NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ:
“Không mải việc mà quên tổ ấm”
Làm nghệ thuật cho tận cùng thì rất vất vả. Khi có chương trình, dự án thì thời gian đọc, nghiên cứu tài liệu để xây dựng ý tưởng đã gần như chiếm hết thời gian trong ngày, có những lúc mê mải quên hết mọi việc khác. Người phụ nữ phải khéo léo để làm sao chồng con hiểu, chia sẻ công việc cùng mình. Có những chương trình tôi đưa con trai đi xem, cùng đọc tài liệu và trao đổi ý tưởng. Vậy là cả nhà cùng hòa với sự bận rộn của tôi.
Có nhiều thời gian bận, cả tuần chỉ ăn cơm nhà hai buổi nên khi có khoảng thời gian rảnh dù là một buổi hay một ngày, tôi luôn rủ con đi ăn, đi cà-phê cùng mẹ. Tôi không để gia đình có cảm giác tôi mải việc mà quên tổ ấm. Bất cứ ngành nghề nào cũng đều có sự nhạy cảm, quan trọng nhất là người phụ nữ phải nhận rõ đâu là đích cuối cùng của cuộc đời. Hạnh phúc chính là một gia đình bình an, mọi người chia sẻ vui buồn cùng nhau. Tôi may mắn được cả chồng và con rất yêu thương. Chữ yêu đó được hiện thực hóa bằng việc mọi người trong nhà luôn động viên, chia sẻ trong công việc, trong sự đam mê làm nghệ thuật của tôi.
Đại úy, diễn viên Huyền Sâm, Nhà hát Kịch nói quân đội:
“May mắn có ông xã cùng ngành, cùng nghề”
Người làm nghệ thuật vốn đã vất vả, người làm nghệ thuật là phụ nữ lại càng vất vả hơn, bởi ngoài những buổi diễn đi sớm về muộn, những ngày tập luyện bám sàn ngày ba buổi, người phụ nữ vẫn phải lo chu toàn việc gia đình, con cái, hai bên nội ngoại. Để có thể hoàn thành tốt cả hai công việc đó thì vai trò của người chồng rất quan trọng, cần cảm thông và chia sẻ rất nhiều. Tôi có ông xã cùng ngành, cùng nghề nên rất hiểu cho công việc của vợ. Khi tôi bận thì ông xã sẵn sàng trở thành hậu phương vững chắc để tôi có thể yên tâm cống hiến và ngược lại, khi ông xã bận nhiều việc thì tôi cũng sẵn sàng lùi lại phía sau. Quan trọng nhất là phải biết cân đối giữa gia đình và công việc, biết tại thời điểm nào cần ưu tiên việc nào hơn.
Biên đạo Trần Thanh Tú, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội:
Xúc động khi con nói: “Mẹ cứ lên phòng nghỉ ngơi cho đỡ mệt”
Bản thân tôi hiện nay làm công tác quản lý, công việc rất bận rộn, hơn nữa chồng tôi lại ở trong quân đội, thường xuyên đi công tác xa nhà, chúng tôi có hai cháu sinh đôi, đều là con trai. Tôi luôn ý thức được rằng, mình là phụ nữ duy nhất trong nhà, tuy công việc của cơ quan là vậy, nhiệm vụ giúp đỡ cho các phong trào ở cơ sở cũng rất cần thiết nhưng không vì thế mà không quan tâm công việc gia đình. Mọi công việc, mình tự sắp xếp làm sao cho hài hòa. Việc hằng ngày như lịch cố định, mỗi sáng dậy sớm đi chợ, lo nội trợ, thu xếp thời gian chiều về nhà cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Nếu buổi tối đi chấm thi hay đi dàn dựng hoặc tổ chức các sự kiện thì giải quyết việc trong gia đình rất khẩn trương.
May mắn và tự hào khi tôi có gia đình rất yêu thương và chia sẻ. Ông xã rất ủng hộ các công việc của tôi, còn hai cháu cũng rất yêu thương mẹ. Giờ các cháu đã lớn, nhiều khi thấy tôi đi làm về mệt, các cháu nói: “Mẹ cứ lên phòng nghỉ ngơi cho đỡ mệt, chúng con nấu cơm, lúc nào xong con mời mẹ xuống ăn” khiến tôi thật sự xúc động.
Thiếu tá, diễn viên Trịnh Huyền, Nhà hát Công an nhân dân:
“Công việc chỉ là một phần của cuộc sống”
Là diễn viên sân khấu kịch nhưng trên hết tôi là một người lính. Vì vậy, ngoài công việc tập luyện, biểu diễn, đóng phim... tôi vẫn phải tham gia các cuộc họp của ngành cũng như các lớp học điều lệnh nội vụ, quân sự... Như trong giai đoạn tôi đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga trong vở “Lau trắng” (vai diễn giành Huy chương vàng Liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2021), vừa dốc tâm làm vai diễn nặng ký, vừa hoàn thành tập luyện các vai diễn khác của nhà hát. Những ngày tham dự liên hoan, hội diễn, tôi thường ra khỏi nhà từ sớm và trở về nhà khi rất khuya nhưng tôi đã rất may mắn khi được gia đình ủng hộ, động viên, chia sẻ.
Tôi luôn ý thức được rằng, công việc chỉ là một phần của cuộc sống người phụ nữ. Dù người phụ nữ có thành công đến mấy trong công việc nhưng gia đình lại không hạnh phúc thì buồn lắm, cô đơn lắm! Vì vậy, những khi ở nhà, tôi luôn cố gắng tranh thủ tối đa thời gian cho gia đình, con cái, hướng con cái đến lối sống “xanh”, hòa nhập với thiên nhiên.
Trung tá, nhạc sĩ Huyền Ngọc, Nhà Văn hóa, Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng:
“Gia đình cũng là một trong những câu chuyện âm nhạc”
Ngoài công việc và niềm đam mê nghệ thuật, khi trở về với tổ ấm của mình, người phụ nữ cũng phải làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ. Vì thế, tôi luôn cân đối công việc sao cho hợp lý để làm tròn cả hai vai. Tôi thường giải quyết công việc và sáng tác vào ban ngày, đó là thời gian dành cho công việc, còn khi hết giờ tôi muốn dành thời gian cho gia đình và con cái. Vì gia đình có yên ấm, hạnh phúc thì tôi mới có nhiều cảm xúc và cảm hứng dành cho nghệ thuật.
Âm nhạc là những câu chuyện trong cuộc sống, gia đình của mình cũng là một trong những câu chuyện âm nhạc đó. Tuy nhiên, có những hôm cảm xúc đến, tôi vẫn sáng tác và cũng đam mê… quên mất thời gian. Nhưng tôi rất may mắn được ông xã luôn ủng hộ, chia sẻ, thậm chí còn đóng góp ý kiến cho những tác phẩm của tôi để được tốt hơn. Vì thế tôi nghĩ, với người phụ nữ, nếu không cân đối được giữa công việc và đam mê nghề nghiệp với công việc gia đình thì mọi thứ sẽ không thể thành công.