Lai Châu: Làm tốt công tác chăm, nuôi học sinh bán trú ở huyện biên giới Mường Tè

NDO - Là một huyện biên giới với điều kiện giao thông đi lại khó khăn, đồng bào sinh sống rải rác xa trung tâm, Mường Tè có số lượng học sinh bán trú lớn nhất tỉnh Lai Châu. Việc tổ chức chăm, nuôi học sinh bán trú đã góp phần nâng cao chất lượng dạy, học; giảm gánh nặng về kinh tế cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện biên giới đặc biệt khó khăn này.
0:00 / 0:00
0:00
Công tác chăm, nuôi học sinh bán trú được thực hiện tốt ở huyện biên giới Mường Tè.
Công tác chăm, nuôi học sinh bán trú được thực hiện tốt ở huyện biên giới Mường Tè.

Em Vàng Khánh Duy, học sinh lớp 5C, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mù Cả (xã biên giới Mù Cả, huyện Mường Tè) cho biết, nhà em là gia đình thuộc hộ nghèo ở bản Gò Cứ, cách trường học hơn 20km. Trước đây học ở điểm bản, sau thời gian lên lớp em còn phải phụ giúp gia đình làm việc nhà, đến mùa thì theo bố mẹ đi nương trông em.

Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, cho nên em có bữa đói, bữa no và học hành cũng bữa đi, bữa bỏ. Giờ về trung tâm xã học ở trường bán trú, em được các thầy, cô chăm lo ăn, ngủ, học hành, được cùng bạn bè trang lứa tham gia nhiều hoạt động bổ ích. Buổi chiều, ngoài giờ học, em và các bạn được thầy cô hướng dẫn cách trồng rau, chăm cây cảnh và cùng các bạn chơi các môn thể thao yêu thích....

Theo thầy giáo Đào Long Hải, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mù Cả; hiện nhà trường có 225 học sinh bán trú. Nhà trường luôn coi trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh bán trú. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thành lập ban quản lý bán trú, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên, trong đó mỗi phòng học sinh bán trú được phân công hai giáo viên quản lý .

Lai Châu: Làm tốt công tác chăm, nuôi học sinh bán trú ở huyện biên giới Mường Tè ảnh 2

Bữa ăn của học sinh bán trú luôn được bảo đảm.

Đồng thời, trường phân công các thầy, cô giáo theo dõi, đôn đốc học sinh thực hiện nội quy bán trú và giúp các em học mỗi buổi tối. Nhà trường rà soát, kiểm soát và lựa chọn nhà thầu cung ứng thực phẩm bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhân viên nấu ăn có kinh nghiệm, hiểu biết về vệ sinh an toàn thực phẩm và là người địa phương. Nhà trường tổ chức cho học sinh bán trú xem ti-vi, tham gia các môn thể thao theo giờ. Ngoài ra nhà trường cũng cử thầy, cô hướng dẫn các em trồng rau, nuôi gà để các em có trải nghiệm và rèn kỹ năng và tăng thêm khẩu phần ăn cho các em.

Theo số liệu thống kê, hiện các trường do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè quản lý có hơn 13 nghìn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm hơn 93% trong tổng số học sinh ở ba bậc học từ mầm non đến trung học cơ sở. Trong tổng số học sinh ba cấp nêu trên, có 4.594 học sinh ở bán trú, 441 phòng ăn, nghỉ bán trú. Do số lượng học sinh ở bán trú lớn, cho nên việc bảo đảm nơi ăn, ở cho học sinh và nâng cao chất lượng công tác bán trú luôn được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đặc biệt quan tâm.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thường tổ chức kiểm tra, rà soát nhu cầu cơ sở vật chất tại các đơn vị thực hiện báo cáo, lập tờ trình, trình cấp trên phê duyệt đầu tư. Phòng phối hợp với các đơn vị từ thiện các nhà hảo tâm xây dựng phòng học mới để xóa các phòng học tạm.

Năm 2023, phòng đã tham mưu và huy động các nguồn lực xóa được 6 phòng học tạm. Hiện, toàn huyện vẫn còn 16 phòng học tạm, hàng chục nhà ăn, phòng nghỉ bán trú thuộc diện tạm hoặc bán kiên cố cần được đầu tư.

Lai Châu: Làm tốt công tác chăm, nuôi học sinh bán trú ở huyện biên giới Mường Tè ảnh 3

Hiện huyện Mường Tè vẫn còn 16 phòng học tạm, hàng chục nhà ăn, phòng nghỉ bán trú thuộc diện tạm hoặc bán kiên cố cần được đầu tư.

Ông Hà Đình Nhuận, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết, ngoài việc huy động các nhà hảo tâm, tham mưu các cấp đầu tư để xóa các phòng học tạm và phòng ăn ở bán trú bán kiên cố và tạm, đơn vị cũng thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học và nuôi ăn bán trú. Trong đó tập trung chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm; chỉ đạo các đơn vị hợp đồng mua bán thực phẩm với các cơ sở cung cấp thực phẩm bảo đảm theo quy định.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức khám sức khỏe định kỳ và xác nhận kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định cho phụ trách bếp và nhân viên trực tiếp phục vụ nấu ăn. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các đơn vị; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Nghiêm túc thực hiện cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể.

Lai Châu: Làm tốt công tác chăm, nuôi học sinh bán trú ở huyện biên giới Mường Tè ảnh 4

Hầu hết các trường bán trú đều có mô hình nuôi gà và trồng rau xanh, qua đó cải thiện bữa ăn và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

Ngoài ra phòng cũng đề nghị các trường tạo môi trường học tập, vui chơi phong phú để học sinh được giao lưu, học tập; tổ chức cho học sinh trồng rau, chăn nuôi để vừa rèn luyện kỹ năng sống vừa tăng cường khẩu phần ăn cho học sinh.

Để nâng cao chất lượng học và nuôi ăn bán trú, ngoài việc thực hiện các giải pháp của ngành giáo dục rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tạo quỹ đất cho các trường bán trú, ưu tiên các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm công tác nuôi ăn bán trú; đồng thời cũng rất cần những tấm lòng của các nhà hảo tâm trong việc đầu tư, hỗ trợ cả về cơ sở vật chất và đồ dùng sinh hoạt, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số ở các trường bán trú để giúp các em thực hiện ước mơ đến trường vì một tương lai tươi sáng.