Cơ hội sáng tạo cho tương lai
Trải dài trên mọi lĩnh vực, từ âm nhạc, điện ảnh, thời trang… đến sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, chất liệu truyền thống, văn hóa dân tộc hay bản địa trở thành nguồn cảm hứng cho mọi thế hệ sáng tác những tác phẩm mang hơi thở đương đại.
“Lên Ngàn” là các dự án văn hóa nghệ thuật và sáng tạo đa ngôn ngữ, được thành lập với mong muốn sự trao truyền, tiếp nối tri thức bản địa luôn luôn được duy trì, tiếp nối. Sáng lập đồng thời giữ vai trò giám đốc nghệ thuật “Lên Ngàn” là Nguyễn Quốc Hoàng Anh, sinh năm 1990.
Với tiêu chí hoạt động là tôn vinh nghệ thuật truyền thống và sự đa dạng của văn hóa bản địa, Nguyễn Quốc Hoàng Anh cùng “Lên Ngàn” đã thực hiện nhiều dự án nghệ thuật truyền thống mang hơi thở đương đại và màu sắc thể nghiệm. Một dự án của “Lên Ngàn” được nhiều người nhắc đến là vở tuồng Sơn Hậu-Beyond the Mountain được trình diễn tại khu tập thể Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội cuối năm 2020. Không chỉ là sự thử nghiệm táo bạo mang tuồng đến cộng đồng, sự kết hợp của đạo diễn Hà Nguyên Long và nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Hoàng Anh đã mang đến một hơi thở mới mẻ, hấp dẫn, khác lạ cho tuồng.
Trải dài trên mọi lĩnh vực, từ âm nhạc, điện ảnh, thời trang… đến sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, chất liệu truyền thống, văn hóa dân tộc hay bản địa trở thành nguồn cảm hứng cho mọi thế hệ sáng tác những tác phẩm mang hơi thở đương đại.
Trên một sân khấu rộn ràng tiếng trống trận với âm thanh điện tử, kèn bóp, kèn Cor kết hợp hài hòa, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã trình diễn những điệu Nam Ai, Nam Xuân theo một thể thức mới lạ, hấp dẫn. Với những cách tân mạnh mẽ và sự sáng tạo thú vị, những người trẻ đã tạo nên một không gian mới cho tuồng xưa tích cũ, nơi khán giả cũng trở thành một phần của sân khấu, kéo khán giả đến gần với tuồng hơn.
Sau vở Sơn Hậu-Beyond the Mountain, Nguyễn Quốc Hoàng Anh tiếp tục bắt tay sản xuất âm nhạc cho dự án “Âm-Thanh sắc-Màu” với sự đồng hành của nghệ sĩ graffiti Cyril Kongo. Sự kết nối giữa màu sắc, âm thanh, âm nhạc tạo nên tác phẩm và màn trình diễn Đông-Tây. Ở đó, nghệ thuật diễn xướng và nhạc cụ truyền thống Việt Nam trình diễn cùng các nhạc cụ phương Tây như kèn trumpet, hip hop, jazz được trình diễn trong không gian graffiti.
Là những người trẻ đang thực hành về văn hóa nghệ thuật, ghi dấu ấn với nhiều dự án kết hợp nghệ thuật truyền thống và đương đại, Nguyễn Quốc Hoàng Anh luôn tìm tòi cách thức sáng tạo để đưa âm nhạc truyền thống vào trong các dự án. Tiếp tục lấy nguồn cảm hứng từ tuồng truyền thống, vở diễn Cõi thinh không là tác phẩm sân khấu thể nghiệm, cầu nối giữa nghệ thuật tuồng truyền thống và nghệ thuật đương đại.
Vẻ đẹp lộng lẫy, sang trọng và dữ dội của tuồng Việt Nam được người trẻ cách tân, kết nối với truyền thống tạo nên sự thể nghiệm mới. Âm nhạc trong Cõi thinh không kết hợp hài hòa giữa âm nhạc điện tử và nhạc cụ bản địa như đàn bầu, nhị, sáo, bộ gõ truyền thống. Điệu nhảy đường phố Krumping gặp gỡ trên sân khấu tuồng Việt Nam, nơi âm thanh điện tử hòa với nhạc cụ truyền thống khiến sự kết hợp Đông Tây này góp phần đưa vẻ đẹp truyền thống hòa nhập trong bối cảnh hiện đại.
Ít ai biết Nguyễn Quốc Hoàng Anh từng không mấy am hiểu âm nhạc và nghệ thuật diễn xướng truyền thống. Học chuyên ngành nhạc cổ điển tại Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, được nuôi dưỡng trong một gia đình có truyền thống văn hóa nghệ thuật, lớn lên trong cùng bối cảnh mới mẻ văn hóa toàn cầu, khi nhạc cổ điển, nhạc jazz, hip hop… xâm nhập vào Việt Nam, những người trẻ như Hoàng Anh trở nên bơ vơ, không hiểu truyền thống là gì và nhìn truyền thống rất xa cách.
Sau này nhìn nhận, suy nghĩ lại, xác định hướng đi tương lai của mình phải có điểm tựa là văn hóa của dân tộc mình, Hoàng Anh nghiêm túc tìm hiểu về ca trù, chầu văn, chèo..., học lại thế nào là di sản, là truyền thống. Với tư duy sáng tạo độc đáo, suy nghĩ về nghệ thuật dân tộc không bó hẹp, Hoàng Anh thực hiện các dự án kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật đương đại để kể câu chuyện mới về di sản cũng như văn hóa dân gian, gợi mở nhiều cách tiếp nhận những di sản văn hóa bản địa, tìm mọi cách phát triển chất liệu đến từ âm thanh, âm nhạc, trình diễn. Từ đó hình thành phong cách âm nhạc cá nhân có tiết tấu mang tinh thần bản địa, quan tâm tính cá nhân và suy nghĩ của các nghệ sĩ về bối cảnh văn hóa của họ.
Làm việc liên ngành, tham gia nhiều vai trò như giám tuyển, đạo diễn, nhà sản xuất âm nhạc, Hoàng Anh gắn bó, kết nối văn hóa bản địa, di sản nghệ thuật truyền thống Việt Nam với đương đại, luôn tìm cách đưa vào trong các dự án sự kết hợp nhiều nghệ sĩ đến từ những loại hình nghệ thuật khác nhau như chuyển động, nhạc thể nghiệm, truyền thống… Vì vậy, các dự án của “Lên Ngàn” đều mang hơi thở truyền thống và màu sắc văn hóa bản địa. Các hoạt động của “Lên Ngàn” tìm mọi cách, mọi hướng phát triển chất liệu khác nhau, từ âm thanh, âm nhạc đến trình diễn.
Dự án đã trở thành không gian kết nối các nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, những người thực hành văn hóa nghệ thuật, các nhà sáng tạo cùng nhau tạo nên không gian tương tác, chia sẻ ý tưởng, mang nhiều giá trị cho cộng đồng và công chúng.
Khai thác và tôn vinh các giá trị truyền thống
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn (nghệ danh SơnX) là một trong số ít những nhạc sĩ đương đại có nền tảng vững chắc về nghệ thuật truyền thống và văn hóa bản địa Việt Nam. Theo học nhạc cụ dân tộc, được các bậc thầy về bộ gõ truyền thống như Bùi Trọng Đang, Nguyễn Đắc Hán, Đỗ Tùng… hướng dẫn, Nguyễn Xuân Sơn tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc tại Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.
Các sáng tác nhạc của Nguyễn Xuân Sơn lấy chất liệu và cảm hứng từ nhạc truyền thống Việt Nam, nhưng thấm đẫm màu sắc đương đại. Gắn bó, cộng tác với biên đạo múa Ea Sola Thủy, sáng tác âm nhạc cho các vở múa Hạn hán và cơn mưa, Cánh đồng âm nhạc, Khúc Cầu nguyện, Đường bay, Cơ thể trắng… Nguyễn Xuân Sơn đến với âm nhạc thể nghiệm từ nền tảng âm nhạc truyền thống, thực hành nhiều hình thức biểu đạt như trình diễn, video art, sắp đặt âm thanh, sáng tác âm nhạc cho phim và sân khấu múa đương đại.
Tác phẩm của Nguyễn Xuân Sơn được giới thiệu tại các không gian nghệ thuật tại Việt Nam và trên thế giới. Làm nhạc cho các vở múa của biên đạo múa Ea Sola Thủy, kết hợp với những nghệ sĩ, diễn viên mộc mạc, những tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Sơn vừa mang chất liệu âm nhạc dân tộc vừa mang hơi thở đương đại. Bộ gõ, nhịp trống, âm thanh điện tử được anh khai thác mang đến hiệu ứng khác nhau.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn (nghệ danh SơnX) là một trong số ít những nhạc sĩ đương đại có nền tảng vững chắc về nghệ thuật truyền thống và văn hóa bản địa Việt Nam. Các sáng tác nhạc của Nguyễn Xuân Sơn lấy chất liệu và cảm hứng từ nhạc truyền thống Việt Nam, nhưng thấm đẫm màu sắc đương đại.
Bên cạnh đó, Nguyễn Xuân Sơn có những sáng tác đặc biệt kết hợp với những nghệ sĩ chơi nhạc cụ truyền thống, bộ gõ. Anh cũng là tác giả của rất nhiều tác phẩm đa phương tiện như Đi ra, Biên giới mềm, Cổ tích vỡ, Rơi vào giấc ngủ, sáng tác nhạc trong bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu… Hiểu rõ và nhận thấy vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống, Nguyễn Xuân Sơn quan niệm không có ranh giới giữa nhạc truyền thống và đương đại bởi truyền thống luôn ở trong con người anh. Là người thực hành nhạc cụ truyền thống, những sáng tác của anh không có quá trình đứt gãy mà là một mạch liền liên tục.
Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, truyền thống trở thành chất liệu được sử dụng tùy biến, nhưng được tổ chức một cách nghiêm ngặt để tạo ra ý nghĩa mới thông qua các câu chuyện đương đại. Đó vừa là sự thể nghiệm mang tính cá nhân, song cũng là cách tiếp cận của giới trẻ với truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa, đối thoại Đông-Tây rộng mở.
Với cách nhìn đa chiều, truyền thống không còn bị bó hẹp ở khía cạnh bảo tồn hay giữ gìn nguyên trạng. Truyền thống không đứng yên ở một giai đoạn nhất định, cũng không phải là di sản của quá khứ mà đang được hình thành ngay tại thời điểm hiện tại, trở thành chất liệu để thực hiện dự án văn hóa nghệ thuật, phim tài liệu, âm nhạc, sân khấu… Cách tân truyền thống cũng là cách tôn vinh nghệ thuật dân tộc và sự đa dạng của văn hóa bản địa.
Với cách sáng tạo và tiếp cận truyền thống rộng mở, giản dị, đa chiều sẽ khơi nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ tiếp tục phát triển di sản văn hóa dân tộc. Khi truyền thống được quan tâm, được tái tạo, nhào nặn tinh tế với mục đích nghệ thuật, người nghệ sĩ có tư duy kết nối giá trị di sản văn hóa truyền thống với đương đại, xu hướng sử dụng truyền thống một cách riêng biệt tạo ra ý nghĩa mới sẽ là nơi sự sáng tạo kết hợp với các giá trị trong quá khứ, là cách bảo tồn và làm nổi bật nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống.