Khẩn trương khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, sạt lở đất tại Lâm Đồng

NDO - Ngày 29/6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã ban hành Công văn số 234 đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng khẩn trương khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt.
0:00 / 0:00
0:00
Triển khai công tác cứu hộ tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp tại hiện trường vụ sạt lở đất ở Đà Lạt. (Ảnh: MAI VĂN BẢO)
Triển khai công tác cứu hộ tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp tại hiện trường vụ sạt lở đất ở Đà Lạt. (Ảnh: MAI VĂN BẢO)

Công văn nêu rõ: Trong những ngày vừa qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có mưa to đến rất to từ 100-200mm, riêng tại thành phố Đà Lạt có mưa hơn 200mm, gây ngập lụt làm 2 nhà kiên cố bị sập, 1 nhà kiên cố bị hư hại nặng, 9 căn nhà bị hư hỏng, đặc biệt có 2 người bị vùi lấp.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày và đêm 29/6, khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi hơn 60mm.

Để chủ động ứng phó, khẩn trương khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng triển khai một số nội dung:

Khẩn trương di dời người dân, cắm biển cảnh báo quanh khu vực sạt lở; thăm hỏi gia đình người bị nạn, tổ chức đánh giá, xác định nguyên nhân, phạm vi sạt lở tiếp diễn (nếu có), đề xuất biện pháp xử lý an toàn; đồng thời hỗ trợ khôi phục nhà ở, sớm ổn định đời sống của nhân dân khu vực bị ảnh hưởng sạt lở.

Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt để thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát, cắm biển cảnh báo các khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động ứng phó, tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng hướng dẫn, kiểm soát các tuyến đường, khu vực ven sông, suối thường xuyên bị ngập sâu khi có mưa lớn để bảo đảm an toàn về người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.