Thoát nghèo, làm giàu nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng, thời gian qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh từng bước thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ tín dụng chính sách kiểm tra hiệu quả nguồn vốn tại xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Cán bộ tín dụng chính sách kiểm tra hiệu quả nguồn vốn tại xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Do thiếu vốn để đầu tư xây dựng trang trại nông nghiệp công nghệ cao, anh Đàm Văn Quý, ở xóm Cốc Chủ, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng đã tìm hiểu và tiếp cận được nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hà Quảng. Với số tiền vay 100 triệu đồng, anh Quý đã có đủ kinh phí hơn 400 triệu đồng đầu tư xây dựng 1.000m2

nhà lưới và hệ thống tưới nhỏ giọt, đầu tư giống và phân bón tiến hành sản xuất. Tháng 6/2023, trang trại của anh Quý bắt đầu trồng vụ đầu tiên. Đến nay, hơn 1.700 gốc dưa leo, dưa vàng, dưa lưới hữu cơ trong trang trại đã trĩu quả, chuẩn bị cho thu hoạch.

Anh Đàm Văn Quý chia sẻ, dự kiến vụ này trang trại cho thu hoạch ba tấn dưa các loại, doanh thu mong đợi 150 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp tôi khắc phục khó khăn, hoàn thành đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao.

Chia sẻ về đóng góp của nguồn vốn tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Đào Đàm Thị Huệ cho biết: Xã Ngọc Đào là địa phương “hấp thu” tốt nguồn vốn tín dụng chính sách trong huyện, với 652 hộ dân được vay hơn 43 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được các hộ dân sử dụng đúng mục đích, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, thoát nghèo.

Điển hình như các gia đình anh Hoàng Văn Việt, Lưu Văn Hà, ở xóm Ruộc Kít; chị Phan Thị Xoan ở xóm Lũng Nọi đầu tư vốn vay phát triển sản xuất nông nghiệp, thu nhập từ 70 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/năm. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng giúp xã hoàn thành tiêu chí thu nhập và giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân thông qua các chương trình cho vay về nhà ở, vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, hộ nghèo và cận nghèo.

Theo thống kê, đến ngày 31/7, tổng doanh số cho vay của đơn vị đạt hơn 3.800 tỷ đồng. Trong 18 chương trình vay vốn, nổi bật là hiệu quả của các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm và vệ sinh môi trường nông thôn.

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng, Nguyễn Thị Hương Điệp chia sẻ, hiện tại 17 trong số 18 chương trình cho vay, nguồn vốn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, riêng chương trình cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn hiện có chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Do đó, thời gian qua, đơn vị đã tích cực tham mưu, phối hợp, triển khai đồng bộ các giải pháp huy động vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng ưu đãi tín dụng chính sách.

Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác giải ngân, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, bảo đảm cho vay đúng đối tượng, người vay sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích.