Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng:

Làm mới nhưng không bóp méo truyền thống

Là đạo diễn âm nhạc ba bộ phim đình đám: “Ma làng”, “Gió làng Kình”, “Thương nhớ ở ai” và nhiều chương trình nghệ thuật, nhà sản xuất với nhiều sản phẩm âm nhạc cho các ca sĩ dòng dân gian, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng có nhiều nỗ lực trong việc làm mới âm nhạc truyền thống. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện cùng anh. 

0:00 / 0:00
0:00
Làm mới nhưng không bóp méo truyền thống

Phóng viên (PV): Hoạt động âm nhạc rất rộng trên vai trò đạo diễn âm nhạc, dàn dựng sân khấu, sáng tác nhạc nhưng anh lại xuất thân là nghệ sĩ đàn bầu?

Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng (NQH): Đúng vậy. Tôi theo học đàn bầu từ NSND Thanh Tâm hơn 10 năm dưới mái trường Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Việc học âm nhạc dân tộc đặc biệt là cây đàn bầu đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong cách viết nhạc, dàn dựng âm nhạc bởi âm nhạc dân tộc mềm mại, giai điệu ngọt ngào và đôi khi cũng đầy kịch tính, có thể được biểu cảm qua từng giọt đàn. 

Các công việc này đều liên quan mật thiết với nhau. Có thể thấy mỗi bộ phim đều mang đến nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật, vì thế khi hòa âm cho phim cũng chính là mình được tiếp nhận đa cảm xúc, thế nên mỗi hình tượng nhân vật đều phải có tuyến âm nhạc mang cá tính riêng. Mặt khác, khi viết ca khúc cho phim, nhạc sĩ cũng phải hiểu thấu được nội dung phim để cô đọng trong một ca khúc mang tính khái quát tính chất của phim. 

Làm nhạc cho phim thì thấy có nhiều tình tiết như xã hội thu nhỏ. Lúc căng thẳng, kịch tính, lúc bi thương, lúc thì tâm trạng. Và tính chất âm nhạc mình phải xử lý khác nhau, lúc thì chất liệu âm nhạc hài hước, lúc u ám, kịch tính. Trải qua các bộ phim, làm đạo diễn âm nhạc giúp tôi đúc kết được nhiều điều cho sáng tác, dàn dựng.

PV: Làm đạo diễn âm nhạc là công việc phức tạp và chắc chắn không chỉ đòi hỏi kiến thức về âm nhạc?

NQH: Đó là công việc kỳ công, tỉ mỉ với nhiều phần việc, đòi hỏi người làm nghề phải có kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm cùng cái nhìn bao quát, tổng thể. Đặc biệt, không chỉ tích lũy thêm nhiều kiến thức âm nhạc mà còn tích lũy những kiến thức về văn học, lịch sử, địa lý để khai thác các chất liệu vùng miền cho đúng và hay. Nhưng điều quan trọng nhất là bản thân làm việc phải với sự nhiệt huyết và trách nhiệm với công sức mà mình đã xác định bỏ chất xám đầu tư vào sản phẩm cũng như chương trình.

PV: Ngoài sự đam mê, tâm huyết, dấn thân, hẳn công việc của anh cũng cần sự liều lĩnh và táo bạo?

NQH: Khi làm đạo diễn âm nhạc cho bộ phim “Thương nhớ ở ai”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh đã yêu cầu tôi sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian của đồng bằng Bắc Bộ, như: Ca trù, chầu văn, chèo, xẩm, quan họ, hát ru... và nếu không phải là người say mê âm nhạc dân tộc thì khó có thể làm tốt được phần việc này. Trong phim có những đoạn nhạc kéo dài đến 8-9 phút, có thể nói đây là kỷ lục về thời gian âm nhạc trong một bộ phim Việt. Mỗi người có một cách khác nhau, nhưng theo tôi, trong cuộc chơi phải có sự dám chơi, dám hy sinh và đương nhiên tiền bạc phải được gạt sang một bên. Khi bộ phim hoàn thành, ê kíp đã dành cho nhau cái ôm, cái bắt tay, những lời cảm ơn và tôi nghĩ mình đã để lại giá trị khác ngoài việc kiếm tiền.

PV: Để làm mới âm nhạc trên chất liệu âm nhạc truyền thống, theo anh người nghệ sĩ cần có tố chất, sự hiểu biết ra sao?

NQH: Việc làm mới trong âm nhạc truyền thống là rất khó, nhất là việc chúng ta bảo tồn và phát huy vốn cổ hòa nhịp với hơi thở hiện đại mà không bị bóp méo, biến dạng chúng. Những chất liệu hay lối thể hiện đòi hỏi bạn phải chắc về chất liệu âm nhạc dân gian vùng miền để làm mới. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi đã phải nghe nhiều dòng nhạc khác nhau để từ đó có thể kết hợp những nét tươi mới từ các loại nhịp, những âm hình tiết tấu, kiến thức hòa âm cũng như các chất liệu âm nhạc khác nhau để hòa trong những bài nhạc truyền thống thêm phong phú, đa dạng mang sức sống mới và cuốn hút hơn.

PV: Được biết gần đây anh đang tìm hiểu và thử sức cả ở sân khấu chèo. Anh có kỳ vọng gì về “sân chơi” mới này?

NQH: Đây là loại hình sân khấu đặc thù đòi hỏi bạn phải biết nhiều làn điệu cũng như phải thành thạo kiến thức hòa âm kiến thức chung âm nhạc để dàn dựng cũng như viết cho các cây đàn dân tộc chơi phong cách này. Bạn cũng cần biết chơi nhạc cụ dân tộc hay hát được để quá trình làm việc sẽ thuận lợi hơn. Hiện nay, các nhạc sĩ đi vào dòng này không nhiều. Là người yêu nhạc dân gian, tôi cũng muốn mình thử sức và học hỏi mảng sân khấu chèo. Được các thầy dìu dắt, chỉ bảo tận tình, tôi hy vọng một ngày không xa có thể đóng góp được ít nhiều cho sân khấu chèo.

PV: Anh đánh giá thế nào về lực lượng nhạc sĩ trẻ hiện nay đi theo con đường làm mới âm nhạc truyền thống?

NQH: Những bạn trẻ hiện nay đều rất giỏi trong quá trình kết hợp làm mới chất liệu âm nhạc dân tộc trong hòa âm cũng như các sáng tác, tuy nhiên số lượng các nhạc sĩ khai thác dòng này cũng không quá nhiều. Có thể họ cũng đang tìm tòi và cần thời gian tìm hiểu thêm kiến thức về âm nhạc, chất liệu vùng miền.

PV: Xin cảm ơn anh!

Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng sinh năm 1982 tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Anh là tác giả của những ca khúc đã mang về Huy chương vàng cho các nghệ sĩ tham dự Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, như: “Tâm tình người lính” (Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng), “Hội xuân” (Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần), “Thương kiếp con tằm” (Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương), “Suối nguồn” (Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Hòa Bình)... Gần đây, anh tham gia làm tổng đạo diễn cho chương trình nghệ thuật “Hồn quê” của Đoàn Ca múa kịch Thái Bình tham gia Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (đợt 1) năm 2021 và đã giúp Đoàn giành được một Huy chương vàng, hai Huy chương bạc, hai Huy chương đồng.