Khắc phục lỗ hổng về cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng đất đai

NDO - Hiện công tác quản lý và sử dụng đất hiện còn hạn chế, văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất; chính sách pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi của thực tiễn. Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu những kiến nghị, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán trong lĩnh vực này.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Cộng tác viên)
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Cộng tác viên)

Ngày 21/12, Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội thảo hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra đối với Kiểm toán Nhà nước.

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, công tác quản lý và sử dụng đất hiện còn hạn chế, văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất; chính sách pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi của thực tiễn; việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa tuân thủ các quy định.

Những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã tiếp tục đi sâu vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế. Trong đó công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Thông tin từ Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước cho biết qua các cuộc kiểm toán, cơ quan này đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý đất đai của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán.

Từ năm 2013 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 21 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Trung ương ban hành; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 34 văn bản quy phạm pháp luật do các địa phương ban hành. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn hạn chế, pháp luật nhà nước về đất đai còn những kẽ hở, bất cập, việc sử dụng nguồn lực đất đai có nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Những lỗ hổng, bất cập trong chính sách pháp luật về đất đai được nhận diện và đề xuất giải pháp hoàn thiện là những nội dung liên quan đến phương pháp xác định giá đất; vướng mắc giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Khoáng sản 2010; quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai còn khoảng trống; bất cập trong thực hiện chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong ưu đãi đầu tư; chính sách giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Quang Định, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng cho biết, qua rà soát pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan cho thấy một số quy định pháp luật còn bất cập, thiếu thống nhất, có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn.

Đó là, quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất tại Luật Đất đai 2013, Luật Đấu thầu 2013, Luật Đầu tư 2020 chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Quy định hiện hành cũng chưa rõ ràng về việc định giá đất theo cơ chế thị trường; chưa có cơ chế pháp lý hữu hiệu để kiểm soát việc chuyển đổi đất nông nghiệp để thu hút công nghiệp một cách tùy tiện…

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu những kiến nghị, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán trong lĩnh vực này. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cần tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về đất đai ngay từ khi khi Luật Đất đai đang được sửa đổi, bổ sung; tham gia hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để đồng bộ với Luật Đất đai. Chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm, từng cuộc kiểm toán liên quan đến lĩnh vực đất đai, xác định mục tiêu kiểm toán phù hợp, sát với yêu cầu thực tiễn cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng; xác định nội dung, phạm vi, đối tượng kiểm toán sát và phù hợp với mục tiêu kiểm toán; cần tập trung vào những phạm vi rủi ro dễ nảy sinh lạm quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác quy hoạch, phân bổ nguồn lực đất đai, kế hoạch sử dụng, trong công tác quản lý và sử dụng đất đai lãng phí, kém hiệu quả.