Để giúp bạn bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa trong dịp Tết cổ truyền, các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo cần lưu ý 5 điều sau:
Ăn uống đúng cách
Hạn chế các thực phẩm béo, chiên rán, cay nóng: Những món ăn giàu chất béo và gia vị cay dễ gây kích thích niêm mạc dạ dày và ruột, đặc biệt là ở người bị trào ngược dạ dày thực quản và viêm dạ dày mạn tính.
Kiểm soát tốt lượng rượu bia: Rượu bia là một trong những nguyên nhân gây tăng tiết axit dạ dày và kích thích trực tiếp đến niêm mạc dạ dày, dễ dàng gây nên những cơn đau hay khó chịu vùng thượng vị. Vì vậy, uống bia rượu không nên quá chén la đà và chú ý không uống khi đói bụng hoặc sức khỏe đang trục trặc như đau bụng, đau đầu hay huyết áp chưa được kiểm soát tốt.
Ăn uống đủ bữa, không bỏ bữa sáng: Thảo luận trước với gia đình kế hoạch du xuân và chuẩn bị một bữa sáng đủ dinh dưỡng, không nên dùng quá nhiều loại thực phẩm trong một bữa.
Ăn chậm nhai kỹ: Việc ăn chậm và nhai kỹ giúp giảm tải cho dạ dày và cải thiện quá trình tiêu hóa.
Lựa chọn thực phẩm tươi sống: Ưu tiên thực phẩm sạch, tươi sống và hạn chế các đồ thực phẩm có nhiều chất bảo quản.
Khuyến khích ăn nhiều rau xanh, trái cây: Các bữa ăn ngày Tết ở các gia đình thường nhiều chất đạm, chất béo, chất đường hơn ngày thường. Để hài hòa và cân đối, chúng ta chú ý có thêm trong thực đơn những món có rau, củ, quả luộc hoặc hấp, trái cây tươi sạch.
Duy trì lề lối sinh hoạt lành mạnh
Ngủ đủ giấc: Các lễ hội thường dẫn đến việc thức khuya và ngủ không đủ giấc. Thiếu ngủ làm suy giảm chức năng tiêu hóa.
Tăng cường vận động nhẹ: Dù trong dịp Tết bận rộn, bạn nên dành thời gian tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc tập thể dục.
Tránh căng thẳng: Dịp Tết có thể kèm theo áp lực tổ chức, tiếp khách. Hãy thư giãn và phân chia công việc để tránh căng thẳng, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Duy trì giờ ăn uống cố định: Cố gắng ăn đúng giờ để cơ thể quen với nhịp sinh học, giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa.
Bổ sung các biện pháp hỗ trợ tiêu hóa
Uống đủ nước: Để duy trì đường ruột hoạt động tốt và ngăn ngừa tình trạng táo bón.
Bổ sung men vi sinh: Men vi sinh có thể hỗ trợ cân bằng vi khuẩn đường ruột, giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa khi ăn nhiều thực phẩm khác nhau. Sữa chua ít đường là một gợi ý tốt để bổ sung men tiêu hóa hàng ngày cho bạn và gia đình.
Sử dụng thảo mộc hỗ trợ: Nếu bạn thường xuyên bị đầy hơi hoặc khó tiêu, thảo mộc như gừng, bạc hà có thể giúp giảm triệu chứng.
Đặc biệt lưu ý cho người có bệnh lý mạn tính đường tiêu hóa
Người trào ngược dạ dày thực quản: Tránh ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn. Chia nhỏ các bữa ăn và duy trì tư thế ngồi thẳng trong ít nhất 2 giờ sau khi ăn.
Viêm dạ dày mạn tính: Hạn chế thực phẩm chua, cay, cà phê và đồ uống có gas. Luôn dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ.
Hội chứng ruột kích thích: Tránh các thực phẩm khó tiêu như đậu, bột mì và đồ ngọt. Duy trì các bữa ăn nhẹ nhàng, nhai chậm kỹ lưỡng.
Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ: Người có bệnh mạn tính cần luôn mang theo thuốc bên mình và tuân thủ đúng chỉ định về chế độ ăn uống cũng như thời gian dùng thuốc.
Theo dõi phản ứng của cơ thể: Trong những ngày Tết, cần chú ý lắng nghe cơ thể để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như đau bụng, buồn nôn hay đầy hơi kéo dài.
Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ: Đối với người bị hội chứng ruột kích thích hoặc viêm dạ dày, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh và trái cây giúp hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, với những người có bệnh dạ dày, đường ruột hay người cao tuổi, những đồ ăn có nhiều chất xơ như măng khô, dọc mùng hoặc nhiều chất chát như quả sung, quả vả hoặc các món muối chua như dưa cà, kim chi ... cũng cần hạn chế.
Thăm khám và tư vấn y tế
Trong trường hợp có triệu chứng bất thường như đau bụng, nôn, tiêu chảy hoặc đầy hơi nặng, bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa sớm để được đánh giá và điều trị kịp thời.
Bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa trong dịp Tết là điều rất quan trọng để bạn và gia đình có một kỳ nghỉ ấm áp, vui vẻ và khoẻ mạnh. Hãy lưu giữ những nguyên tắc đơn giản nhưng hiệu quả này để sống vui khoẻ trong mùa Tết.