Khẩn trương di dời dân ở vùng tâm bão đến nơi an toàn

Tính đến chiều tối 27/9, toàn bộ hàng nghìn hộ dân sống tại khu vực tâm bão, ảnh hưởng trực tiếp bởi bão số 4 đã được cơ bản di dời đến các địa điểm tránh trú, phòng chống bão an toàn.
0:00 / 0:00
0:00
Sơ tán người dân tại khu vực xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ về cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam tránh, trú bão. (Ảnh HỒNG ANH)
Sơ tán người dân tại khu vực xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ về cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam tránh, trú bão. (Ảnh HỒNG ANH)

Các địa phương vùng tâm bão đã điều động toàn bộ lực lượng, chủ động xử lý từng tình huống phát sinh nhỏ nhất, nhằm bảo đảm an toàn tối đa tính mạng, sức khỏe nhân dân, đáp ứng điều kiện sinh hoạt tối thiểu, nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân ở nơi tránh, trú bão.

Trước sức tàn phá như dự báo của bão số 4, các địa phương vùng cảnh báo nguy cơ cấp 4 đã dồn sức triển khai công tác di dời dân. Đây là một trong những yêu cầu cấp thiết và được đặt lên hàng đầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chỉ đạo phòng, chống bão số 4.

Trong ba ngày qua và đến chiều tối 27/9, các tỉnh, thành phố trong khu vực nguy cơ càn quét của bão số 4 đã tích cực tuyên truyền, di dân, có một số trường hợp buộc phải cưỡng chế. Tất cả nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản, khi bão đổ bộ với dự đoán giật cấp 14 đến 17.

Xuyên mưa di dân

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, UBND các quận, huyện đã triển khai các điểm di dời dân, như trường học, trụ sở làm việc các công ty, đơn vị.

Đến 17 giờ ngày 27/9 cơ bản sơ tán 80.801 người vùng ven biển, vùng ngập lụt và nguy cơ sạt lở núi; trong đó, sơ tán tập trung 25.869 người, sơ tán xen ghép trong khu dân cư, thôn xóm 54.932 người.

Khẩn trương di dời dân ở vùng tâm bão đến nơi an toàn ảnh 1

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị khắc phục hậu quả lốc xoáy chiều 27/9. (Ảnh TIẾN THÀNH)

Thành ủy, UBND thành phố phân công các đồng chí lãnh đạo thành phố, quận, huyện phụ trách từng địa bàn chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ. Để nhân dân liên tục cập nhật thông tin và chủ động phòng chống bão, ngoài việc sử dụng mạng xã hội, tin nhắn điện thoại... các phường, xã, thôn đã dùng xe ô-tô và loa phóng thanh thông báo đến từng người dân về tình hình mưa bão và hướng dẫn các biện pháp ứng phó.

Bộ đội Biên phòng thành phố đã tổ chức rà soát, thông báo và kiểm đếm 1.230 phương tiện với 8.365 lao động; trong đó, khu vực Âu thuyền Thọ Quang có 840 tàu, các khu vực khác 225 tàu. 23 tàu dầu ở Âu thuyền Thọ Quang đã được lệnh di chuyển ra khỏi khu vực neo đậu tàu cá để tránh va đập gây cháy nổ; 664 ghe, thúng, thuyền nhỏ... đã được đưa lên bờ và chằng buộc; 24 tàu du lịch trên sông Hàn, 24 tàu hàng tại cảng Tiên Sa, Liên Chiểu đã di chuyển đến nơi an toàn để neo đậu.

Kiểm tra công tác di dời dân tại các điểm xung yếu ở huyện Hòa Vang và các phường ven biển, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các địa phương kiên quyết di dời dân theo kế hoạch, nếu cần thiết, sẽ phải cưỡng chế người dân đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 27/9; mọi công tác ứng phó tiến hành khẩn trương, đồng bộ; tổ chức lực lượng ứng trực, sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn khi bão đổ bộ, tập trung tại các khu vực xung yếu.

Vừa di dời dân, vừa bảo đảm tài sản của dân là yêu cầu cấp thiết được tỉnh Phú Yên triển khai nhanh chóng trước khi bão đổ bộ đất liền. Toàn tỉnh Phú Yên có tổng số ô lồng nuôi trồng thủy sản là 102.523 ô lồng/2.516 bè/5.605 lao động. Chỉ tính riêng thị xã Sông Cầu đã có 82.696 ô lồng/2.018 bè, với 4.780 lao động.

Sau khi kiểm tra tại các khu vực nuôi trồng thủy sản của các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế yêu cầu các đơn vị triển khai nhanh chóng và đồng bộ, dồn toàn lực di dời dân đến nơi an toàn.

“Ngoài việc tập trung di dời dân ven bờ trong vùng nguy hiểm, tỉnh cũng chỉ đạo giao nhiệm vụ từng địa phương, đơn vị, vận động đưa hết hơn 5.600 lao động đang có mặt trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản vào bờ trước khi bão tới. Đây là mệnh lệnh phải thực hiện…”, ông Trần Hữu Thế cho biết.

Miền trung oằn mình chống bão, chạy đua với bão trên tinh thần đặt tính mạng, sự an toàn của người dân lên trên hết. Sự quyết liệt của các địa phương, cùng với sự hỗ trợ tối đa của lực lượng công an, quân đội, di dời dân an toàn trước khi bão đổ bộ.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế có 14.384 hộ dân với 47.411 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng cần được chính quyền cùng các lực lượng chức năng tổ chức sơ tán, di dời đến các điểm an toàn ngay trong thôn, xóm, trung tâm xã cơ bản hoàn tất trước 17 giờ ngày 27/9.

Trong đó ưu tiên di dời trước các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo trước thời điểm bão vào. Các lực lượng chức năng trong ngày 27/9 đã gấp rút hỗ trợ các địa bàn vùng trũng, ven biển, xung yếu tổ chức giúp dân chằng, chống nhà cửa và di dời đến nơi an toàn.

Xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) là một trong các vùng xung yếu ven biển thường xuyên bị sạt lở và triều cường xâm thực. Đây được xác định là địa bàn sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi bão số 4 tiến sát vào đất liền. Toàn xã có 71 hộ và 322 nhân khẩu phải di dời, trong đó có 22 hộ thuộc diện cần di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Nguyễn Thị Oanh cho biết: “Địa phương đã bố trí tám phòng học ở trường cùng nhiều lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân sử dụng trong thời gian tránh, trú bão. Ngoài ra, bếp gas cũng được chuẩn bị để người dân chủ động nấu ăn trong trường hợp mất điện kéo dài do bão”.

Ghi nhận tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, địa phương thực hiện sơ tán 442 hộ, với gần 1.120 nhân khẩu tại các khu vực nguy hiểm, nguy cơ triều cường, sạt lở đất…Trên địa bàn huyện có hơn 1.000 tàu thuyền, trong đó có 81 tàu với hơn 420 lao động đang khai thác xa bờ, các tàu cá này đã vào nơi tránh trú an toàn.

Các địa phương ven biển đã yêu cầu ngư dân chằng néo, thả trệt hơn 2.620 lồng nuôi thủy sản xuống sát đáy để bảo đảm an toàn khi có mưa bão; đồng thời yêu cầu toàn bộ lao động trên các lồng bè vào bờ trú bão an toàn.

Ngay từ sáng sớm 27/9, các cơ quan chức năng của thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam phối hợp chính quyền xã Tam Thanh sơ tán toàn bộ người dân sống ở khu vực ven biển của xã Tam Thanh đến nơi tránh bão an toàn.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bằng loa phóng thanh; kết hợp với cử cán bộ đi rà soát từng nhà, từng hộ gia đình nên đến khoảng 8 giờ 30 phút cùng ngày, công tác di dời, sơ tán người dân ở xã Tam Thanh đã cơ bản hoàn tất.

Chị Trần Thị Ngữ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Tỉnh Thủy (xã Tam Thanh) cho biết, mẹ ruột của chị năm nay hơn 90 tuổi đã được chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng đưa về nơi tránh bão từ chiều 26/9. Còn chị, do còn phải ở lại tham gia công tác vận động bà con, nên trưa 27/9 mới lên đường đi trú bão. Bà con ở xã Tam Thanh lên trú bão được bố trí chỗ ở, cơm nước đầy đủ, nên rất an tâm.

Không để dân thiếu đói

Tối 27/9, sau khi kiểm tra thực tế công tác ứng phó bão số 4 tại các huyện ven biển tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương tổ chức họp trực tuyến tại Quảng Trị với đầu cầu 8 địa phương và lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan để ứng phó với bão số 4 (Noru).

Phó Thủ tướng yêu cầu trên hết phải bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân lên hàng đầu, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của do mưa bão gây ra; phải đặt nhiệm vụ di dân đến nơi an toàn là cao nhất; bảo vệ các công trình, hồ đập, đê điều cũng như trụ sở cơ quan, đơn vị, hạ tầng giao thông, điện…

Toàn bộ hệ thống chính trị, từ Trung ương tới địa phương, tập trung thật cao, huy động tối đa mọi lực lượng, phải chạy đua với thời gian để hạn chế số người chết, bị thương; tại các vùng người dân được tập trung đến tránh, trú bão, cần phải quan tâm bảo đảm lương thực, thực phẩm đầy đủ; ứng cứu kịp thời các điểm chia cắt, các tình huống khó lường do bão lũ gây ra…

Tập trung toàn lực lo cho dân, không để dân đói, thiếu thốn khi bão đổ bộ đất liền, các địa phương vùng ảnh hưởng đồng loạt triển khai chuẩn bị nguồn gạo, thực phẩm dự phòng. Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu dân, không để dân thiếu đói khi bão đổ bộ.

Thành phố Đà Nẵng chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ nhân dân các vùng bị ảnh hưởng bão số 4 cho 32.248 hộ dân với định mức hỗ trợ 385.000 đồng/hộ (4 mặt hàng dùng trong 3 ngày) có tổng kinh phí dự kiến 12,42 tỷ đồng.

Tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị dự trữ hàng hóa phòng, chống lụt bão năm 2022 với 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền. Ngoài dự trữ của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố còn có dự trữ theo cấp huyện với 308 tấn gạo, 52 tấn mì ăn liền, 82.000 lít nước uống, 35.500 lít xăng dầu, 12,5 tấn muối ăn, khi có tình huống xảy ra chia cắt, thiếu đói, tỉnh sẽ vận chuyển về các địa phương theo khu vực và nhu cầu cụ thể…

Ghi nhận tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, chính quyền địa phương xuyên mưa bão để vận động hàng trăm hộ dân đến các địa điểm sơ tán; vận động hàng trăm ngư dân đang tránh, trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang đến địa điểm tránh bão; đồng thời chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, bếp gas mini và cắt cử cán bộ trực 24/24 giờ tại điểm sơ tán dân, bảo đảm an toàn.

Ông Hồ Thanh Trung, tổ 4, phường Nại Hiên Đông xúc động nói: “Cả nhà bốn người được đưa đến nơi sơ tán mà mừng lắm. Dưới nhà cấp 4 mái tôn không thể bảo đảm an toàn. Tính mạng cả nhà là quan trọng nhất”.

Miền trung oằn mình chống bão, chạy đua với bão trên tinh thần đặt tính mạng, sự an toàn của người dân lên trên hết. Sự quyết liệt của các địa phương, cùng với sự hỗ trợ tối đa của lực lượng công an, quân đội, di dời dân an toàn trước khi bão đổ bộ.

Theo báo cáo nhanh, đến tối 27/9, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định rà soát, sẵn sàng sơ tán dân bị ảnh hưởng do bão với tổng số 118.144 hộ/402.746 người; kết quả đã sơ tán 81.152 hộ/253.032 người, đạt 71% (Quảng Trị: 4.124/12.926, Thừa Thiên Huế: 2.552/8.407, Đà Nẵng: 9.300/30.721, Quảng Nam: 39.897/123.714, Quảng Ngãi: 23.006/68.034, Bình Định: 5.109/14.729); các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Bình Định và Gia Lai, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9.

Các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định cho cán bộ, công nhân nghỉ làm ngày 27-28/9. Hiện còn 4.787 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch bảo đảm an toàn. Du khách trên các đảo (Lý Sơn, Cù Lao Chàm) đã di chuyển vào đất liền tránh, trú bão.

Ngày 27/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện số 865/CĐ-TTg.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải đặt mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết trong chỉ đạo ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời không hoang mang, mất bình tĩnh trước diễn biến của bão; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đình hoãn các cuộc họp chưa thật cần thiết, cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai chống bão số 4, cần phân công từng đồng chí lãnh đạo trực tiếp xuống từng địa bàn trọng điểm ứng trực để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.

Tập trung rà soát, cương quyết sơ tán triệt để tất cả người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản, khu vực ven biển, cửa sông, trong các nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập sâu trước khi bão đổ bộ vào (cần tuyên truyền, vận động hướng dẫn, hỗ trợ người dân sơ tán, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân); chủ động bố trí lực lượng bảo đảm an ninh an toàn, bảo vệ tài sản cho người dân; bảo đảm lương thực, nước uống, an toàn phòng, chống dịch cho người dân tại nơi sơ tán đến; tiếp tục rà soát phương tiện, tàu thuyền, không để tàu thuyền hoạt động trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu; huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản, chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm tại những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở chia cắt khi mưa lũ.