Việc khởi nghiệp của đoàn thanh niên đã phát huy được sức trẻ khai thác được tiềm năng, thế mạnh ở các địa phương, làm giàu ngay trên quê hương, góp phần ổn định đời sống, xây dựng nông thôn mới...
Khởi nghiệp từ tiềm năng, lợi thế
Với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Vi Văn Thương, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng đã xây dựng thành công mô hình trồng cây ăn quả đem lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Anh Thương chia sẻ: Là đoàn viên thanh niên, tôi thường xuyên được tuyên truyền về các phong trào thanh niên, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp, đóng góp sức trẻ trong xây dựng nông thôn mới.
Năm 2017, tôi đã đưa giống hồng xiêm xoài về trồng thử nghiệm. Qua quá trình chăm sóc, cây sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây. Đến nay, tôi đã trồng được 300 gốc hồng xiêm, trung bình mỗi năm thu được 2 đến 3 tấn quả, thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, tôi còn trồng xen 300 gốc ổi lê Đài Loan (Trung Quốc), mỗi năm thu hoạch 7-8 tấn, thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Từ mô hình, gia đình tôi có kinh tế khá, đời sống ổn định.
Nhiều sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên các địa phương trong tỉnh được trưng bày tại các ngày lễ hội. |
Khác với mô hình làm giàu từ cây ăn quả, đoàn viên thanh niên Nguyễn Minh Anh ở thôn Ngọc Thành, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng khởi nghiệp từ mô hình làm dịch vụ, du lịch trải nghiệm.
Từ năm 2022, Nguyễn Minh Anh đã cùng với các đoàn viên trong xã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Du lịch Nông nghiệp xứ Lạng (Đồng Tân Rainbow Farm). Hợp tác xã chuyên làm các dịch vụ gồm: Du lịch trải nghiệm nông nghiệp, lưu trú, dịch vụ ẩm thực đặc sản địa phương, địa điểm check-in, camping, trải nghiệm canh tác và thu hái nông sản tự canh tác (nho hạ đen, dâu tây, dưa); các trò chơi team, vận động (Hệ thống trò chơi recsports Việt Nam, bơi, câu cá, kéo co, đá bóng mini...), tour du lịch địa phương.
Mô hình này đã thu hút chủ yếu là đoàn viên thanh niên đến trải nghiệm, Trung bình 50 khách/ngày, cao điểm 200 khách/ngày. Tổng doanh thu của Hợp tác xã đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Nhiều đoàn viên thanh niên xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng, (Lạng Sơn) phát triển mô hình ươm giống cây lâm nghiệp phục vụ cho trồng rừng. |
Anh Đỗ Văn Thuần, Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Hữu Lũng cho biết: Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được huyện đoàn quan tâm đẩy mạnh. Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức cuộc thi thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ mô hình kinh tế. Qua đó, lan tỏa phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên, là điều kiện để cho các đoàn viên thanh niên chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn, xây dựng mô hình phát triển kinh tế.
Cụ thể, năm 2023, chúng tôi đã hỗ trợ 15 mô hình với tổng kinh phí 250 triệu đồng. Ngoài ra, huyện đoàn còn phối hợp các đơn vị tổ chức 7 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 300 đoàn viên thanh niên.
Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 80 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của đoàn viên thanh niên với thu nhập từ 100 đến 500 triệu đồng/mô hình/năm, tạo việc làm cho 3 đến 10 lao động địa phương/mỗi mô hình. Qua đó, cùng với địa phương góp phần hiệu quả trong thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Tìm giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp gắn với chuyển đổi số
Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp
Không chỉ ở huyện Hữu Lũng, thời gian qua, các cấp bộ đoàn tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện các giải pháp thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đoàn Thành Công cho biết: Chương trình đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp được Tỉnh đoàn chú trọng, triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: Tổ chức và giới thiệu đoàn viên tham gia các cuộc thi, diễn đàn, các chương trình tọa đàm về khởi nghiệp, lập nghiệp, tạo môi trường giao lưu, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo trong khởi nghiệp; thành lập các câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp...
Các đoàn viên thanh niên ở huyện Bắc Sơn, tham gia các lớp học khởi nghiệp, lập nghiệp. |
Cụ thể trong năm 2023, Tỉnh đoàn đã hướng dẫn, giới thiệu 5 mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp tham gia cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” do Trung ương Đoàn tổ chức, trong đó, có mô hình du lịch sinh thái Farmstay của tác giả Lâm Hồng Giang tại huyện Bình Gia đã lọt vào vòng bán kết cuộc thi; tổ chức tọa đàm “Thanh niên với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo”, với hơn 450 đoàn viên thanh niên tham gia.
Bên cạnh đó, tỉnh thành lập và duy trì 58 câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, giúp các thanh niên hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệp phát triển mô hình kinh tế... Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 174 mô hình khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên đem lại thu nhập từ 100 đến 500 triệu đồng/mô hình/năm, trong đó, mô hình khởi nghiệp nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chiếm khoảng 80%.
Sản phẩm nông sản sạch do đoàn viên thanh niên triển khai, thu hút các cháu thiếu nhi tham gia trải nghiệm. |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 thanh niên được trao giải Lương Định Của, 1 thanh niên đạt top 100 doanh nhân trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2023; 230 thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu, được tuyên dương...
Các mô hình thể hiện rõ sức trẻ và tinh thần xung kích trong khởi nghiệp, lập nghiệp, từ đó, nâng cao thu nhập cho gia đình, giúp giảm nghèo bền vững, góp phần tích cực vào thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như: thu nhập, giảm nghèo, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.