Hình ảnh Hà Nội qua các bộ phim. |
Đến dự lễ khai mạc có Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, các Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Nguyễn Thị Thúy Hà và Ngô Đặng Trà My, cùng các đại diện lãnh đạo cơ quan, ban ngành, các tổ chức quốc tế.
Đại biểu quốc tế tham quan triển lãm. |
Phát biểu tại buổi khai mạc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Triển lãm là một trong những hoạt động quan trọng và có ý nghĩa. Thông qua việc trưng bày 200 bức ảnh về bối cảnh quay phim của những bộ phim trong và ngoài nước, triển lãm cho thấy vẻ đẹp của lịch sử, văn hóa, những cảnh đẹp đặc trưng cũng như con người Hà Nội.
Các bức ảnh nghệ thuật về Hà Nội được trưng bày tại triển lãm. |
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, triển lãm góp phần quan trọng vào việc quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, cũng như hình ảnh về Thủ đô Hà Nội, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo…, từ đó quảng bá Việt Nam trong những sáng tạo nghệ thuật.
Triển lãm bao gồm hai chủ đề chính: “Giới thiệu hình ảnh trong các phim có bối cảnh là di tích, di sản văn hóa của Hà Nội” và “Những hình ảnh đặc sắc về Hà Nội qua góc nhìn của các nghệ sĩ yêu mến Hà Nội”, gồm 200 hình ảnh đặc sắc được thể hiện qua 17 pano (1 pano giới thiệu chung, 16 pano hình ảnh).
Các bức ảnh tại triển lãm được sắp xếp theo dòng chảy lịch sử, từ thập niên 50, 60, 70, 80... cho đến thời hiện tại. Triển lãm cho người xem thấy được vẻ đẹp của bối cảnh quay trong các tác phẩm điện ảnh của các nhà làm phim trong nước và quốc tế, cũng như những bức ảnh đẹp về một số di tích, di sản văn hóa tại Hà Nội qua ống kính của nhà quay phim Phạm Thanh Hà, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, nhiếp ảnh gia Hoàng Hữu Khánh….
Những bộ phim có trích hình ảnh trong Triển lãm:
Phim Truyện: Em bé Hà Nội (1974), Sao Tháng Tám (1976), Hà Nội mùa chim làm tổ (1981), Điện Biên Phủ (1992), Mùa ổi (2000), Hà Nội 12 ngày đêm (2002), Hà Nội Hà Nội (2006), Hoa nhài (2022)
Phim Tài liệu: Tiếp quản Thủ đô (1954), Phong cảnh Hà Nội (1958), Hà Nội tháng 5 (1967), Một ngày Hà Nội (1967), Xuân nào vui hơn (1976), Mùa xuân thống nhất (1976), Bài ca dâng Bác (1978), Hoa Tết Hà Nội (1980), Hà Nội trong mắt ai (1983), Năm tháng và những tầng cao (1984), Kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô (1984), Khép lại quá khứ vì tương lai (1994), Phố cổ Hà Nội (1994), Việt Nam trên đường đổi mới (1995), Ngoại ô (1999), Chốn quê (2001), Tâm tình của gốm (2007), Những người kể chuyện phố cổ Hà Nội (2020), Tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam (2021).