Muôn cách thoát nghèo

Khi đảng viên gương mẫu đi đầu

Tiên phong trong những việc khó, có nhiều đóng góp khi cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở vận động nhân dân đẩy lùi hủ tục lạc hậu, xây dựng xã, bản ổn định, giàu mạnh… Đó là câu chuyện về những đảng viên tiêu biểu nơi vùng cao Sơn La, những người thật sự là "cánh tay nối dài" giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc ở các xã, bản vùng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Tráng A Cao hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây ăn quả.
Ông Tráng A Cao hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây ăn quả.

Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là ông Tráng A Cao, dân tộc H’Mông, ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, người theo đánh giá của cấp ủy, chính quyền nơi đây là không chỉ có uy tín mà còn là một đảng viên luôn tiên phong trong phát triển kinh tế, hết lòng vì công việc chung.

Trước đây, gia đình ông Tráng A Cao và nhiều gia đình trong bản Hua Tạt gặp nhiều khó khăn do chưa tìm được hướng phát triển kinh tế. Sau những trăn trở làm sao để thoát nghèo và giúp bà con trong bản cũng thoát được nghèo, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, ông Cao đã quyết tâm đi tìm các giống cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao về trồng.

Sau lần đầu thất bại với cây chanh tứ quý, ông chuyển sang trồng cam Vinh, cam Đường Canh, quýt ngọt, hồng giòn… Để "lấy ngắn nuôi dài", gia đình ông trồng thêm dâu tây và các loại rau màu trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. "Sau 4 năm đầu tư công sức, tiền của, diện tích cây ăn quả cho thu hoạch với thu nhập hơn hẳn cây ngô, lúa nương, mở ra một hướng đi mới cho gia đình tôi và bà con trong bản. Hiện gia đình tôi đã có hơn 300 cây hồng giòn, 12ha cam quýt…, mỗi năm cho thu nhập hơn 500 triệu đồng", ông Cao phấn khởi chia sẻ.

Bí thư Đảng ủy xã Vân Hồ, Lường Văn Hùng đánh giá: Tráng A Cao là một trong những đảng viên tiêu biểu ở cơ sở. Không chỉ tiên phong thay đổi tập quán canh tác cũ, xóa bỏ những hủ tục trong việc hiếu, việc hỷ mà còn cùng cấp ủy, chính quyền vận động được nhân dân chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Ông Cao còn vận động được bảy người cùng thành lập Hợp tác xã nông nghiệp A Cao chuyên trồng cây ăn quả với hơn 20ha do chính ông Cao làm Giám đốc, có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm/thành viên.

Ngược lên bản Nong Cốc, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, hỏi đảng viên Lường Văn Hợp, dân tộc Kháng, 36 năm tuổi đảng, ai cũng biết. Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ, Sùng Chờ Nó thông tin: Trước đây, vùng này trồng nhiều thuốc phiện lắm, nên tại các bản người nghiện thuốc phiện rất nhiều. Giờ đây, đồng bào H’Mông tại các bản của Long Hẹ đã phá bỏ được cây thuốc phiện chính là đóng góp lớn của ông Lường Văn Hợp. Ông đã cùng đoàn công tác ngược núi, xuyên rừng đến từng nhà vận động xóa bỏ cây thuốc phiện. Sau đó, ông Hợp đã cùng xã giúp người dân thay đổi tập quán canh tác bằng việc trồng rừng, trồng lúa.

Chỉ tay về phía những cánh rừng thông xanh ngát, ông Lường Văn Hợp cho biết, hiện gia đình có 134ha rừng thông, sơn tra và cây chè, trong đó có gần 120ha rừng thông đã đến tuổi thu hoạch. Ông Hợp còn trồng thêm 2ha cỏ voi, đào 5.000m² ao cá và nuôi gần 50 con trâu, bò cùng hàng trăm con gia cầm. Nhẩm tính, mỗi năm tổng thu nhập của gia đình ông đạt hơn 1 tỷ đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn hỗ trợ vốn không tính lãi, kỹ thuật sản xuất và giúp hàng chục hộ nghèo trong bản thoát nghèo.

Hiện Sơn La có gần 90 nghìn đảng viên, trong đó hơn 70% số đảng viên đang sinh hoạt tại các xã, bản vùng cao. Trong đó, có hàng nghìn đảng viên không chỉ được đánh giá là tiêu biểu, tiên phong trong các việc khó ở vùng cao, mà họ còn là những người có uy tín, cầu nối giữa Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân, củng cố niềm tin cho đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng các bản vùng cao ngày một giàu đẹp.