Uống mật cá trắm chữa bệnh, trẻ tử vong
Hai tuần gần đây, bé trai (6 tuổi, ở Sơn La) bị viêm phổi điều trị tại bệnh viện huyện. Sau khi nghe lời mách rằng uống mật cá trắm có thể chữa bệnh và tăng cường sức khỏe, gia đình đã tự cho cháu bé uống.
Vài phút ngay sau khi uống, trẻ có biểu hiện tím tái, suy hô hấp, tim chậm. Trẻ được cấp cứu tại cơ sở y tế địa phương rồi vận chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Trẻ vào viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, ngừng thở, ngừng tim. Mặc dù đã được cấp cứu có tim trở lại cũng như được các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng do tình trạng cháu quá nặng nên đã không qua khỏi.
Câu chuyện đau lòng này là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh về việc tuân thủ các phương pháp điều trị tại các cơ sở y tế cho con em mình.
Tổn thương phổi nặng, hôn mê vì uống nhầm dầu thắp đèn bàn thờ
Trong những ngày cận Tết, khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi D.B (18 tháng tuổi, Yên Bái) và G.K (16 tháng tuổi, Thái Nguyên) vào viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, hôn mê và suy giảm tri giác do uống nhầm dầu thắp đèn bàn thờ.
Theo lời kể của người nhà, cả hai trẻ đều uống nhầm dầu đựng trong những chai, lọ được gia đình sang chiết nhưng không dán nhãn và để trong tầm hoạt động của trẻ.
Sau khi gia đình phát hiện đã lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cấp cứu ban đầu. Sau đó các trẻ được đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, trẻ được điều trị thở máy chống suy hô hấp, sử dụng kháng sinh, thuốc chống viêm và theo dõi sát các chỉ số sinh tồn. Sau 5 ngày điều trị tích cực, tình trạng 2 bệnh nhi đã tiến triển tốt, tuy nhiên, vẫn cần được theo dõi các biến chứng có thể xảy ra.
Nguy kịch vì ngộ độc thuốc diệt chuột
Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tiếp tiếp nhận và điều trị 8 trường hợp trẻ ngộ độc thuốc diệt chuột.
Hai bé trai (8 tuổi và 10 tuổi, ở Hòa Bình), phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc thuốc diệt chuột. Hai trẻ đã ăn nhầm trứng gà được tiêm thuốc diệt chuột mà gia đình dùng để làm bẫy chuột. Sau 3-4 giờ, cả hai cùng xuất hiện triệu chứng chóng mặt, buồn nôn và được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh khám sau đó các trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.
Hình ảnh ống thuốc diệt chuột được gia đình cung cấp. |
Tại đây, các bác sĩ xác định trẻ bị ngộ độc thuốc diệt chuột chứa thành phần Bromadiolone, đây là một chất gây rối loạn đông máu kéo dài. Sau 1 tuần điều trị và theo dõi tại khoa Cấp cứu và Chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương, cả hai cháu đã ổn định và được ra viện.
Một trường hợp khác ngộ độc thuốc diệt chuột cũng được điều trị tại khoa Cấp cứu và Chống độc cùng thời điểm 2 cháu bé ở Hòa Bình là trường hợp bé gái (3 tuổi, ở Hà Tĩnh). Sau khi vô tình uống thuốc diệt chuột dạng ống do bà dùng để bẫy chuột, trẻ xuất hiện nôn nhiều nhưng vẫn tỉnh táo.
Đến ngày thứ 3 sau uống, trẻ bắt đầu xuất hiện tình trạng suy giảm tri giác, co giật. Sau khi trẻ được sơ cứu tại Bệnh viện tỉnh, trẻ tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Trẻ vào viện trong tình trạng tổn thương thần kinh, co giật, kích thích, vận động bất thường…
Trên phim MRI có hình ảnh tổn thương não và xét nghiệm tìm thấy thuốc diệt chuột trong bệnh phẩm xét nghiệm. Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực và theo dõi chặt chẽ. Hiện tại sức khỏe bệnh nhi đã ổn định hơn và đã được xuất viện.
Đặc biệt, trong tuần vừa qua, khoa Cấp cứu và Chống độc cũng tiếp nhận một chùm ca bệnh gồm 5 trẻ (độ tuổi từ 7-9 tuổi, ở Tuyên Quang) nhập viện cùng một ngày do ngộ độc thuốc diệt chuột. Được biết, một trong số các trẻ này đã nhặt được một số ống thuốc màu đỏ để trong túi bóng ở trường và chia cho các bạn cùng uống.
Sau uống các trẻ xuất hiện nôn, đau bụng, đau đầu, thậm chí có trẻ bị co giật… được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang điều trị và sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, các trẻ đều được xác định chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột fluoroacetat dựa trên lâm sàng và kết quả xét nghiệm độc chất. Trẻ được theo dõi sát và điều trị tích cực. Hiện tại sức khỏe các trẻ tiến triển tốt, tuy nhiên vẫn cần được các bác sĩ theo dõi sát đề phòng các biến chứng nguy hiểm.