Hà Nội là Thủ đô di sản, từ lâu đã phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề. Nhưng Hà Nội còn có một thế mạnh khác mà không phải địa phương nào cũng có, đó chính là thời tiết đặc biệt của mùa thu. Không khí trong lành, mát mẻ của mùa thu khiến các di sản được tôn lên vẻ đẹp. Đây cũng là khoảng thời gian lý tưởng để khám phá các làng nghề, thưởng thức các món ẩm thực của Hà Nội.
Trưởng phòng Hướng dẫn-Thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn di tích Thăng Long-Hà Nội Nguyễn Minh Thu cho biết: "Trong tiết trời mát mẻ của mùa thu, du khách có thể trải nghiệm mặc cổ phục tham gia tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" hoặc thư giãn với tour xe điện kết nối di sản Hoàng thành với phố cổ Hà Nội". Đối với các làng nghề, thời tiết mát mẻ phù hợp những hoạt động ngoài trời, nhất là hoạt động đi bộ, đạp xe khám phá văn hóa làng nghề.
Cùng với thế mạnh du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, Hà Nội còn hấp dẫn khách du lịch nhờ ẩm thực. Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Lê Thị Thiết chia sẻ, Hà Nội có rất nhiều món ngon đặc trưng của mùa thu, có thể hình thành những cung đường foodtour hấp dẫn. Du khách còn có thể thưởng thức các sản phẩm về cốm, các món bánh đúc, bún riêu, bún ốc hay ăn bát phở nóng hổi...
Đây là lý do Hà Nội tổ chức Festival thu Hà Nội lần thứ 2-2024 để quảng bá thế mạnh du lịch mùa thu. Trong không gian của phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận, 150 gian hàng được tổ chức. Hàng loạt mô hình về các điểm du lịch của Hà Nội được tái hiện, vừa giới thiệu điểm đến, vừa tạo không gian cho khách du lịch check-in.
Trong đó, được quan tâm nhiều nhất là không gian giới thiệu sản phẩm làng nghề khi người dân và du khách được tìm hiểu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo đến từ các làng nghề Hà Nội như: Gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, đúc đồng Ngũ Xã, mây tre đan Phú Vinh, dát vàng quỳ Kiêu Kỵ, lụa Vạn Phúc…
Một không gian khác thú vị không kém là Cung Thiếu nhi Hà Nội. Tại đây có tới 60 gian hàng, vừa giới thiệu những món ẩm thực đặc sắc của Thủ đô như: Phở, cốm, trà sen, bánh cuốn Thanh Trì… vừa giới thiệu những món ẩm thực đặc sắc của các vùng, miền khác trong cả nước.
Festival cũng là dịp các doanh nghiệp lữ hành giới thiệu hàng loạt tour đặc trưng cho thu Hà Nội. Giám đốc Công ty Lữ hành AZA Nguyễn Tiến Đạt cho biết: "Trong dịp này, chúng tôi giới thiệu bảy sản phẩm tour về mùa thu Hà Nội. Thí dụ như tour trải nghiệm mùa thu Hà Nội qua năm giác quan, du khách tản bộ trên con đường hoa sữa, nghe các bài hát về Hà Nội, ăn bánh cốm, uống cà-phê trứng, mua sắm các thức quà.
Với tour áo dài, du khách mặc áo dài khởi hành từ phố cổ đến làng lụa Vạn Phúc để tham quan và mua sắm… Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức tour làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường Tín) - làng nón chuông (Thanh Oai) - làng hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa); tour Đường Lâm-chùa Mía-thành cổ Sơn Tây-chùa Khai Nguyên; tour xem show diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ"… hy vọng khách du lịch sẽ đón nhận".
Mặc dù thời tiết không hoàn toàn thuận lợi, có những thời điểm mưa to, nhưng trong ba ngày diễn ra Festival, có đến 50 nghìn lượt khách đến với không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận để khám phá, trải nghiệm các hoạt động của Festival thu Hà Nội. Mặc dù Hà Nội đang từng bước định vị thương hiệu du lịch mùa thu, song với tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, vùng ngoại thành rộng lớn, Hà Nội còn có thể xây dựng nhiều sản phẩm du lịch thu hấp dẫn, chẳng hạn như du lịch mùa lúa chín, du lịch trên sông...
Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Vũ Văn Tuyên đề xuất: "Các sản phẩm du lịch của Hà Nội cần phát huy hơn nữa yếu tố bản sắc văn hóa của từng địa phương. Bên cạnh đó, Hà Nội có thể hình thành những cung đường di sản, các sản phẩm tour ở cả nội thành và ngoại thành để mở rộng phạm vi trải nghiệm cho du khách. Thành phố cần xây dựng sản phẩm du lịch mùa thu của Hà Nội trở thành điểm đến quen thuộc, để bất cứ ai dù sinh ra tại Hà Nội hay chỉ là sống hoặc làm việc, thậm chí là ghé chơi cũng có cảm giác thân quen, nhớ về".