Khi người nghèo được an cư, tạo sinh kế làm ăn

Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre đã vận động xây dựng hàng nghìn căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, mái ấm phụ nữ, mái ấm công đoàn… giúp người nghèo an cư. Đồng thời, thực hiện các mô hình sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên trong cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình bà Nguyễn Thị Sữa (phải) vui mừng khi được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)
Gia đình bà Nguyễn Thị Sữa (phải) vui mừng khi được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Ấm áp nhà Đại đoàn kết

Trong căn nhà còn thơm mùi gạch, xi-măng, gia đình bà Nguyễn Thị Sữa, sinh năm 1949 (ngụ ấp Phước Hậu, xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) vui mừng khi thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ suốt mấy chục năm liền.

Kinh tế gia đình bà Sữa thuộc diện khó khăn khi nguồn thu nhập chính từ đứa con trai làm nghề phụ hồ và mấy chục gốc dừa phía sau nhà. Căn nhà có diện tích 50m2 vừa hoàn thành, bàn giao hôm 3/7 trong niềm vui mừng của cả gia đình.

Bà Sữa tâm sự: “Khi hay tin gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết tôi mừng rơi nước mắt, suốt đêm không ngủ được. Mấy chục năm qua, gia đình tôi phải ở trong căn nhà tạm bợ, vách từ gỗ dừa, cột gỗ cũ, trời mưa rất sợ giông, gió làm sập bất cứ lúc nào. Hôm bàn giao nhà, tôi nghẹn ngào không nói nên lời vì quá xúc động và vui mừng”.

Trong nhiệm kỳ vừa qua (2019 -2024), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Châu Thành đã vận động xây dựng được 330 căn nhà Đại đoàn kết, đạt 132% so với Nghị quyết. Từ đó, góp phần giúp huyện Châu Thành cơ bản xóa được nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo.

Khi người nghèo được an cư, tạo sinh kế làm ăn ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Sữa (ngụ xã An Phước, huyện Châu Thành) bên căn nhà Đại đoàn kết vừa khánh thành, đưa vào sử dụng. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Chúng tôi đến thăm căn nhà Đại đoàn kết gia đình ông Phạm Văn Được (sinh năm 1970, ngụ ấp An Hòa, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cũng vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây.

Ông Được cho biết: “Mười mấy năm trước, vợ mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời bỏ lại tôi 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học và mẹ già nên gia đình hết sức khó khăn.

Do không có đất sản xuất nên tôi phải buôn bán ngoài chợ rồi đi làm thuê, làm mướn vẫn không cất nổi căn nhà đàng hoàng cho gia đình ở. Năm rồi, các anh chị Mặt trận Tổ quốc xã An Bình Tây thông báo xét cấp kinh phí 50 triệu đồng cho gia đình cất lại căn nhà, tôi rất vui mừng vì nhiều năm liền chỉ đủ ăn chứ không dám mơ việc cất nhà”.

Khi được hỗ trợ 50 triệu đồng, gia đình, dòng họ ông Được gom góp thêm 40 triệu đồng để cất căn nhà khá tươm tất. Niềm vui mừng của gia đình ông Được nhân đôi khi đã thoát nghèo bền vững. Hiện tại, ông có việc làm ổn định, đứa con gái lớn tốt nghiệp Cao đẳng đang đi làm việc ở Nhật Bản từ tháng 1/2024, kinh tế đã dần ổn định.

Mười mấy năm trước, vợ mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời bỏ lại tôi 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học và mẹ già nên gia đình hết sức khó khăn. Do không có đất sản xuất nên tôi phải buôn bán ngoài chợ rồi đi làm thuê, làm mướn vẫn không cất nổi căn nhà đàng hoàng cho gia đình ở. Năm rồi, các anh chị Mặt trận Tổ quốc xã An Bình Tây thông báo xét cấp kinh phí 50 triệu đồng cho gia đình cất lại căn nhà, tôi vui rất vui mừng vì nhiều năm liền chỉ đủ ăn chứ không dám mơ việc cất nhà.

Ông Phạm Văn Được, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã An Bình Tây Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Trong 5 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã vận động xây dựng được 35 căn nhà Đại đoàn kết góp phần giúp địa phương xóa nhà tạm bợ và hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục vận động sửa chữa những căn nhà xuống cấp, hư hỏng để giúp người dân ổn định cuộc sống”.

Khi người nghèo được an cư, tạo sinh kế làm ăn ảnh 2

Ông Phạm Văn Được (giữa) bên căn nhà mới. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Trong nhiệm kỳ qua, quỹ “Vì người nghèo” ba cấp tại tỉnh Bến Tre đã tiếp nhận được số tiền 190,6 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” đã chi hỗ trợ xây dựng 3.087 nhà Đại đoàn kết, căn nhà tình thương. Hiện tại, có 110 xã, phường cơ bản xóa nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo. Trong đó, các đơn vị như: huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Châu Thành và thành phố Bến Tre cơ bản xóa nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo.

Tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo bền vững

Năm 2013, gia đình ông Đỗ Hữu Thọ, ngụ ấp Quy Nghĩa (xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm) được hỗ trợ xây dựng căn nhà tình thương với kinh phí 50 triệu đồng. Sau đó, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ 5 triệu đồng để tạo sinh kế, giúp gia đình thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Bé Năm (vợ ông Thọ) cho biết: “Khi đó, gia đình thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất nên cuộc sống rất khó khăn phải làm thuê, làm mướn kiếm sống. Sau khi được hỗ trợ nhà, gia đình tiếp tục được hỗ trợ cho mượn 5 triệu đồng để nuôi dê phát triển kinh tế. Từ 1 con dê giống ban đầu, gia đình phát triển đàn lên 9 con. Hiện tại, 2 vợ chồng không còn đi làm thuê nữa mà ở nhà chăn nuôi, đứa con cũng có việc làm, thu nhập ổn định nên kinh tế khấm khá hơn trước rất nhiều và thoát nghèo mấy năm nay”.

Khi người nghèo được an cư, tạo sinh kế làm ăn ảnh 3

Gia đình bà Nguyễn Thị Bé Năm phát triển đàn dê từ nguồn vốn hỗ trợ sinh kế thoát nghèo. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Tại ấp An Phú (xã An Bình Tây, huyện Ba Tri) được chọn làm điểm thực hiện mô hình sinh kế thoát nghèo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ba Tri.

Hiện tại, có 5 hộ dân trong ấp được hỗ trợ cho mượn mỗi hộ 20 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi bò thịt, bò sữa, ếch, dê… bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Năm 2020, gia đình bà Nguyễn Thị Trang (ngụ ấp An Phú, xã An Bình Tây) được quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Ba Tri hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà Đại đoàn kết. Sau đó, được hỗ trợ cho mượn 20 triệu đồng làm sinh kế thoát nghèo.

Khi được hỗ trợ cho mượn vốn, gia đình tôi mua 1 con bò giống về nuôi và tiếp tục vay vốn thuộc diện hộ nghèo để mua thêm con bò nữa. Bây giờ, chồng tôi làm phụ hồ còn tôi buôn bán rau, củ ngoài chợ quê cũng tạm ổn để lo cho đứa con ăn học. Dự kiến, cuối năm nay, gia đình tôi sẽ thoát nghèo nhờ vào nguồn vốn hỗ trợ để chăn nuôi.

Bà Nguyễn Thị Trang, ngụ xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre

Khi người nghèo được an cư, tạo sinh kế làm ăn ảnh 5

Bà Nguyễn Thị Bé Năm trồng cỏ để chăn nuôi dê ngay bên căn nhà mới. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Bà Trang cho biết: “Khi được hỗ trợ cho mượn vốn, gia đình tôi mua 1 con bò giống về nuôi và tiếp tục vay vốn thuộc diện hộ nghèo để mua thêm con bò nữa. Bây giờ, chồng tôi làm phụ hồ còn tôi buôn bán rau, củ ngoài chợ quê cũng tạm ổn để lo cho đứa con ăn học. Dự kiến, cuối năm nay, gia đình tôi sẽ thoát nghèo nhờ vào nguồn vốn hỗ trợ để chăn nuôi”.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ba Tri Trần Kim Quyên cho biết: Trong 5 năm qua, Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” cấp huyện đã vận động và hướng dẫn các địa phương vận động ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” đạt hơn 28 tỷ đồng, vận động an sinh xã hội được hơn 118 tỷ đồng.

Từ các nguồn lực trên đã hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa được 415 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo, giúp đỡ về vốn, hỗ trợ học bổng, khám chữa bệnh, tặng quà cho hộ nghèo nhân dịp lễ, Tết…..

Hiện tại, địa phương đang thực hiện các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2022-2025) cho 69 hộ nghèo, hộ cận nghèo của các xã Mỹ Nhơn, Tân Xuân, An Bình Tây với tổng kinh phí 946 triệu đồng. Từ đó, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 6,78% vào năm 2019 xuống còn 5,55%.

Khi người nghèo được an cư, tạo sinh kế làm ăn ảnh 6

Gia đình bà Nguyễn Thị Trang (ngụ xã An Bình Tây, huyện Ba Tri) được hỗ trợ vốn nuôi bò thoát nghèo. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết: Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua ”Đồng khởi mới” theo Chỉ thị số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” giai đoạn 2020- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với 2 nội dung chính: Giảm nghèo bền vững, tạo đồng thuận tham gia phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng, nhân rộng và tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực công tác Mặt trận.

Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh hoạt động Quỹ “Vì người nghèo”, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025; phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau” góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tập trung thực hiện công tác giảm nghèo và phấn đấu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn khó khăn về nhà ở.