Để bảo đảm công tác cấp cứu và điều trị trong dịp Tết Nguyên đán, các bệnh viện đã thực hiện công tác chuẩn bị từ rất sớm, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, cho đến đội ngũ nhân lực. Các lãnh đạo bệnh viện đã chủ động triển khai các phương án, kiểm tra công tác dự trữ thuốc men, thiết bị y tế, tổ chức công tác trực cấp cứu để ứng phó với những tình huống khẩn cấp.
Ngày 24/1, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã đến thăm, chúc Tết và kiểm tra công tác khám, chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Bộ trưởng đã trực tiếp kiểm tra các khu vực khám cấp cứu, nội trú và các phòng chức năng, nơi đang khẩn trương chuẩn bị cho đợt cao điểm khám, chữa bệnh trong dịp Tết.
Theo báo cáo từ Ban lãnh đạo bệnh viện, toàn bộ kế hoạch cấp cứu đã được triển khai chi tiết. Bệnh viện đã tổ chức công tác trực theo bốn cấp (trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính-hậu cần và trực bảo vệ-tự vệ), bảo đảm các ca cấp cứu sẽ được xử lý nhanh chóng và hiệu quả. Bệnh viện đã bố trí đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế trực 24/7 để bảo đảm công tác cấp cứu không bị gián đoạn, các bệnh nhân cấp cứu sẽ được khám và điều trị kịp thời. Một trong những yêu cầu quan trọng của bệnh viện là nghiêm cấm việc từ chối hoặc xử trí chậm trễ các ca cấp cứu, kể cả khi bệnh nhân đến từ cơ sở y tế khác hoặc không đúng chuyên khoa; mỗi ca cấp cứu cần được xử lý ổn định trước khi chuyển viện nếu cần thiết.
Đáng chú ý, bệnh viện cũng xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó với các tình huống thảm họa hay tai nạn lớn có thể xảy ra trong dịp Tết. Các đội cấp cứu ngoại viện được chuẩn bị đầy đủ, có nhiệm vụ xử lý tai nạn hàng loạt, cấp cứu thảm họa nếu cần thiết. Các phẫu thuật viên, nhân viên y tế đã được huy động, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu chữa ngay khi có yêu cầu. Bệnh viện cũng tổ chức các cuộc tập dượt báo động đỏ giúp các bác sĩ và nhân viên y tế làm quen với quy trình cấp cứu trong tình huống khẩn cấp.
Bên cạnh đó, bệnh viện đã bổ sung thêm các phòng mổ để giảm đến mức thấp nhất tình trạng quá tải trong việc điều trị các bệnh nhân bị chấn thương. Điều này giúp tăng cường khả năng thực hiện các ca phẫu thuật cấp cứu ngay lập tức mà không cần chờ đợi, nhất là đối với những ca chấn thương gãy xương, chấn thương cột sống, chấn thương hàm mặt… Những ca phẫu thuật này sẽ được thực hiện ngay trong ngày mà không làm gián đoạn quá trình điều trị. Bệnh viện còn chủ động dự trữ đầy đủ thuốc, vật tư y tế và các thiết bị cần thiết để bảo đảm công tác cấp cứu được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Khoa dinh dưỡng cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ bữa ăn phục vụ các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở lại bệnh viện trong dịp Tết.
Ngoài Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bệnh viện Bạch Mai, K… cũng đã chuẩn bị rất kỹ cho công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh trong những ngày Tết. Bệnh viện Bạch Mai là một trong những cơ sở y tế tuyến đầu trong tiếp nhận cấp cứu cho người bệnh trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố phía bắc. Không chỉ là cơ sở tuyến cuối trong cấp cứu về đột quỵ, tim mạch, chống độc… những năm gần đây, đơn vị này cũng là cơ sở tiếp nhận cấp cứu chấn thương. Theo PGS, TS Đào Xuân Cơ, trong những ngày Tết Nguyên đán, bệnh viện bố trí khoảng 500-600 cán bộ y tế trực cấp cứu 4 cấp. Trung tâm cấp cứu A9 được huy động tối đa nhân lực, đồng thời các đơn vị khác cũng bố trí cán bộ y tế để hằng ngày tăng cường cho A9. Các chuyên khoa, chuyên gia đầu ngành đều có lịch thường trực cụ thể, sẵn sàng ứng phó trong các tình huống.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo thời tiết, những ngày trước Tết, thời tiết sẽ không thuận lợi do vậy bệnh viện đã chuẩn bị kỹ về nhân lực để sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho những trường hợp bị dịch bệnh truyền nhiễm hay các bệnh đường hô hấp.
Tuy là bệnh viện không chuyên về cấp cứu, Bệnh viện K cũng đã lên kế hoạch trực khám, chữa bệnh 24/24 giờ trong những ngày Tết ở cả ba cơ sở (Quán Sứ, Tân Triều, Tam Hiệp), đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, cấp cứu của người bệnh, cũng như công tác ứng phó với các tình huống y tế khác. GS, TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã phân công lịch trực cho các y bác sĩ tại 3 cơ sở, không có sự chồng chéo phải chạy đi lại các cơ sở, trong đó có trực cấp cứu, trực chuyên môn rõ ràng; công tác chuẩn bị hậu cần như thuốc, vật tư, thiết bị y tế, hóa chất... để phục vụ mọi nhu cầu điều trị, cấp cứu của người bệnh đã được quán triệt đến các đầu mối thực hiện.
Bộ Y tế yêu cầu giám đốc các bệnh viện trực thuộc, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố, thủ trưởng y tế các bộ, ngành chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc thực hiện thường trực bốn cấp; niêm yết danh sách cán bộ trực tại các khoa, phòng nhằm bảo đảm hiệu quả công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết. Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức tốt việc cấp cứu, khám, chữa bệnh cho người bệnh; dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám, chữa bệnh, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm; sẵn sàng thu dung người bệnh trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế bảo đảm người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ; tuân thủ việc phân cấp chuyên môn. Trường hợp chưa phù hợp, cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở khám, chữa bệnh khác. Các đơn vị cần thực hiện đúng các quy trình chuyên môn kỹ thuật; sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho cấp dưới, tham vấn chuyên môn cấp trên khi cần thiết...
Đặc biệt chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã. Các đơn vị cần có phương án đối phó với tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra; cảnh báo người dân về các nguy cơ tai nạn hay gặp ngày Tết như tai nạn giẫm đạp tại các điểm tập trung đông người; tai nạn giao thông, đánh nhau do rượu bia, pháo nổ, vũ khí vật liệu nổ tự chế, ngộ độc thực phẩm... Đồng thời, tổ chức thăm hỏi và tổ chức đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết, chú ý đối tượng người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách.