Lai Châu nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao

Chuẩn bị bước vào năm học mới 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu chủ động triển khai chín nhiệm vụ trọng tâm; trong đó tập trung triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo đúng lộ trình, chuẩn bị các điều kiện cho chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, các lớp tiếp theo và rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị. 

Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học và THCS Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu). Ảnh: NGỌC DUY
Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học và THCS Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu). Ảnh: NGỌC DUY

Sở đã xây dựng đề án tổng thể về phổ cập xóa mù chữ và triển khai một cách bài bản, nhằm nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt trong các trường học. Về việc chuẩn hóa lại đội ngũ, Sở tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên các cấp, củng cố đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý giáo dục và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục; tăng cường công tác khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, để sớm phát hiện những tiêu cực và xử lý nghiêm. 

Được biết, năm học 2019-2020, Lai Châu có 351 trường, 5.744 lớp và 149.484 học sinh. Ngành giáo dục tỉnh đã nâng cao chất lượng các tiêu chí phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, chú trọng việc duy trì sĩ số học sinh, tỷ lệ chuyên cần, cải tiến chất lượng dạy học... Nhờ đó, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,7%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,8%... Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở bậc mầm non cũng tăng lên.

* Tỉnh Long An đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tăng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải, nước thải, góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đã được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát, theo dõi. Các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp khẩn trương hoàn thành việc xây dựng hố ga giám sát ngoài hàng rào nhà máy để người dân và ngành chức năng chủ động theo dõi. Các cơ quan chức năng phối hợp các địa phương thường xuyên tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất ở các doanh nghiệp nhằm bảo đảm việc tuân thủ theo hồ sơ môi trường được duyệt, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm về xả nước thải, khí thải. Cùng với đó, tỉnh đã đưa vào vận hành ba trạm quan trắc tự động nước mặt và ba trạm quan trắc không khí nhằm theo dõi chất lượng nguồn nước, không khí tại các khu vực trọng điểm của tỉnh. Các số liệu quan trắc được công khai ở khu vực công cộng để cộng đồng giám sát, đồng thời phục vụ công tác quản lý của cơ quan nhà nước về bảo vệ môi trường.

Về xử lý rác thải sinh hoạt, tỉnh chủ trương nâng công suất xử lý rác thải tại các nhà máy hiện có, đồng thời đầu tư xây dựng thêm nhà máy mới bằng nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa. Các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn đều phải sử dụng công nghệ đốt rác và phát điện nhằm bảo đảm môi trường. Hiện, Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa thực hiện nâng công suất từ 250 tấn/ngày lên 500 tấn/ngày và chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện. Các nhà máy xử lý rác Vĩnh Hưng, lò đốt rác Tân Hưng, lò đốt rác thị xã Kiến Tường đang được triển khai xây dựng. Tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Huệ, Thạnh Hóa...