Định vị thương hiệu du lịch quốc gia, xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, nhân văn, hiếu khách

NDO - Tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam được tổ chức sáng 21/12 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, “ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực của toàn ngành du lịch, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa.

Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế do nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so mục tiêu đặt ra 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so năm 2019.

Định vị thương hiệu du lịch quốc gia, xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, nhân văn, hiếu khách ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Ngay sau khi mở cửa, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong tháng 4, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 70 nghìn lượt khách và lượng khách quốc tế qua các sân bay của Việt Nam trong tháng 4/2022 đã tương đương tổng 3 tháng trước đó cộng lại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón 2,9 triệu khách quốc tế (tăng 21,1 lần so cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so cùng kỳ năm 2019, khi chưa xảy ra dịch Covid-19), trong đó khách đến bằng đường hàng không chiếm gần 90%, đường bộ chiếm gần 10%, đường biển chiếm 0,02% trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Trong số 2,9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm 2022 thì có 2,7 triệu khách du lịch (chiếm 93,1%).

Hoạt động du lịch tại các trung tâm du lịch trọng điểm diễn ra sôi động với nhiều sự kiện du lịch nổi bật, có sức lan tỏa, khởi sắc.

Nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vượt bậc so với năm trước. Nhiều hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố được triển khai hiệu quả, tạo tiền đề cho việc hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, góp phần phục hồi ngành du lịch.

Định vị thương hiệu du lịch quốc gia, xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, nhân văn, hiếu khách ảnh 2
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu quay lại thị trường, mở thêm nhiều dịch vụ, tăng kế hoạch kinh doanh hè (khoảng 20%) để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều doanh nghiệp đã đạt gần 70% kế hoạch kinh doanh của cả năm. Trong khi đó, trên 90% cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đã hoạt động trở lại bình thường.

Trong dịp cao điểm du lịch hè dành cho khách nội địa vừa qua, công suất phòng khách sạn tăng cao: ngày cuối tuần đạt trung bình trên 55%, các ngày trong tuần đạt từ 25-50%. Một số nơi như Hạ Long, Sa Pa, Quy Nhơn, Phú Quốc có thời điểm đạt công suất trên 95%.

Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới: Vietjet Air đã mở thêm 22 đường bay quốc tế mới; Bamboo Airways tính đến thời điểm này đang khai thác 25 đường bay; Vietnam Airlines đã mở lại tất cả các đường bay quốc tế so thời điểm trước dịch trừ Moskva (Nga), Yangon (Myanmar), mở thêm đường bay đi San Fransisco và Ấn Độ. Các đường bay nội địa tới một số địa bàn du lịch trọng điểm như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... đều tăng cao, mỗi ngày có hàng chục chuyến. Các chặng còn lại như Thành phố Hồ Chí Minh/Hà Nội tới Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn... giá vé cao điểm hè cũng tăng hơn 20% so các tháng trước đó…

Định vị thương hiệu du lịch quốc gia, xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, nhân văn, hiếu khách ảnh 3
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trăn trở: “Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm so các nước khác khi vẫn còn đang dịch Covid-19; ngay sau đó chúng ta quyết định mở cửa, tổ chức SEA Games 31; mở cửa du lịch… Đến nay, chúng ta thấy chủ trương này là hết sức đúng đắn. Du lịch nội địa thì ổn, vượt so năm 2019, nhưng tại sao du lịch quốc tế lại có điểm nghẽn”.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích nguyên nhân do đâu? Tại sao chúng ta lại “đi trước, về sau” trong thu hút khách du lịch quốc tế. Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Các sản phẩm đã đa dạng hóa chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm chưa?

Chúng ta cũng cần bàn giải pháp lâu dài; hy vọng chúng ta sẽ đưa ra được các mục tiêu, giải pháp để tổ chức thực hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kinh tế xanh, phát triển bền vững. Việt Nam là đất nước đặc trưng, có nền văn hóa đặc sắc, có nhiều di sản. Vấn đề là chúng ta có quyết tâm khôi phục ngành du lịch, tạo bước phát triển đột phá năm 2023 hay không với việc thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế, lấy văn hóa làm nền tảng thúc đẩy phát triển du lịch, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng bày tỏ, để tạo hiệu quả được trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là rất khó, do đó rất cần huy động trí tuệ tập thể để thảo luận.

Thủ tướng mong các đại biểu cùng suy nghĩ, tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy phát triển du lịch nói chung, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, đặc biệt đây là thời điểm du lịch quốc tế cuối năm (Giáng sinh, Tết Dương lịch).

Bên cạnh đó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cũng cần bàn giải pháp lâu dài; hy vọng chúng ta sẽ đưa ra được các mục tiêu, giải pháp để tổ chức thực hiện. Thủ tướng mong các đại biểu phát biểu đi thẳng vào vấn đề, đưa ra được các đột phá, gắn với phát triển văn hóa.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu các ý kiến xác đáng tại hội nghị để phục vụ việc ban hành một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch với cách tiếp cận mới sát tình hình Việt Nam, thế giới trên tinh thần du lịch phải “cung cấp sản phẩm mà khách cần chứ không phải là cái mình có”.

Thủ tướng đặt vấn đề, tại sao chúng ta mở cửa sớm mà lượng khách du lịch lại ít hơn các nước chung quanh. Cái này phản ánh khách quan là trước đại dịch Covid-19, chúng ta vẫn thu hút lượng khách ít hơn. Vấn đề là chưa có đột phá, có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng tinh thần thời gian tới là các cấp, các ngành, doanh nghiệp, địa phương đã cố gắng, nỗ lực rồi thì phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa thì mới tạo được đột phá.

Các cấp, các ngành, doanh nghiệp, địa phương đã cố gắng, nỗ lực rồi thì phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa thì mới tạo được đột phá.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng chia sẻ với các doanh nghiệp, các chủ thể liên quan vì đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nhiều lĩnh vực, nhưng đối với lĩnh vực du lịch thì bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cho nên chúng ta càng phải cố gắng hơn khi kiểm soát đại dịch, phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận, xử lý các vấn đề cụ thể, phải đổi mới, sáng tạo, linh hoạt hơn.

Về cách tiếp cận chung, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, cung cấp những dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không phải cái chúng ta có. Đây cũng là thời cơ cơ cấu lại ngành du lịch; phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Phát triển ngành du lịch những năm tới có đột phá; phải suy nghĩ từ khâu cấp visa; nếu chính sách không thay đổi mà việc giải quyết có vấn đề thì vấn đề do khâu tổ chức thực hiện. Bộ Công an cần quan tâm thêm việc chống tiêu cực trong cấp visa trong du lịch. Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể các ngành kinh tế khác theo tinh thần Nghị quyết 08 nêu rõ, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn, phát triển du lịch xanh, bền vững.

Phát triển du lịch luôn gắn với kinh tế, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; văn hóa là nền tảng, động lực để phát triển du lịch; phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống dân tộc, đất nước, con người Việt Nam; với bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Việc phát triển du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam; phải kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt, thích ứng, luôn đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.

Về những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu rõ:

Các chủ thể liên quan phải quán triệt và thực hiện nghiêm, các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về du lịch, nhất là Kế hoạch 5 năm, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực… Đẩy mạnh xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh phải bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để thực sự Việt Nam là một điểm đến an toàn, thân thiện, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, “ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà”.

Phải bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để thực sự Việt Nam là một điểm đến an toàn, thân thiện, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, “ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng đồng thời yêu cầu:

Tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật, trong đó có cả chính sách về visa; Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp rà soát các chính sách liên quan thuế, phục hồi phải tiếp tục làm trong năm 2023; những gì đang làm tốt thì duy trì. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế về con người, cơ sở vật chất, phương thức, cách làm; tổ chức các tour, tuyến du lịch cho thuận lợi, tiết kiệm, hài lòng khách.

Chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, chi phí logistics; con người phải thân thiện, quý mến khách như người trong gia đình. Đây thuộc về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hóa; giá cả hợp lý, điều kiện đi lại, ăn, ngủ nghỉ…; xử lý các vấn đề liên quan thủ tục hành chính nhanh gọn, đỡ mất chi phí. Xây dựng mô hình sản phẩm du lịch độc đáo, luôn đổi mới vì khách du lịch luôn tìm cái khác biệt, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh thì mới lâu dài, bền vững.

Những gì thuộc thẩm quyền các cấp thì cấp đó xử lý; phối hợp các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới; cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao trình độ nhân lực; tăng cường quản lý môi trường sinh thái du lịch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo môi trường văn hóa, văn minh. Tăng cường xúc tiến đầu tư quảng bá du lịch; tăng cường hợp tác công tư trong xúc tiến đầu tư.

Thủ tướng giao thêm nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tăng cường thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế, trong đó có xúc tiến du lịch. Hiệp hội Du lịch có thể chọn thí điểm một vài địa bàn trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…) để đặt văn phòng đại diện để kêu gọi, quảng bá, xúc tiến, thu hút khách du lịch. Việc này có hỗ trợ của Nhà nước, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải rà soát trong việc ký lại các hiệp định về hàng không, tạo thuận lợi cho máy bay Việt Nam đến các nước.

Thủ tướng đồng thời yêu cầu:

Chủ động tham gia và có sáng kiến hình thành các nhóm hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các quốc gia, các điểm đến trong khu vực ASEAN, châu Á-Thái Bình Dương; phối hợp chặt chẽ, phát huy hiệu quả vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức, cá nhân Việt Nam, các kênh ngoại giao… nhằm quảng bá, phát triển du lịch.

Đẩy mạnh chuyển đổi số; đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu lớn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch. Về điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải phối hợp, chỉ đạo những trường du lịch lớn trước mắt cần tăng cường đào tạo nghề, kỹ năng; đào tạo cao đẳng, đại học, trên đại học với kế hoạch bài bản, lâu dài; tăng cường nghiên cứu và phát triển ngành du lịch. Phát triển du lịch là ngành kinh tế, thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có sự phối hợp giữa các địa phương, bình đẳng giữa các tổ chức, doanh nghiệp...