Mô hình nuôi học sinh tại nhà dân
Mường Tè là địa phương vùng xa, vùng biên giới có xuất phát điểm thấp hơn so với các địa phương khác trong toàn tỉnh. Những năm trước đây, Mường Tè là địa phương mà điều kiện kinh tế của các dân tộc sinh sống trên địa bàn đều thiếu thốn; mạng lưới trường lớp học chưa phát triển, nhiều xã chưa có trường trung học cơ sở. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp còn thấp; đội ngũ cán bộ, giáo viên thiếu, chất lượng dạy và học còn thấp, học sinh còn bỏ học nhiều…
Đất khó Lai Châu đón năm học mới
Nhớ về thời khó khăn đó, bà Lò Phù Mé, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, thời của những người như bà, cơ sở vật chất trường lớp của huyện rất tạm bợ, đời sống của đồng bào các dân tộc đặc biệt khó khăn; địa hình của huyện phân tán mà giao thông đi lại rất vất vả…
Tuy nhiên, bằng vào sự kiên trì vượt khó của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã gieo mầm giúp thế hệ của bà Mé và hàng loạt các thế hệ học sinh sau này của huyện luôn có tinh thần hiếu học, vươn lên.
Chỉ cách đây hơn chục năm, sự học ở các bản vùng sâu, xa của Mường Tè còn rất nhiều khó khăn. |
Dấu ấn lịch sử lớn lao của giáo dục Mường Tè nói riêng, giáo dục vùng cao nói chung là tấm gương thầy giáo, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn. Đó là tấm gương về sự cống hiến và sáng tạo.
Những câu chuyện về dạy chữ của thầy Bôn hiện vẫn được những người già nhớ và kể cho con cháu các thế hệ sau, đại loại như: Sáng sớm, thầy Bôn dạy chữ cho người đi nương, rời con chữ trên bảng, họ lại được thầy Bôn lấy phấn viết chữ trên lưng trâu để vừa đi vừa ôn bài. Chiều tối là lớp học bên bếp lửa của các bà, các mẹ. Suốt nhiều tháng ròng, mỗi ngày thầy Bôn đứng ở 4 lớp như thế…
Học trò đi bộ cả ngày đường để đến trường là chuyện thường ngày (Trong ảnh: Học sinh cấp II bản U Pa Tết xã Tà Tổng đi bộ ra trung tâm học năm 2012). |
Cho đến nay ký ức của người già ở xã Mù Cả về thầy giáo Bôn vẫn là những câu chuyện để giáo dục con cháu. |
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy Bôn và trò lúc bấy giờ, xã biên giới Mù Cả là xã đầu tiên của vùng cao phía bắc được ghi nhận đã xóa nạn mù chữ. Và thầy Bôn được biểu dương là “cha đẻ” của mô hình nuôi học sinh tại nhà dân ở miền bắc.
Việc một xã biên giới vùng sâu, xa như Mù Cả được công nhận là xã đầu tiên của vùng cao phía bắc được ghi nhận đã xóa nạn mù chữ là điều không tưởng với một vùng đất nằm tách biệt với cộng đồng dân tộc Hà Nhì từng được gọi là “U ní” (mông muội).
Và bản thân thầy Nguyễn Văn Bôn là người đầu tiên trong ngành giáo dục cả nước được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động do chính Bác Hồ ký tháng 6/1962.
Theo lời kể của Anh hùng Lao động, thầy giáo Nguyễn Văn Bôn, lúc đó theo lời kêu gọi của nhà nước thì mình xung phong để lên dạy chữ cho bà con. Khi được cử về Mường Tè cũng giống như những giáo viên khác, mỗi người được giao về một bản để dạy chữ cho bà con ở bản đó.
Học sinh đi lấy củi, đi bắt cá cải thiện bữa ăn sau giờ học cũng chẳng hiếm đối với những bản vùng khó cách đây hơn chục năm (trong ảnh học sinh trường Nậm Ngà xã Tà Tổng đi lấy củi sau giờ học). |
Học sinh đi lấy củi, đi bắt cá cải thiện bữa ăn sau giờ học cũng chẳng hiếm đối với những bản vùng khó cách đây hơn chục năm (Trong ảnh: Học sinh Trường Nậm Ngà, xã Tà Tổng bắt cá cải thiện cuộc sống sau giờ học). |
"Lên đó rồi mình thấy như vậy thì lãng phí, mình đã tập trung học sinh 7 bản về bản Mù Cả để học. Lúc đầu có 40 học sinh đến và hình thành nên lớp học đầu tiên ở Mù Cả. Lớp học mở ra nhưng giấy bút lại không có, bấy giờ thầy trò bảo nhau lấy lá chuối và dùng que để viết. Lúc đó, các xã trong huyện Mường Tè mỗi xã chỉ có 4-5 học sinh, riêng xã Mù Cả có đến 40 học sinh và đã có học sinh học cấp hai đầu tiên trong toàn huyện", thầy Bôn nói thêm.
Năm 1963, xã Mù Cả được công nhận xóa mù chữ, và rồi ký túc xá đầu tiên của miền bắc được xây dựng với hình thức dân tự nuôi được Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ ký công nhận sáng kiến. Sau mỗi buổi học thầy và trò cùng nhau xuống suối bắt cá, trồng rau, trồng lúa để tự túc thực phẩm...
Phát huy truyền thống nơi thượng nguồn
Từ việc xác định nâng cao mặt bằng dân trí là nền tảng của sự phát triển kinh tế-xã hội, trong suốt những năm qua, Đảng bộ, chính quyền cùng với sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân các dân tộc đã nỗ lực, quyết tâm chăm lo cho ngành giáo dục và đào tạo, góp phần tích cực nâng cao dân trí để đưa Mường Tè thoát khỏi huyện đặc biệt khó khăn của cả nước.
Những năm trở lại đây sự học ở Mường Tè đã có nhiều đổi thay. |
Trong những năm qua, giáo dục Mường Tè đã có sự phát triển vượt bậc với nền tảng là phong trào thi đua yêu nước, nhiều điển hình tiên tiến trong phong trào này đã trở thành cán bộ quản lý các trường.
Trong 5 năm trở lại đây, đã có 117 học sinh đạt giải cấp tỉnh trong đó có 2 giải Nhất; 16 giải Nhì; 31 giải Ba; 68 giải Khuyến khích. Quy mô trường lớp học không ngừng mở rộng về mặt số lượng và chất lượng; toàn huyện Mường Tè hiện có 40 cơ sở giáo dục bao gồm: 14 trường mầm non; 7 trường tiểu học; 7 trường trung học cơ sở; 8 trường tiểu học và trung học sở; 3 trường trung học phổ thông và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên.
Trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang. |
Cô Vũ Thị Hường, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Bum Tở cho biết, do xã chủ yếu là học sinh dân tộc La Hủ nên việc dạy của các cô cũng phải nỗ lực hơn so với các trường ở vùng thuận lợi.
Đơn cử như việc học sinh nói ngọng nhiều, các cô phải mất nhiều thời gian rèn phát âm cho các cháu mọi lúc, mọi nơi với tần suất nhiều lần trong ngày. Hay như việc tận dụng thay đổi công năng cho đồ dùng học tập, đồ chơi của học trò; cụ thể thay vì để nguyên như thiết kế, các cô đã sáng tạo bằng cách gắn các tên chữ, số chung quanh những đồ chơi, khu vui chơi của trẻ để khi vừa chơi trẻ vừa nhìn vào đó rồi đọc, phát âm theo yêu cầu của các cô.
Từ sự nỗ lực, cố gắng và sáng tạo này của các cô đã góp phần củng cố và nâng cao chất lượng đọc thông viết thạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù ở địa bàn khó khăn nhưng Trường mầm non xã Bum Tở đã được công nhận trường chuẩn Quốc gia đầu tiên ở vùng đặc biệt khó khăn.
Học sinh được học tập rèn luyện trong môi trường tốt. |
Chính nhờ những cố gắng của đội ngũ giáo viên giống như các thầy, cô ở Trường mầm non xã Bum Tở như đã nêu trên, ngành giáo dục huyện Mường Tè mới có những phát triển mạnh mẽ và luôn là đơn vị đi đầu trong các phong trào của huyện, của tỉnh. Mỗi năm có cả chục tập thể, gần sáu chục lượt cán bộ, giáo viên được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Hàng trăm lượt tập thể và cá nhân được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tặng giấy khen trong các phong trào thi đua…
Theo ông Tống thanh Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè, trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, cùng với nỗ lực trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, ngành giáo dục và đào tạo huyện Mường Tè đã có những đổi thay tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ về nhiều mặt, trong đó bảo đảm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn, kế hoạch năm học và ngân sách tài chính chi thường xuyên cho các đơn vị trường.
Chế độ, chính sách cho giáo viên, học sinh, người lao động được chi trả kịp thời, đúng quy định. Chất lượng giáo dục được củng cố, duy trì và nâng cao dần các tiêu chí, đặc biệt là chất lượng đội ngũ (hiện nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo toàn huyện đã đạt hơn 88%).
Những bữa cơm bán trú đủ chất giúp các em phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. |
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học dần đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục, đặc biệt chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 (hiện nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đã đạt hơn 97%). Hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh bán trú dần đi vào nền nếp. Các phong trào thi đua được đẩy mạnh, tập trung vào khâu khảo sát thực tiễn, triển khai và đánh giá thực chất kết quả. Đặc biệt xây dựng được 2 đơn vị trường trên địa bàn hai xã có 100% con em là dân tộc La Hủ đạt chuẩn Quốc gia mức độ một.
Thời gian tới ngành sẽ tiếp tục Phát huy vai trò người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong chỉ đạo, điều hành mọi mặt của từng đơn vị trường. Trong đó tập trung vào việc tiếp tục phát huy, nâng cao dần các tiêu chí, mục tiêu đã đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém. Triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành đã xác định, bảo đảm thực chất, phù hợp với thực tiễn tại từng địa bàn xã, thị trấn. Hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Hội đồng nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo giao.
Môi trường giáo dục được đầu tư, học sinh học tập và phát triển toàn diện hơn. |