Về thôn Há Ía của vùng núi đá Hà Giang vào những ngày giáp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, chúng tôi cảm nhận rõ chất lượng sống của đồng bào các dân tộc đang ngày càng cải thiện. Đóng góp vào thành quả ấy không thể thiếu sự góp công của nguồn vốn chính sách và sự dày công của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhất là sự tận tâm, tận tuỵ, hết mình vì công việc của các đảng viên cơ sở như Vừ Mí Cáy - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc.
Bản thân là một đảng viên, xuất phát từ hộ gia đình tương đối khó khăn, hơn ai hết Vừ Mí Cáy thấu hiểu được cảnh khốn khó của bà con nghèo trong thôn khi chưa được tiếp cận các nguồn vốn vay. Do đó, khi đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Há Ía, đảng viên Vừ Mí Cáy luôn suy nghĩ và trăn trở làm sao, làm như thế nào để có thể giúp mình và nhiều hộ nghèo khác vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Vừ Mí Cáy kể, ngày đầu làm Tổ trưởng trong thôn mới có 1 Tổ tiết kiệm và vay vốn với vỏn vẹn 10 thành viên tham gia. Các thành viên trong tổ đều sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, làm thuê, làm mướn nên cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Nhiều hộ còn trông chờ ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước mà không chịu khó phấn đấu tìm hướng làm ăn; nhiều hộ lại không dám vay vốn vì không biết sử dụng vốn cho hiệu quả, không trả được nợ gốc và lãi cho Nhà nước,... Vì vậy, công tác tuyên truyền cho các hộ nghèo hiểu được những lợi ích mà nguồn vốn ưu đãi mang lại luôn được Vừ Mí Cáy chú trọng.
Hằng tháng, anh đều tìm tòi, học hỏi, chia sẻ với các tổ khác trong thôn để tổ chức sinh hoạt tổ nề nếp hơn. Thông qua cuộc họp thôn có thể theo dõi hoạt động chung của tổ, quá trình sử dụng vốn vay của từng thành viên và đưa ra những nhận xét để các tổ viên rút kinh nghiệm, tránh tình trạng sử dụng vốn sai mục đích, không hiệu quả, lãi tồn đọng và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn cương quyết không thực hiện bình xét cho vay đối với các hộ đi làm ăn xa và không có phương án sản xuất, kinh doanh.
Sau khi vay vốn, Ban quản lý tổ không bỏ mặc thành viên trong tổ tự tìm hướng đi cho mình mà thường xuyên bám sát việc sử dụng vốn vay của hộ, gần gũi, động viên khi hộ vay gặp khó khăn hoặc xảy ra rủi ro trong quá trình sử dụng vốn, kịp thời báo cáo lên cấp trên có hướng khắc phục và giúp đỡ. Đồng thời khuyến khích tổ viên mình tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất do các ngành chức năng của huyện tổ chức để các thành viên chọn cho mình những mô hình phát triển kinh tế phù hợp.
Đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Há Ía do Vừ Mí Cáy làm Tổ trưởng có 32 thành viên tham gia với dư nợ đạt 1,5 tỷ đồng. Dù tỷ lệ hộ nghèo của thôn vẫn còn tới 70% là hộ nghèo (chiếm 54% số hộ), song con đường thoát nghèo không xa khi hầu hết đang vay vốn chính sách phát triển chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Câu chuyện đảng viên đồng hành cùng người nghèo đã và đang lan rộng trên địa bàn cả nước. Như huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Ban Chỉ huy quân sự huyện và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp triển khai mô hình Dân vận khéo “Cán bộ đảng viên đồng hành cùng người nghèo” từ giữa năm 2023 với bước khởi đầu là giúp đỡ cho 5 hộ gia đình ở thôn 1, xã Trà Vân làm thủ tục, đăng ký vay vốn phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững.
Hay như tại huyện Bát Xát (Lào Cai) từ tháng 8/2020, Huyện ủy Bát Xát đã đề ra chủ trương phân công đảng viên phụ trách giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo có địa chỉ. Đến nay, 499 đảng viên tại 54 cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang và UBND các xã, thị trấn đã phân công giúp đỡ hơn 900 hộ nghèo ở địa phương, cùng với việc lồng ghép vốn tín dụng chính sách tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, thay vào đó là hộ khá.
Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội
Cũng từ Chỉ thị số 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương không chỉ tăng cường ủy thác nguồn vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội mà còn xây dựng các chương trình tín dụng riêng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững.
Qua hơn 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã ưu tiên tập trung dành hơn 40 nghìn tỷ đồng ngân sách địa phương ủy thác sang hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để thêm nguồn lực cho giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, trong đó kế hoạch năm 2024 đến thời điểm này đã đạt hơn 5.000 tỷ đồng, hoàn thành trên 100% kế hoạch năm. Điển hình một số chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội nhận nguồn vốn ủy thác từ địa phương cao kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW như: TP Hà Nội 7.921 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh 7.250 tỷ đồng, TP Đà Nẵng 2.150 tỷ đồng, Bình Dương 1.942 tỷ đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu 1.789 tỷ đồng, Đồng Nai 1.392 tỷ đồng...
Triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội, Uỷ ban MTTQ các tỉnh, thành phố đã thực hiện gửi tài khoản Quỹ “Vì người nghèo” tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến hết năm 2023, số dư tiền gửi tài khoản Quỹ “Vì người nghèo” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 320 tỷ đồng.
Những con số này đã góp phần đưa tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của cả nước đến 31/12/2023 đạt hơn 346 nghìn tỷ đồng. Đây là cơ sở để năm 2023 Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay được hơn 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng doanh số cho vay toàn hệ thống đạt 108.044 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 332 nghìn tỷ đồng, với 6,8 triệu khách hàng vay.
Bí thư Đảng ủy Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, năm 2023 đánh dấu một năm nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội từ công tác chỉ đạo, điều hành đến việc tham mưu triển khai thực hiện tín dụng chính sách tại cơ sở để hoàn thành một khối lượng công việc lớn nhất trong các năm kể từ khi thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (2003) đến nay.
Đây cũng là tiền đề để năm 2024 Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện mục tiêu mà Chính phủ giao. Và, xa hơn nữa là thực hiện thành công Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030, trọng tâm là bảo đảm 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp; trở thành công cụ chủ lực của Đảng, Chính phủ trong công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước.