Bài 2 : Sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tiễn
Theo đánh giá của các chuyên gia pháp luật, qua hơn 7 năm thi hành Luật Đất đai (năm 2013), bên cạnh những kết quả đạt được, các chính sách, pháp luật về lĩnh vực này đến nay cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Những bất cập xuất phát từ thực tiễn
Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo phản ánh của các địa phương, quá trình tập trung, tích tụ đất đai vẫn còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp, bên cạnh đó việc chưa thực hiện tốt các giải pháp đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn khiến người nông dân có tâm lý “giữ đất”.
Thực tế đã có nhiều trường hợp người có nhu cầu tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp không thỏa thuận được với người sử dụng đất về thuê quyền sử dụng đất, không thống nhất về giá thuê và thời hạn thuê đất; có trường hợp chỉ một số ít người nông dân không có sự đồng thuận dẫn đến diện tích manh mún, nhà đầu tư không tạo lập được đủ mặt bằng để yên tâm bỏ vốn sản xuất; mô hình góp vốn bằng quyền sử dụng đất có những khó khăn và rủi ro cho nông dân khi việc quản trị không minh bạch, nông dân không được tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh...
Trên thực tế, các vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời, trong đó có nguyên nhân từ việc thu hồi, giải tỏa có nơi chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư. Giám đốc Công ty Luật Đình Vũ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) Vũ Đình Thọ cho rằng, các vụ tranh chấp đất đai của các tổ chức, cá nhân diễn ra nhiều và rất phức tạp trong thời gian vừa qua, một phần không nhỏ do những hạn chế liên quan đến quan hệ quản lý, sử dụng đất đai có tính lịch sử, phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ nhưng không được giải quyết dứt điểm.
Đến nay, một số quy định của Luật Đất đai vẫn còn bất cập, hạn chế; chưa đồng bộ, thống nhất với một số luật hiện hành như: Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch, Luật Khoáng sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Quản lý tài sản công... Bên cạnh đó, việc tổ chức thi hành pháp luật ở nhiều nơi còn chưa nghiêm, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật chưa thật sự có hiệu quả.
Theo Thanh tra Chính phủ, từ năm 2013 đến 2020, qua thanh tra hơn 6.000 vụ việc liên quan đã phát hiện vi phạm 2.127 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 67.000 ha đất. Công tác quản lý đất đai tại nhiều địa phương còn buông lỏng, để xảy ra thiếu sót, vi phạm như quy hoạch sử dụng đất thiếu tính khả thi, không đồng bộ; việc giao, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục.
Tình trạng lấn chiếm đất công, chuyển nhượng trái phép; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất không đúng quy định còn xảy ra tại nhiều nơi. Mặc dù có xu hướng giảm, nhưng đơn, thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tới hơn 60% trong tổng số các đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai vẫn có xu hướng tăng liên tục (từ 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên hơn 80% năm 2020), số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ cao...
Sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tiễn
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai (năm 2013) nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý, sử dụng có hiệu quả đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, sẽ đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh. Và, quan trọng là sẽ giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai; bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người được Nhà nước giao đất nông nghiệp, đối tượng dễ tổn thương; bảo đảm đời sống, việc làm cho người có đất thu hồi.
Theo các nhà quản lý, trước những bất cập hiện nay, chính sách, pháp luật về đất đai cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; phân cấp phân quyền và cải cách thủ tục hành chính. Phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất.
Cần hoàn thiện quy định về các đối tượng sử dụng đất để bảo đảm đồng bộ thống nhất với các luật khác có liên quan. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai; thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Xây dựng và hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác.
Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Hoàn thiện quy định về quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng các loại đất; hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai… Trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn một số khó khăn, vướng mắc, nhất là tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng Nông Văn Chiêm, tại địa phương, do quy định của pháp luật chưa thật sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực liên quan cho nên sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn có những hạn chế; chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa xem xét kỹ đến khả năng nguồn kinh phí thực hiện các công trình, dự án nên tỷ lệ các dự án “treo” còn nhiều; thiếu đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất của các cấp và quy hoạch chi tiết của các ngành.
Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và một số quy hoạch ngành, lĩnh vực chưa cao, chưa mang tính chiến lược lâu dài. Việc dự báo nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các cấp còn hạn chế, độ chính xác chưa cao, chưa sát với định hướng phát triển kinh tế, xã hội, dẫn đến tỷ lệ thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đạt thấp.
Thêm vào đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan thực hiện quản lý nhà nước và trình tự, thủ tục hành chính về đất đai theo hướng đơn giản hồ sơ thủ tục hành chính. Theo Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để phát triển bền vững thị trường quyền sử dụng đất, cần làm rõ chế định quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với các công trình, tài nguyên trong phạm vi không gian đã được pháp luật quy định.
Đồng thời, cần rà soát thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giá đất. Cần có chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất để điều chỉnh cho phù hợp với năng lực thực hiện của đối tượng được phân cấp.
Để tháo gỡ những bất cập, hạn chế đang tồn tại, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai trên cơ sở khắc phục các bất cập, bảo đảm sự thống nhất với các luật có liên quan, nhằm đổi mới chính sách về quy hoạch, kế hoạch sử dụng, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất. Trên cơ sở đó, xác định quyền sử dụng đất trở thành hàng hóa đặc biệt của cơ chế thị trường và đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước...