Nhận được giấy báo nhập học của Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, em Hoàng Đình Tâm ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà rưng rưng nước mắt. Vậy là những nỗ lực bấy lâu nay của em đã được đền đáp bằng số điểm khá cao ở kỳ thi vừa qua. Tuy nhiên khi nhìn lại hoàn cảnh gia đình, Tâm không khỏi lo lắng về chặng đường sắp tới. Bố mẹ mất sớm, điều kiện kinh tế của các chị gái bộn bề khó khăn, dẫu thương em nhưng sự hỗ trợ của người thân chẳng đáng được bao nhiêu, những lo toan cuộc sống đều đè nặng lên vai Tâm.
Biết được hoàn cảnh của Hoàng Đình Tâm, đại diện Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh đã đến tìm hiểu, động viên và kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực, tiếp sức cho em đến trường. Theo thông tin từ Hội Khuyến học tỉnh, Hoàng Đình Tâm là một trong 47 học sinh đạt điểm cao, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Quỹ “Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học” hỗ trợ kinh phí học đại học trong năm học này.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh Đoàn Đình Anh cho biết: Tròn hai năm ra đời (24/8/2021-24/8/2023), Quỹ đã nhận được sự tài trợ của hơn 100 cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân với số tiền hơn 23 tỷ đồng. Bên cạnh sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội, hằng năm, tỉnh dành nguồn ngân sách hai tỷ đồng để tạo quỹ hoạt động. Đến nay, Quỹ đã hỗ trợ 150 em, trong đó có 5 em được hỗ trợ đột xuất; mỗi em được hỗ trợ theo các mức từ 500 nghìn đến 2,5 triệu đồng/tháng trong các năm học đại học. Kết thúc năm học vừa qua, trong tổng số 150 em được Quỹ hỗ trợ, có 9 em đạt kết quả học tập xuất sắc, 44 em đạt loại giỏi, 91 em đạt loại khá và 6 em đạt loại trung bình.
Bên cạnh nguồn hỗ trợ của các quỹ cấp tỉnh, các địa phương trên địa bàn cũng đã xây dựng quỹ cấp huyện và hỗ trợ 70 học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn vào học đại học.
Cùng với sự hỗ trợ, tiếp sức kịp thời của các nhà hảo tâm thông qua nỗ lực kết nối, vận động của cấp ủy, chính quyền và hội khuyến học các cấp, những năm qua, các gia đình sinh viên có nhu cầu vay vốn từ chương trình tín dụng cho vay học sinh-sinh viên cũng đã được tạo điều kiện tốt nhất để tiếp cận nguồn hỗ trợ này. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh, nguồn vốn vay ưu đãi đã tiếp sức cho gần 2.000 sinh viên trên địa bàn tự tin bước vào cánh cổng trường đại học, cao đẳng hay học nghề.
Chị Nguyễn Thị Túy, mẹ của em Nguyễn Thị Huyền, sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Kinh tế-Đại học Huế cho biết: “Vợ chồng tôi làm nghề phụ hồ, gia đình thuộc diện trung bình của xã nhưng để nuôi nấng 5 người con ăn học thật sự rất khó khăn. Trước đây, chương trình vay vốn học sinh, sinh viên chưa mở rộng đối tượng cho vay hộ có mức thu nhập trung bình cho nên gia đình chưa tiếp cận được nguồn vốn, chúng tôi rất vất vả. Năm học này, con gái út đậu đại học, biết thông tin gia đình thuộc diện vay vốn học sinh, sinh viên của hộ có mức thu nhập trung bình cho nên chúng tôi làm hồ sơ vay ngay”.
Ông Nguyễn Xuân Tuyền, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội của thôn Nam Hà, xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh chia sẻ: Thôn hiện có 8 sinh viên đang vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên và hiện có 12 sinh viên vừa đậu đại học đang có nhu cầu vay vốn. Những năm qua, nhờ được tuyên truyền đầy đủ, người dân được tiếp cận nguồn vốn chính sách, cơ hội bước vào giảng đường cao đẳng, đại học của con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn mở rộng hơn. Từ đó, các cháu đang là học sinh ngồi trên ghế nhà trường cũng có động lực phấn đấu học tập.
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Thức cho biết: Đến cuối tháng 8/2023, tổng dư nợ của chương trình cho vay học sinh-sinh viên tại ngân hàng đạt hơn 216 tỷ đồng với 5.430 khách hàng còn dư nợ. Từ tháng 9/2023 trở đi, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước sẽ bắt đầu nhập học, theo đó nhu cầu vay vốn học sinh-sinh viên sẽ tăng cao hơn.
Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, nhất là giúp các học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tốt hơn để theo học đại học, cao đẳng, trung cấp và học nghề. Nhờ nguồn vốn vay được triển khai kịp thời mà nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn ở Hà Tĩnh được chia sẻ, giảm bớt gánh nặng vào mỗi đầu năm học mới. Thông qua đó, khuyến khích phong trào hiếu học, lập nghiệp, giúp các em có cơ hội tạo việc làm ổn định trong tương lai.