Khai thác hiệu quả thị trường du lịch nội địa

Trong bối cảnh ngành du lịch nước nhà đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch, sự tăng trưởng nhanh về lượng khách trong nước thời gian qua tiếp tục chứng minh du lịch nội địa vẫn đang là điểm tựa chính cho toàn ngành. Thực tế này đòi hỏi cần có sự đánh giá lại tầm quan trọng của du lịch nội địa với sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách trong nước tham gia một trò chơi tập thể trên bờ biển trong chương trình du lịch MICE. (Ảnh HUỆ VŨ)
Du khách trong nước tham gia một trò chơi tập thể trên bờ biển trong chương trình du lịch MICE. (Ảnh HUỆ VŨ)

Từ số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, có thể thấy ngay từ giai đoạn trước đại dịch, lượng khách nội địa đã tăng trưởng tích cực. Nếu như năm 2011, khách nội địa mới chỉ đạt 30 triệu lượt thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 85 triệu lượt (gấp 2,8 lần), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 15%/năm. Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, trải qua nhiều lần “đóng-mở”, thị trường du lịch nội địa vẫn là chỗ dựa duy nhất giúp giảm thiệt hại từ đại dịch.

Đặc biệt, khi dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế dần mở cửa, trong lúc lượng khách quốc tế đến nước ta chưa đạt 50% mục tiêu năm 2022, thì sự khởi sắc tích cực của du lịch nội địa đã thắp lên nhiều hy vọng cho sự phục hồi của ngành. 10 tháng đầu năm, toàn ngành đã phục vụ 91,8 triệu lượt khách trong nước, vượt xa so với kế hoạch năm 2022 và thậm chí vượt nhiều so với tổng lượng khách nội địa của cả năm 2019-thời điểm chưa diễn ra đại dịch. Nhiều chuyên gia đánh giá, Covid-19 đã kéo ngành du lịch trở về vạch xuất phát, nhưng cũng mang đến cơ hội để tái cơ cấu thị trường, chuyển biến nhận thức về du lịch nội địa, coi đây như bộ phận không tách rời và có vai trò quan trọng ngang bằng với du lịch quốc tế.

Trao đổi tại Hội thảo “Thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới-Thách thức và giải pháp” do Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) vừa tổ chức, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ nhiệm nhiệm vụ Nghiên cứu thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới khẳng định: Thị trường khách du lịch nội địa là thị trường có khả năng chống chịu, thích ứng với những thay đổi của thực tế, có khả năng phục hồi nhanh và mức độ tăng trưởng khá ổn định. Việc nghiên cứu, phân tích để tìm ra đặc điểm, sự thay đổi, xu hướng du lịch của khách nội địa sẽ là cơ sở để tìm giải pháp thúc đẩy thị trường trong nước.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định đi du lịch của khách nội địa giai đoạn phục hồi (năm 2022), yếu tố được du khách quan tâm nhiều nhất là chất lượng dịch vụ (57,6%), tiếp đến là những thách thức được tìm hiểu, khám phá (57,1%), giá cả (55,5%) và an toàn dịch bệnh (42%).

Du khách trong nước thường đi du lịch dịp nghỉ hè, nghỉ lễ, phổ biến là những chuyến ngắn từ 2-3 ngày và đang có xu hướng kéo dài thời gian du lịch. Khách hay đi theo nhóm nhỏ cùng bạn bè hoặc gia đình, ưu tiên lựa chọn những loại hình du lịch như: nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng núi, vui chơi giải trí, mua sắm, bên cạnh đó là du lịch văn hóa, tâm linh, thể thao, chăm sóc sức khỏe… Về chi tiêu, du khách nội địa chi tiêu cho toàn chuyến ở mức trung bình. Khi đặt mua sản phẩm du lịch, họ quan tâm nhiều đến chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi trực tiếp vào giá.

Khai thác hiệu quả thị trường du lịch nội địa ảnh 1

Các vườn hoa theo mùa ở Hà Nội là một sản phẩm du lịch thu hút du khách trong nước. (Ảnh HƯƠNG ANH)

Cũng theo nhóm nghiên cứu, thị trường nội địa khá nhạy cảm với các thông tin và xu hướng phát triển. Việc tiếp cận thông tin từ mạng xã hội có tác động nhất định đối với quyết định của khách du lịch nội địa, đặc biệt thông tin truyền miệng vẫn đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, mức độ yêu cầu về dịch vụ của du khách trong nước ngày càng cao.

Đa phần, du khách quan tâm tới các yếu tố dịch vụ cá nhân, thái độ phục vụ. Những điểm mới trong sản phẩm, dịch vụ luôn được khách đặt trong mối tương quan với chi phí bỏ ra. Khách đang có xu hướng chọn sản phẩm với trải nghiệm chất lượng cao…

Các chuyên gia nhận định, thời gian tới, du lịch nội địa có thể sẽ phải đối mặt nhiều thách thức như: ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự cạnh tranh từ các đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore…, thậm chí là Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định đi du lịch của khách nội địa giai đoạn phục hồi (năm 2022), yếu tố được du khách quan tâm nhiều nhất là chất lượng dịch vụ (57,6%), tiếp đến là những thách thức được tìm hiểu, khám phá (57,1%), giá cả (55,5%) và an toàn dịch bệnh (42%).

Thay vì du lịch trong nước, lượng khách nội địa có khả năng kinh tế có thể lựa chọn những điểm đến gần đã áp dụng chính sách mở cửa tương đối thông thoáng sau đại dịch và có mức phí chênh lệch không quá nhiều so với các điểm du lịch trong nước. Vì thế, để thu hút mạnh mẽ du khách nội địa, nhất là bộ phận du khách chất lượng, có mức chi tiêu cao, không cách nào khác phải bằng mọi cách đổi mới sáng tạo để đáp ứng nhu cầu du khách trong nước. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch - Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội):

Trước sự phục hồi nhanh chóng của thị trường khách du lịch nội địa, việc định hướng khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch trong nước chính là chiến lược quan trọng góp phần khôi phục ngành du lịch Việt Nam sau những ảnh hưởng của đại dịch. Các sản phẩm du lịch mới cần đáp ứng nhu cầu gắn kết gia đình, người thân, bạn bè, có sự sáng tạo trong cách tiếp cận điểm đến, di chuyển và sử dụng dịch vụ.

Dựa trên sự chuyển dịch xu hướng của du khách trong trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp lữ hành cần tập trung xây dựng các nhóm sản phẩm có điểm nhấn về mặt trải nghiệm phù hợp từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau.

Bên cạnh dòng sản phẩm du lịch có tính đại chúng cao như du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch ẩm thực..., cần chú trọng phát triển các dòng sản phẩm du lịch theo xu hướng mới là sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch thông minh; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch; tăng cường liên kết giữa các địa phương, giữa địa phương và doanh nghiệp nhằm xây dựng sản phẩm mới, phát huy lợi thế của từng địa phương để mở rộng thị trường khách nội địa, nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá, đặc biệt qua các kênh truyền thông số ■