Đây được xem là giải pháp kịp thời, trợ lực cho doanh nghiệp, là thông điệp giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp được người đứng đầu Chính phủ đưa ra.

Từ khía cạnh cộng đồng doanh nghiệp, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc chuyển hướng chính sách tiền tệ từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng” là rất trúng trong yêu cầu hiện nay.

Việc này được ví như các mảnh ruộng đang khô hạn và Chính phủ đang cố gắng tạo nguồn nước tưới. Tuy việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lý, rẻ hơn là quyết sách đúng đắn, song vấn đề chính là cần phải ưu tiên tiền “chảy vào” các lĩnh vực lành mạnh, tiềm năng tăng trưởng tốt và hữu ích nhất cho sự phát triển của nền kinh tế.

Khi đó, những gói tín dụng, dòng vốn tập trung vào những ngành hàng này là yếu tố rất quan trọng giúp doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng mới. Tuy nhiên, để cho chương trình tiền tệ này tác động tốt nhất tới doanh nghiệp thì việc đồng bộ các nhóm chính sách rất quan trọng.

Rõ ràng, việc ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề hết sức quan trọng, nhưng bối cảnh hiện nay đòi hỏi cơ quan quản lý cần linh hoạt chuyển hướng chính sách, cả về tài khóa và tiền tệ. Chính sách tiền tệ là động lực để kinh tế tăng trưởng và là mục tiêu Việt Nam đang hướng tới.

Tuy nhiên, nếu không khéo léo trong điều hành thì chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ bị các chính sách khác vô hiệu hóa, triệt tiêu. Do đó, hơn lúc nào hết, cần sự vào cuộc chủ động, tích cực của các bộ, ngành, các cấp trong việc đưa ra chính sách nào có thể hỗ trợ cho sự phát triển, tăng trưởng và chính sách nào đi ngược lại chủ trương cần nhận diện loại bỏ.

Quan trọng nhất, năng lực quản trị của doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị về mặt tài chính, quá trình hoạt động, thị trường, pháp lý,… đang là những nút thắt mà các doanh nghiệp phải chủ động tháo gỡ khi tính đến việc vay vốn ngân hàng,…