Khai mạc Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20)

NDO - Ngày 22/11, tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và môi trường), Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức Khai mạc Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 và Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười phát biểu Khai mạc Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 và Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười phát biểu Khai mạc Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 và Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam”.

Đây là lần đầu tiên Hội nghị ISV được tổ chức tại Việt Nam.

Dự phiên khai mạc có đại diện các tổ chức quốc tế: UNESCO tại Việt Nam; Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế; Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Tỉnh Đắk Nông có các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điểu K’Ré; Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lưu Văn Trung; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Văn Mười; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các địa phương cùng đông đảo nghệ nhân, nhân dân trong tỉnh.

Hội nghị có sự tham dự và phát biểu trực tuyến của đồng chí Trần Hồng Hà – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các đại biểu khách mời đại diện Ủy ban pháp luật quốc hội; Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội; Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; các nhà khoa học đến từ Cục Di sản, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, Trường Đại học Mở Hà Nội; các đại biểu là lãnh đạo Ủy ban nhân dân của các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn…

Khai mạc Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) ảnh 1

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh tặng hoa cho các đại biểu quốc tế thuộc Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Phát biểu trực tuyến từ Hà Nội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực về công viên địa chất, hang động núi lửa. Việc tỉnh Đắk Nông đăng cai Hội nghị ISV20 đánh dấu cột mốc mới trong hợp tác khoa học giữa Việt Nam với các quốc gia có hệ thống hang động trên thế giới, giữa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với Hiệp hội Hang động quốc tế nói chung và Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế nói riêng và với các thành viên thuộc Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

Mặc dù là thành viên còn rất trẻ trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, nhưng việc tỉnh Đắk Nông được lựa chọn để đăng cai hội nghị quan trọng này đã nâng cao vị thế của địa danh Đắk Nông với bạn bè quốc tế; tăng cường quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực về bảo tồn và khai thác bền vững các di sản địa chất; khẳng định Việt Nam là quốc gia khá tiêu biểu về di sản tự nhiên của thế giới.

Việt Nam mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế để nghiên cứu đưa ra các giá trị của các di sản tự nhiên của Việt Nam, đặc biệt là các hang động và hang động núi lửa. Đồng thời cùng nhau đưa ra các giải pháp, chính sách toàn cầu để quản lý những giá trị di sản của thế giới, đặc biệt là đưa các di sản này để phục vụ cho đời sống phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Thông qua hoạt động này sẽ giúp tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hiệu quả hệ thống hang động núi lửa-di sản địa chất (có dấu vết của văn hóa người tiền sử) mang tầm quốc tế trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu, nâng cao thêm giá trị của hệ thống hang động, giá trị văn hóa đặc trưng; chia sẻ kinh nghiệm, góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả di sản mang tầm quốc tế của tỉnh Đắk Nông, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh và đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười bày tỏ vinh dự là địa phương đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam”. Ông Mười nhấn mạnh, việc chủ động đăng cai tổ chức một sự kiện khoa học quốc tế khẳng định quyết tâm của tỉnh Đắk Nông trong việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất; là cơ hội để tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hệ thống núi lửa và hang động núi lửa, những di sản địa chất tầm cỡ quốc tế trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đây cũng là dịp để tỉnh Đắk Nông học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Cũng tại lễ khai mạc, các ông: John Brush, Chủ tịch Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế và Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Tổng thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu phát biểu, ghi nhận những nỗ lực của Đắk Nông nói riêng, Việt Nam nói chung, trong việc bảo tồn và phát triển bền vững các di sản địa chất quý giá; khẳng định sự cần thiết tổ chức Hội nghị nhằm trao đổi những giá trị khoa học mới về núi lửa và hệ thống hang động núi lửa trên toàn thế giới; từ đó đề xuất, xác định cách thức bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị di sản địa chất.

Sau phiên khai mạc, Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 với chủ đề “Bảo tồn và phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa” đã có phiên thảo luận tập trung tại Hội trường Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông.

Từ ngày 22-24/11 Hội nghị ISV20 sẽ diễn ra với các hoạt động chính gồm: Hội nghị ISV20; Các hội thảo chuyên đề của Hội nghị ISV20; Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam”; Các hoạt động giao lưu quốc tế của thành viên Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; Các hoạt động khảo sát thực tế Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.