Thương lắm những điều ước cuối năm
Phạm Minh Quang (Tuyên Quang) đã có 6 năm gắn bó với Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Sáu năm trước, Quang phát hiện mình bị ung thư máu, cậu bé phải ở lại điều trị qua Tết. Bên cạnh hai mẹ con là nhiều bạn nhỏ cũng đang điều trị ung thư.
Dù được bệnh viện và nhà hảo tâm quan tâm, tặng quà Tết, nhưng cậu bé 9 tuổi khi ấy càng trào dâng nỗi nhớ gia đình, nhớ ông bà, nhớ bố và chị gái. Nghĩ về những ngày mẹ vất vả chăm sóc sớm khuya, đôi mắt Quang ánh lên niềm biết ơn vô hạn. “Con yêu mẹ!”, Minh Quang dõng dạc nói.
Năm nay, Quang mong được về gói bánh chưng cùng mẹ và bà. Tết quây quần trông nồi bánh chưng, rồi mặc quần áo mới đi chơi, được hít hà hương thơm ngày xuân tươi mới. Nghĩ đến đây, cậu bé trở nên háo hức.
“Con muốn nhanh khoẻ để về ăn Tết” là điều ước giản đơn của em Ngô Kim Thanh (Bắc Giang). Tết đối với Kim Thanh là cùng gia đình dọn dẹp nhà cửa, trang trí cây đào, cây quất, theo mẹ đi chợ Tết.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Tùng, Khoa Bệnh máu trẻ em cho biết, thông thường, bệnh nhi phải ở lại Tết thuộc diện mới được chẩn đoán bệnh và trong đợt điều trị hoá chất hoặc những bệnh nhi đã điều trị lâu năm và gặp tình trạng nhiễm khuẩn hoặc tái phát, diễn biến nặng như viêm phổi, thể trạng yếu… Những ngày Tết, việc điều trị của người bệnh vẫn diễn ra như ngày thường. Các kíp trực bàn giao và theo dõi người bệnh sát sao.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Tùng, Khoa Bệnh máu trẻ em khám cho bệnh nhi. |
Quen với công tác trực Tết, bác sĩ Tùng còn vô cùng yên tâm khi người bệnh ra viện hay ở lại viện ăn Tết đều được các đơn vị hảo tâm thăm hỏi và tặng quà. Điều đó hỗ trợ không chỉ về mặt vật chất mà giúp động viên tinh thần người bệnh cũng như những người chăm sóc.
Bác sĩ cũng chân thành bày tỏ nỗi thấu hiểu với gia đình các bệnh nhi. Đôi khi, người buồn vì cái Tết xa nhà không phải là bệnh nhi mà chính là bố mẹ các cháu.
"Chúng tôi thường dí dỏm trò chuyện mỗi lúc thăm bệnh để bệnh nhi và bố mẹ cảm thấy gần gũi, tinh thần thoải mái hơn khi gặp bác sĩ điều trị. Những ngày này, các cháu ở lại viện thường đã nằm đây 1-2 tháng hoặc nhiều đợt hơn. Nếu không có diễn biến nặng thì các cháu vẫn chơi đùa với nhau. Tôi chỉ có một mong muốn là các cháu điều trị đáp ứng tốt”, bác sĩ Tùng bày tỏ.
Phạm Minh Quang (Tuyên Quang) được về nhà đón Tết năm nay. |
Trực Tết giống như công việc thường ngày
Những ngày cuối năm, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Nhung, Phó trưởng Khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương vẫn tất bật với các công việc chăm sóc người bệnh như mọi ngày.
Công tác tại Viện Máu tới nay đã tròn 10 năm, năm nào chị Nhung cũng tham gia trực Tết, nhiệm vụ đặc biệt này chị đã rèn luyện ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường.
Hướng ánh mắt về phía những người bệnh đang hân hoan khi sắp sửa được ra viện về nhà đón Tết, bác sĩ Nhung tâm sự: “Những ngày giáp Tết, hoạt động tại tất cả các khoa phòng đều rất bận rộn nhằm chuẩn bị cho người bệnh có kỳ nghỉ thật vui vẻ và an toàn. Khi đã chọn nghề y, tôi luôn suy nghĩ rằng đi trực, đi làm trong những ngày nghỉ là việc hết sức bình thường. Nhưng người bệnh đón Tết ở Viện thường có chút chạnh lòng, nhớ nhà. Tôi hay động viên người bệnh rằng: Ngày nào sức khoẻ ổn định, được ra viện thì đó là ngày Tết!”.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Nhung, Phó trưởng Khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương thăm hỏi các bệnh nhi. |
Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người bệnh, chị cũng là một người vợ, một người mẹ. Đã quen với lịch trực, chị luôn cố gắng chủ động sắp xếp, chuẩn bị công việc gia đình sao cho chu đáo nhất. Chính sự động viên và khích lệ từ gia đình đã giúp chị Nhung cảm thấy ấm áp, có động lực để tiếp tục cống hiến hết mình trên hành trình vì sức khỏe dòng máu Việt.
Bác sĩ Nhung nhớ lại một kỷ niệm đặc biệt trong ca trực cách đây hai năm. Đó là một buổi chiều ngày 29 Tết, Khoa tiếp nhận một bệnh nhân từ Thành phố Hồ Chí Minh với chẩn đoán ung thư máu cấp. Đó là một người phụ nữ 50 tuổi, quê ở Bắc Ninh nhưng 2 vợ chồng vào nam làm việc. Người bệnh nhập viện trong tình trạng rất nặng, đe dọa tính mạng. Ngay lập tức, các bác sĩ, điều dưỡng trong kíp trực đã tập trung hết sức điều trị tích cực, chăm sóc và truyền máu cho người bệnh.
“Mặc dù sát Tết nhưng gia đình, họ hàng bệnh nhân từ quê lên Viện rất đông. Ai cũng khẩn khoản mong muốn các bác sĩ cứu sống người bệnh bằng mọi giá. Rất may mắn bệnh nhân điều trị đáp ứng tốt và đã được ghép tế bào gốc đồng loài, hiện tại đã khỏe mạnh hoàn toàn.
Hai năm đã trôi qua, cho tới giờ, kỷ niệm đó vẫn còn mãi trong tâm trí tôi. Nó nhắc nhở tôi về tầm quan trọng của công việc và sự hy sinh vì người khác. Chứng kiến cả gia đình người bệnh vỡ òa trong hạnh phúc khi người thân đã qua cơn nguy kịch, đây chính là “lời chúc năm mới” ý nghĩa nhất đối với tôi và các đồng nghiệp…”, bác sĩ Nhung bồi hồi kể.
Bác sĩ Lê Thị Nguyệt động viên người bệnh. |
Giống với Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Nhung, bác sĩ Lê Thị Nguyệt, đang công tác tại Khoa Bệnh máu trẻ em cũng đã có gần 10 năm đón Tết tại Viện Máu. Quê xa chừng gần 400km, nhưng từ khi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, mang trên vai trách nhiệm và niềm tin của biết bao “thiên thần nhỏ”, bác sĩ Nguyệt đã quen với việc trực Tết và cảm giác đón giao thừa xa gia đình.
“Tết là dịp ai cũng muốn trở về nhà, nhất là với những người xa quê như chúng tôi. Tuy nhiên, là một bác sĩ, tình cảm, trách nhiệm với người bệnh luôn là điều thiêng liêng hơn cả.
Đặc biệt, những bệnh nhi mắc ung thư máu gần như các cháu chỉ sống được vài năm, thì những cái Tết rất có ý nghĩa, dù về nhà hay ở lại viện thì được đón Tết đã là hạnh phúc của các con. Vì vậy nên chúng tôi luôn dồn hết tâm sức điều trị và động viên tinh thần để người bệnh cảm thấy ấm áp, yên tâm đón Tết ở Viện”, bác sĩ Nguyệt tâm sự.
Những ngày sát và trong Tết, khối lượng của công việc cùng áp lực lớn hơn ngày thường rất nhiều. Các bác sĩ cùng đội ngũ nhân viên y tế trực tại viện luôn phải tập trung tối đa để điều trị cho người bệnh. Có những năm, họ làm việc mải miết không biết tới cả khoảnh khắc giao thừa.
“Nhân dịp năm mới, tôi cũng như các đồng nghiệp khác mong muốn người bệnh và người nhà người bệnh luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, nhanh chóng khỏi bệnh để được trở về với cuộc sống thường nhật.
Các bố mẹ chăm sóc con được đi làm, còn trẻ em được đến trường vui chơi như bao bạn bè khác, không phải chịu cảnh bệnh tật dày vò đau đớn, không phải nằm viện gò bó trong 4 bức tường cả tháng trời. Nhân viên y tế sẽ luôn đồng hành cùng với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong mọi khoảnh khắc”, bác sĩ Nguyệt xúc động bày tỏ.
Bác sĩ Lê Thị Nguyệt khám cho người bệnh. |
Giai đoạn cận Tết, các y, bác sĩ còn có một trăn trở rất lớn nữa, là luôn có đủ máu phục vụ cấp cứu, điều trị trong dịp Tết vì nếu thiếu máu, người bệnh không thể vượt qua được những ngày Tết. Vì vậy, các y, bác sĩ mong muốn trong dịp Tết được đón nhiều người hiến máu, hiến tiểu cầu đến Viện chia sẻ sự sống với người bệnh.