Nhu cầu được dịch chuyển, tham quan của người dân tăng cao sau khoảng thời gian khá dài do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã khiến sức mua tua du lịch kỳ nghỉ lễ sắp tới tăng cao. Tính đến thời điểm này, nhiều hãng lữ hành uy tín đã hoàn thành hơn 80% kế hoạch bán tua 30-4, 1-5. Những ngày gần đây, các công ty du lịch lớn như Vietravel, Saigontourist, Hanoitourist, Flamingo Redtours… tiếp nhận hàng nghìn lượt khách quan tâm đặt tua và mua dịch vụ mỗi ngày. Những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn dịp nghỉ lễ vẫn là những nơi sở hữu tiềm năng du lịch dồi dào như: Ðà Lạt, Vũng Tàu, Ðà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh, Sa Pa, Hạ Long, Mũi Né… Và không có gì lạ khi các bãi biển đẹp vẫn là điểm đến phổ biến được du khách lựa chọn để mở đầu mùa du lịch hè năm nay.
Ðón đầu sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu du lịch của người dân trong nước, nhằm tạo đà phát triển cho du lịch nội địa, ngay trong tháng 3, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã tung ra hàng loạt gói sản phẩm kích cầu. Vietravel cung cấp những gói du lịch nghỉ dưỡng, khám phá có giá chạm đáy chỉ từ 699 nghìn đồng. Flamingo Redtours đưa ra hàng nghìn tua giảm giá 30% đã được cá biệt hóa theo từng đối tượng khách hàng. Cùng với đó, các hãng hàng không cũng mở bán hàng nghìn vé máy bay giá rẻ để thu hút khách du lịch. Từ ngày 28-4 đến 3-5, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ cung ứng 500 nghìn chỗ tương ứng xấp xỉ 2.600 chuyến bay nội địa kết nối các điểm đến như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Quy Nhơn, Ðà Lạt, Phú Quốc. Hãng hàng không Vietjet cũng mở thêm năm đường bay nội địa tới Phú Quốc. Hãng hàng không Bamboo Airways dự kiến tăng bình quân 12 đến 15% tải cung ứng trên một số đường bay có nhu cầu lớn dịp nghỉ lễ tới các điểm đến Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang… Ðối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch, dịp lễ 30-4, 1-5 năm nay chính là cơ hội để các doanh nghiệp có thể trở lại thị trường sau kỳ “ngủ đông” kéo dài cho nên giá tua không những không bị đẩy lên mà thậm chí còn hấp dẫn và có nhiều ưu đãi hơn các năm trước, nhất là khi có thêm sự hỗ trợ trợ giá từ các địa phương, cơ sở lưu trú, vận chuyển du lịch.
Theo các hãng lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay ghi nhận sự “lên ngôi” của du lịch tự túc, du lịch theo từng nhóm nhỏ. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Hanoitourist cho hay, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng du lịch của du khách. Thay vì lựa chọn những tua trọn gói, nhiều du khách tìm đến hình thức du lịch tự túc theo nhóm nhỏ gia đình, bạn bè để hạn chế việc di chuyển bằng phương tiện công cộng, tránh tập trung đông người, hơn nữa có thể chủ động về lịch trình, thời gian du lịch. Ðể đáp ứng sự thay đổi này, các công ty du lịch đã đẩy mạnh việc cung ứng các chương trình kết hợp (combo) trọn gói du lịch với mức giá ưu đãi để phục vụ du khách. Gói “Bay Bamboo - Nghỉ dưỡng FLC” bao gồm vé máy bay, lưu trú, tham quan với mức giá chỉ từ 3,25 triệu đồng/người cho kỳ nghỉ ba ngày hai đêm tại Quy Nhơn, Hạ Long hoặc Sầm Sơn đã nhận được nhiều phản ứng tích cực. Các gói dịch vụ của các công ty lữ hành gồm xe, khách sạn hay vé máy bay khứ hồi - khách sạn cũng đạt lượng đặt mua lớn từ du khách. Bên cạnh đó, dịp nghỉ lễ năm nay còn chứng kiến sự phát triển của du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, khen thưởng của các công ty dành cho nhân viên, đối tác), do nhiều doanh nghiệp đang muốn xúc tiến kế hoạch kinh doanh, chăm sóc khách hàng, xây dựng và phát triển các đại lý… sau thời gian phải hoãn vì dịch bệnh.
Khi du lịch quốc tế chưa thể mở cửa trở lại, ngành du lịch chỉ có thể tự cứu mình bằng việc tập trung cho du lịch trong nước. Cũng bởi vậy mà các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch càng cần nâng cao sức cạnh tranh của mình thông qua xây dựng những sản phẩm mang tính sáng tạo, khác biệt. Ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Flamingo Redtours nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, để thu hút du khách, giảm giá chỉ là một yếu tố, quan trọng hơn là cần có những sản phẩm đủ hấp dẫn để chinh phục du khách. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Mỗi sản phẩm du lịch không nên chỉ là phép cộng đơn thuần của dịch vụ ăn, ngủ, nghỉ, tham quan mà còn cần yếu tố mới, cá biệt hóa với từng đối tượng khách hàng. Ðó là lý do khiến đợt nghỉ lễ năm nay có khá nhiều sản phẩm du lịch mới đã được ra mắt, đơn cử như những tua du lịch ca-ra-van bằng hình thức xe tự lái, du lịch MICE truyền thống kết hợp ca-ra-van, hành trình du lịch khám phá các di sản văn hóa lịch sử theo chủ đề.
Có thể thấy, sự hấp dẫn về giá cùng cam kết về chất lượng của các sản phẩm du lịch chính là đòn bẩy tạo nên sự sôi động của ngành du lịch dịp nghỉ lễ. Tuy nhiên, cùng với sự tăng mạnh về lượng khách, những người làm du lịch và chính quyền địa phương sở hữu những điểm đến tập trung đông khách cũng cần tính tới các phương án nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Cần có những kịch bản ứng phó kịp thời và có thể kích hoạt ngay trong những tình huống khẩn cấp. Sự chủ động, cẩn trọng của những người làm du lịch chính là yếu tố giúp du lịch có thể hoạt động trở lại trong điều kiện “bình thường mới”.