Ấm tình những ngôi nhà Đại đoàn kết

Trong nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận chủ động đổi mới phương thức vận động các nguồn lực để nâng cao công tác chăm lo người nghèo, đối tượng yếu thế... qua đó, đã tiếp nhận gần 81 tỷ đồng và huy động nhiều nguồn lực khác hơn 100 tỷ đồng để xây mới 2.344 nhà ở, sửa chữa hàng nghìn căn nhà của hộ nghèo, cận nghèo...
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Hòa Sơn thăm hỏi gia đình chị Pô Pô Thị Khánh, thôn Tân Định, xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) sau 1 năm an cư trong căn nhà Đại đoàn kết.
Cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Hòa Sơn thăm hỏi gia đình chị Pô Pô Thị Khánh, thôn Tân Định, xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) sau 1 năm an cư trong căn nhà Đại đoàn kết.

Những ngôi nhà Đại đoàn kết trở thành điểm tựa vững chắc, tạo động lực tích cực giúp người nghèo có cơ hội vươn lên trong đời sống, góp phần đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Người nghèo được an cư ổn định

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phạm Thị Bích Hà, cho biết: Những năm qua, trước nhu cầu cấp thiết về nhà ở của người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và tổ chức thành viên các cấp đã tăng cường các nhiệm vụ trọng tâm hướng về cơ sở, khu dân cư bằng những việc làm thiết thực, có kết quả bằng sản phẩm cụ thể để nâng cao hơn nữa công tác chăm lo người nghèo, người hoàn cảnh khó khăn tại các vùng nông thôn có được nơi an cư, an tâm vượt khó vươn lên, từng bước cải thiện đời sống.

Đột phá của hoạt động này trong nhiệm kỳ vừa qua là việc Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã chủ động đề xuất và được Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận thống nhất giao đơn vị chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2023-2025, hướng đến mục tiêu 1.243 hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở ổn định, với tổng kinh phí thực hiện hơn 124 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí vận động xã hội hóa hơn 87 tỷ đồng.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã triển khai kế hoạch đợt 1 của đề án, xây dựng 116 căn nhà và bàn giao các hộ nghèo, cận nghèo trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đồng thời Phát động Chương trình “Xây dựng 300 nhà Đại đoàn kết” chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2024-2029.

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi về huyện Thuận Bắc thăm các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số Raglai. Qua trao đổi chúng tôi được biết Chamaléa Thị Sy, sinh năm 1996, ở thôn Suối Đá, xã Lợi Hải; Chamaléa Nhơ, sinh năm 1995, ở thôn Đá Liệt, xã Phước Kháng,... đã được hỗ trợ nhà Đại đoàn kết trong năm 2023. Bên cạnh đó, nhiều hộ vừa có chỗ ở, vừa được tuyển dụng làm công nhân tại Công ty TNHH Thực phẩm Nhất Nguyên, thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa), tăng thu nhập, nhờ vậy đời sống được cải thiện.

Chị Chamaléa Thị Sy chia sẻ: “Tôi làm công nhân, có thu nhập cao hơn làm rẫy, trồng lúa. Năm 2023, nhờ có Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh, huyện và sự hỗ trợ của công ty, sự giúp đỡ của anh em họ hàng, làng xóm, tôi có được ngôi nhà khang trang, trị giá 100 triệu đồng. Có chỗ ở, có việc làm và thu nhập ổn định, đời sống của gia đình tốt hơn trước rất nhiều, hằng tháng, vợ chồng tôi trích lại một phần thu nhập để tích lũy cho con đi học”.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thuận Bắc Lữ Phụng Trường cho biết: Từ năm 2022 đến tháng 6/2024, với nguồn hỗ trợ 6 tỷ đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thuận Bắc đã vận động xã hội hóa các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn hỗ trợ, xây mới 111 căn nhà Đại đoàn kết (diện tích từ 32 m2-40 m2/căn, giá trị từ 50-100 triệu đồng/căn) tặng hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở theo tiêu chuẩn 3 cứng (nền, mái, tường cứng). Sau khi có nhà ở, các hộ rất phấn khởi, tập trung sản xuất, kinh tế gia đình ngày càng tốt hơn.

Trong 5 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của cấp trên và nguồn xã hội hóa, huyện Ninh Sơn đã xây dựng 287 nhà Đại đoàn kết, với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng; hỗ trợ 250 triệu đồng xây dựng 45 nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần xóa nhà tạm bợ, dột nát của hộ nghèo, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, hằng năm, huyện đã vận động hơn 13 tỷ đồng, thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội tại địa phương.

Năm 2023, cùng với những hộ nghèo khác ở xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn, hộ chị Pô Pô Thị Khánh, dân tộc Raglai, sinh năm 1995, ở thôn Tân Định được hỗ trợ xây căn nhà Đại đoàn kết trên phần đất bố, mẹ cho. Cùng với đó, được tặng 2 con bò do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và xã vận động doanh nghiệp trên địa bàn tài trợ, nay, 1 con bò đã cấn chửa. Từ đó vợ chồng chị Khánh hăng say lao động, tăng thêm thu nhập, có điều kiện mua sắm các vật dụng thiết yếu trong gia đình và chăm lo cho 2 con ăn học.

Chị Pô Pô Thị Khánh bộc bạch: “Hơn chục năm đi làm thuê khắp nơi, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, nay được Nhà nước hỗ trợ căn nhà Đại đoàn kết và 2 con bò, coi như có vốn để khởi nghiệp. Vài tháng nữa, bò sinh thêm bê con, tôi có thêm tiền và sẽ nỗ lực để cuộc sống được tốt hơn”.

Nhân rộng các mô hình giảm nghèo

Những năm qua, cùng với công tác hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, Mặt trận Tổ quốc các cấp tại tỉnh Ninh Thuận còn chú trọng việc phối hợp các ngành, địa phương xây dựng, triển khai thực hiện nhiều mô hình hiệu quả khác, tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Điển hình như: Mô hình giảm nghèo bền vững “Dự án trồng Măng tây xanh Hà Lan kết hợp tưới nước tiết kiệm” tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước (từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), giúp 24 hộ đồng bào dân tộc Chăm tham gia dự án thoát nghèo bền vững…

Đến nay, toàn tỉnh có 62/65 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố xây dựng được 71 mô hình sinh kế, như: Nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo, nuôi cừu sinh sản, nuôi dê sinh sản, trồng lúa nước, trồng tre lấy măng, trồng mì cao sản, trồng nho, trồng táo trong nhà lưới, trồng nha đam, trồng rong sụn, thu mua phế liệu, hỗ trợ ngư lưới cụ, buôn bán nhỏ, may công nghiệp, dịch vụ ăn uống, trồng hoa màu... với tổng kinh phí thực hiện hơn 47,5 tỷ đồng, trong đó, hơn 32 tỷ đồng từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, số còn lại là vốn đối ứng từ người dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phạm Thị Bích Hà cho biết thêm: Tất cả các địa phương đều thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phân công cụ thể cho từng thành viên theo dõi, giám sát từng hộ vay. Phong trào “Mỗi xã, thị trấn một mô hình sinh kế” nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ là điểm tựa để người nghèo có thêm cơ hội thoát nghèo mà việc triển khai các mô hình sinh kế còn giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo trong cả tư duy, nhận thức khi mạnh dạn vươn lên mục tiêu cao hơn.

Tuy nhiên, qua 1 năm xây dựng mô hình sinh kế thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2023-2025 cho thấy, đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thì ban đầu quy trình hướng dẫn thực hiện trình tự thủ tục còn mới, các văn bản của Trung ương, tỉnh hướng dẫn còn chung chung, chưa cụ thể; các địa phương thực hiện còn khó khăn lúng túng cho nên việc giải ngân nguồn vốn còn chậm. Một số hộ nghèo chưa có ý thức vượt khó vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chăm lo của cộng đồng.

Trong thời gian tới, Ninh Thuận sẽ tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp đặc điểm tình hình địa phương, nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, giúp người nghèo, cận nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện đạt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và phong trào thi đua “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”.