Mặc dù, các hãng xe công nghệ đã tăng phí dịp này để níu chân tài xế, nhưng tình trạng khan xe, khó gọi xe vẫn rất phổ biến những ngày cuối năm.
Đỏ mắt chờ xe công nghệ
Sáng 20/1 (tức 29 tháng Chạp Âm lịch), anh Giang, 35 tuổi, trú tại quận Tây Hồ xách theo vali, theo thói quen bật app Grab để tìm tài xế chở mình ra bến xe Mỹ Đình. Thế nhưng, khác với ngày thường, trên màn hình hiển thị của ứng dụng lại chỉ hiện lác đác vài biểu tượng xe chung quanh. Sau hơn 40 phút không thể kết nối với bất cứ tài xế nào, anh đã buộc phải hủy chuyến để chuyển sang ứng dụng thứ hai. Thế nhưng, tình trạng vẫn không khác hơn là bao.
“Càng cận Tết, việc đặt xe càng trở nên khó khăn hơn. Tôi đã thử đến 3 app của 3 hãng khác nhau nhưng vẫn không có tài xế nào nhận chuyến”, anh Giang chán nản nói.
Càng cận Tết, việc đặt xe công nghệ càng trở nên khó khăn hơn. (Ảnh: Thành Đạt) |
Để có thể tìm được xe, anh đã phải vào nhóm mang tên Grab xe ôm công nghệ trên Facebook, đăng trạng thái muốn tìm người đưa ra Mỹ Đình. Sau vài phút, một số tài khoản đã liên hệ và ra giá 100 nghìn đồng cho chuyến đi, cao hơn khoảng 20% so với giá báo trong ứng dụng.
Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Tuấn Ngọc than thở: Chiều 28 Tết, anh có việc cần đặt xe cho đoàn 3 người đi.
“Do quá nhiều đồ nên 3 người chúng tôi cùng vào một app đặt Grab bike. Thế nhưng mãi gần 1 tiếng sau, chúng tôi mới kết nối được một xe. Đợi thêm 30 phút thì có người nhận chuyến thứ hai. Chuyến thứ ba thì không có ai nhận chở. Chúng tôi buộc phải về trụ sở lấy xe và quay lại đón người. Một quãng đường gần 8km nhưng cả đoàn mất đúng 2 giờ để chờ đợi và di chuyển”, anh Ngọc chia sẻ lại trải nghiệm của mình.
Không chỉ người dân, không ít chủ shop bán hàng online cũng khốn khổ vì không thể đặt xe qua các ứng dụng công nghệ. Chị Nguyễn Hường (Phú Thượng, Tây Hồ) cho biết, từ hai ngày nay, chị đã phải huy động cả chồng để vận chuyển vì tình trạng “cháy xe” kể trên.
“Không ít khách đã hủy mua vì chúng tôi không thể giao kịp hàng như họ muốn”, chị Hường chia sẻ, đồng thời cho biết thêm để cẩn thận, chị đã gọi điện cho tổng đài, đặt xe taxi để ngày mai, 30 Tết cả nhà có thể ra bến xe về quê sớm.
“Dịp này, nếu chờ đợi xe công nghệ có lẽ chúng tôi không thể chủ động bất cứ công việc gì”, chủ shop tại Tây Hồ than thở.
Tăng phụ phí nhưng không thành công “níu chân” các bác tài
Lý giải về tình trạng “cháy xe”, đại diện một hãng xe công nghệ cho hay: Do càng giáp Tết, nguồn cung tài xế càng có xu hướng giảm dần khi “các đối tác” của hãng về quê nghỉ ngơi. Trong khi đó, nhu cầu di chuyển, giao hàng, đặt đồ ăn lại tăng cao.
Dịp giáp Tết, các hãng cũng đã áp dụng phụ phí để khuyến khích các tài xế đảm bảo hoạt động xuyên suốt, thế nhưng cũng không đủ hấp dẫn để “níu chân” các bác tài.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, hãng Be áp dụng phụ phí Tết 5-20 nghìn đồng mỗi chuyến xe trong khung giờ từ 6 giờ đến 22 giờ cho tất cả dịch vụ từ ngày 20/1 đến ngày 26/1. Riêng BeFood, phụ phí Tết sẽ áp dụng trong khung giờ 6 giờ-23 giờ (tính từ thời điểm phát sinh chuyến xe).
Nhiều tài xế quyết định tắt app để về quê đón Tết cùng gia đình. (Ảnh: Thành Đạt) |
Tương tự, Grab cũng thu phụ phí 5 nghìn đồng mỗi chuyến GrabBike, đơn hàng dịch vụ GrabMart, GrabExpress và 15 nghìn đồng cho mỗi chuyến GrabCar tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...
Giai đoạn từ 28 tháng chạp đến mùng 5 Tết, Gojek áp dụng mức phụ phí 20 nghìn đồng cho mỗi chuyến GoCar tại Thành phố Hồ Chí Minh; 15 nghìn đồng tại Hà Nội. Các dịch vụ xe ôm, giao hàng và giao đồ ăn được doanh nghiệp này thu thêm 5-7 nghìn đồng mỗi đơn hàng. Trong khi đó, ứng dụng Baemin thông báo phụ thu tối đa 10 nghìn đồng một đơn hàng.
Trước mức phụ phí này, một tài xế xe công nghệ cho hay: Mức phụ phí không quá lớn để anh chấp nhận ở lại Hà Nội chạy xuyên Tết.
“Một năm chỉ có một dịp cả gia đình sum họp nên tôi quyết định tắt app về nghỉ ngơi sau hôm nay”, tài xế này chia sẻ.