“Khởi nghiệp chắp cánh tương lai” hỗ trợ các nữ phạm nhân

NDO - Ngày 22/8, tại Trại giam Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Bộ Công an cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Khởi nghiệp chắp cánh tương lai” nhằm hỗ trợ các nữ phạm nhân bắt đầu kế hoạch cho cuộc sống sau khi chấp hành xong án phạt tù.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi tổ chức sự kiện.
Quang cảnh buổi tổ chức sự kiện.

Đến dự có đại diện Ban Tuyên giáo tỉnh, các ban ngành, đoàn thể cùng 180 phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Định Thành.

Trong khuôn khổ chương trình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cung cấp, giới thiệu cho các nữ phạm nhân một số kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, qua đó giúp chị em suy nghĩ, tìm ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch để một ngày không xa biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực và thành công; thông tin cho các nữ phạm nhân về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng như hoạt động kết nối, hỗ trợ việc làm, dạy nghề, cho vay vốn, tư vấn thông tin, hỗ trợ khởi nghiệp; cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” và hướng dẫn xây dựng ý tưởng khởi nghiệp.

“Khởi nghiệp chắp cánh tương lai” hỗ trợ các nữ phạm nhân ảnh 1

Các nữ phạm nhân tham gia chương trình đố vui

Phát biểu tại buổi tổ chức sự kiện, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông tin, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, theo đó các chị có thể được vay vốn để học nghề với mức tối đa 4 triệu đồng/tháng và vay để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tối đa 100 triệu đồng/người. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để chị em có thể bắt đầu kế hoạch cho cuộc sống của mình sau cánh cửa trại giam.

Theo bà Minh Hương, qua khảo sát tại một số trại giam và làm việc với Hội Liên hiệp Phụ nữ nhiều địa phương, cho thấy rất nhiều chị em sau khi kết thúc thời hạn chấp hành án gặp khó khăn trong việc tìm việc làm ổn định.

Do đó, hằng năm hội đều tổ chức cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp với các chủ đề khác nhau. Đối tượng tham gia rất đa dạng, trong đó có nhóm phụ nữ yếu thế: phụ nữ khuyết tật, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV, phụ nữ chấp hành xong án phạt tù.

Qua 5 năm tổ chức, đã có hơn 2.000 dự án/ý tưởng dự thi cấp Trung ương, trong đó 139 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc; tổng trị giá hỗ trợ gần 30 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố cũng tổ chức cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp lựa chọn ý tưởng khởi nghiệp tốt tham gia cuộc thi khu vực, toàn quốc; các cấp Hội tại các địa phương tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh: hỗ trợ nâng cao kiến thức, năng lực về kinh doanh-khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ, livestream bán hàng và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tiếp cận vốn.

Trong thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giáo dục đạo đức lối sống, chú trọng việc tuyên truyền phát huy vai trò người phụ nữ trong gia đình; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Đặc biệt, các cấp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội để làm tốt quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù để chị em tự tin hòa nhập cuộc sống, vững tâm trên bước đường hoàn lương.