Khởi nghiệp OCOP từ tình mẫu tử và hạnh phúc gia đình

NDO - Tại phường Trung Dũng (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), người dân địa phương đều biết tới gia đình anh Cao Minh Nhựt và chị Bùi Thị Khánh Linh bởi tình cảm gắn bó, sự sẻ chia, thấu hiểu vượt trên mọi khó khăn, thử thách.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Cao Minh Nhựt, chị Bùi Thị Khánh Linh và con gái.
Anh Cao Minh Nhựt, chị Bùi Thị Khánh Linh và con gái.

Năm 2021, Cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp OCOP do tỉnh Đồng Nai tổ chức ghi nhận một nữ thí sinh là cán bộ Đoàn cấp phường, giành giải nhì chung cuộc với sản phẩm đặc trưng miền sông nước: chà bông cá lóc.

Sản phẩm khởi nghiệp từ tình mẫu tử

Năm 2017, vợ chồng anh Cao Minh Nhựt (sinh năm 1989) và chị Bùi Thị Khánh Linh (sinh năm 1991) đón chào cô con gái đầu lòng trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Lần đầu làm mẹ, chồng lại thường xuyên đi làm ca kíp xuyên đêm, nhưng chị Khánh Linh vẫn cố gắng quán xuyến mọi việc trong gia đình.

Khi con lên 2 tuổi, bà mẹ trẻ làm món chà bông cá lóc thì nhận thấy cô con gái nhỏ vốn biếng ăn bỗng lên cân đều, thậm chí được nhiều “mẹ bỉm sữa” trong khu dân cư tấm tắc khen ngon cho nên đã quyết định thử sức kinh doanh thứ thực phẩm dân dã này.

Khởi nghiệp OCOP từ tình mẫu tử và hạnh phúc gia đình ảnh 1

Gia đình anh Nhựt, chị Linh và con gái cùng hái rau trong vườn, chuẩn bị 1 bữa cơm ấm cúng.

“Thành phố Biên Hòa có nhiều làng bè cá, nhưng người nông dân thường bị thương lái ở các khu chợ ép giá quanh năm. Tôi đặt nguyên liệu từ các làng bè này với giá cao hơn nên nông dân rất phấn khởi, làm sạch sẵn cá để tôi chỉ cần chế biến”, chị Khánh Linh kể lại.

Mô hình sản xuất của nữ Bí thư Đoàn phường Trung Dũng nhanh chóng thu hút sự tham gia của nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Bên cạnh 3 bạn trẻ là “thợ chính”, mô hình còn tạo công ăn việc làm cho 1 thanh niên hoàn lương và 1 đoàn viên yếu thế.

Những tưởng, với sự năng động của nhóm người trẻ, mô hình sẽ ngày càng phát triển, thì trong các năm 2020 và 2021, dịch bệnh Covid-19 đã khiến sản phẩm chà bông cá lóc của chị Khánh Linh gặp khó khăn không nhỏ.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, chị cũng tạm gác công việc kinh doanh để tham gia chống dịch cùng các lực lượng tuyến đầu. Hiện, dịch bệnh đã dần ổn định, con gái cũng lớn hơn, chị lại bắt tay vào khởi động lại mô hình của mình theo hướng mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Người chồng “mạnh thường quân”

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà nhỏ nhưng khang trang, ấm cúng, anh Cao Minh Nhựt, chồng chị Bùi Thị Khánh Linh, cho biết: Anh làm việc tại một công ty công nghệ tại thành phố Biên Hòa, thường xuyên phải đi làm theo ca kíp kéo dài qua đêm.

Khởi nghiệp OCOP từ tình mẫu tử và hạnh phúc gia đình ảnh 2
Căn bếp nhỏ luôn tràn ngập không khí vui tươi, hạnh phúc.

Những lúc anh Nhựt đi trực, cả nhà chỉ còn hai mẹ con chị Linh. Vì vậy, thời điểm con gái chào đời cũng là quãng thời gian khó khăn nhất đối với gia đình nhỏ.

“Ca trực thường bắt đầu từ 19 giờ tối tới 7 giờ sáng hôm sau. Khi về tới nhà, tôi sẽ phải ngủ bù tới chiều, hầu như không còn thời gian nào dành cho gia đình. Vì vậy, tôi luôn cố gắng dành mọi phút giây rảnh rỗi phụ giúp vợ việc nhà và cùng chăm sóc con nhỏ. Những lúc bận bịu, tôi luôn cố gắng nhắn tin, gọi điện hỏi han, quan tâm vợ”, anh nói.

Ngoài ra, vợ chồng anh Nhựt và chị Linh cũng chia sẻ 1 “bí kíp” thú vị để gìn giữ hạnh phúc mỗi khi có dấu hiệu “xô bát xô đũa”. 2 người sẽ tránh trò chuyện trực tiếp mà chỉ nhắn tin qua điện thoại. Chờ tới lúc được nghỉ làm, anh Nhựt sẽ lập tức đưa gia đình đi chơi. Lúc này, cả 2 người sẽ cùng chăm sóc con nhỏ, trò chuyện để hóa giải mâu thuẫn.

“Tôi nghĩ rằng, trong cuộc sống gia đình, ít có cặp vợ chồng nào chưa từng trái ý nhau. Điều quan trọng nhất là cả 2 cần tôn trọng lẫn nhau, trong đó tôn trọng cả tính tốt, tính xấu và công việc riêng của người còn lại. Khi đã đến với nhau, cần nhìn vào những điều tích cực, mặt tốt của nhau thì hôn nhân mới bền vững”, chị Khánh Linh cho biết.

Chị Linh cũng thừa nhận, công việc của một cán bộ Đoàn thanh niên thường chiếm thời gian ngoài giờ hành chính. Tuy nhiên, chị may mắn là có 1 người chồng không những chia sẻ, mà còn hỗ trợ rất nhiều. Ít người biết rằng, anh Nhựt chính là 1 trong những “mạnh thường quân” thường xuyên hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động của Đoàn phường Trung Dũng.

Khi chị Linh kể với chồng về 1 trường hợp người dân hoặc đoàn viên, thanh niên khó khăn trên địa bàn, anh Nhựt đều chủ động đề xuất hỗ trợ kinh phí ủng hộ ngay. Mỗi lần chị Linh có chương trình phải huy động đoàn viên, thanh niên tình nguyện, anh Nhựt lại đưa cả vợ con và các bạn trẻ đi ăn uống vui vẻ sau khi chương trình kết thúc.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Ngọc Thảo An, Bí thư Thành đoàn Biên Hòa, nhận định: Đồng chí Bùi Thị Khánh Linh không chỉ là tấm gương tiêu biểu trong xây dựng hạnh phúc gia đình, mà còn là 1 thủ lĩnh thanh niên năng động, sáng tạo, nhất là trong các hoạt động an sinh xã hội.

“Hưởng ứng chương trình “Bữa ăn yêu thương” do Thành đoàn Biên Hòa phát động, hằng tháng, đồng chí Khánh Linh nấu cơm miễn phí tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ. Đáng chú ý, mỗi lần tổ chức nấu cơm, anh Minh Nhựt đều ủng hộ kinh phí hỗ trợ chương trình”, đồng chí Nguyễn Ngọc Thảo An cho biết.

Theo thống kê, số vụ ly hôn ở Việt Nam hiện ở mức 60 nghìn vụ/năm, tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%. Nghĩa là, cứ 4 cặp vợ chồng có đăng ký kết hôn thì có 1 trường hợp ra tòa. Cuộc sống với quá nhiều mâu thuẫn khiến không chỉ các bạn trẻ, mà nhiều cặp vợ chồng dù đã chung sống với nhau lâu năm cũng đi đến quyết định này.

Trong bối cảnh đó, các cặp đôi như vợ chồng anh Cao Minh Nhựt và chị Bùi Thị Khánh Linh chính là những điểm sáng cần được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Được biết, vợ chồng anh Nhựt - chị Linh đã được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam bình xét, lựa chọn trao danh hiệu “Gia đình trẻ tiêu biểu” toàn quốc năm 2022 vào cuối tháng 10 tới đây.