Tính đến ngày 3/11/2023, đã có 18 đơn vị sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân của toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã của thành phố đã phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết công việc. Trong đó, có 450 quy trình giải quyết công việc nội bộ tại cấp sở; 1.789 quy trình giải quyết công việc nội bộ tại cấp huyện; 2.962 quy trình giải quyết công việc nội bộ tại cấp xã; 129 quy trình liên thông giải quyết công việc cấp huyện.
Đối với các đề án lớn có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân thành phố đã phân công một đồng chí lãnh đạo Ủy ban chịu trách nhiệm chỉ đạo, các đồng chí thành viên khác có trách nhiệm phối hợp, bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo và phát huy được trách nhiệm cá nhân; các đồng chí thành viên Ủy ban nhân dân thành phố tăng cường đi kiểm tra hiện trường, cơ sở, tiếp xúc với nhân dân để nắm bắt và kịp thời chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay tại cơ sở.
Nhờ sự đổi mới về hoạt động chỉ đạo, điều hành, thành phố dự kiến sẽ hoàn thành 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nổi bật là GRDP năm 2023 ước tăng 6,11%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán, ước đạt hơn 400.420 tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20% so với năm 2022.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ của thành phố bị "lỡ hẹn". Công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bị chậm tiến độ so với yêu cầu.
Bên cạnh đó, nhiều nhiệm vụ khác cũng thực hiện chậm như việc xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến; vận hành đoạn trên cao Tuyến đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội; triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy; Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu Bây-Bắc Hưng giai đoạn 2021-2025; Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống bốn dòng sông nội đô; các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải... Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thật sự thông thoáng. Chỉ số PCI năm 2022 của Hà Nội giảm sâu 10 bậc, chỉ số PAPI giảm ba bậc so với năm 2021. Chuyển đổi số còn chậm.
Để khắc phục tình trạng này, trong năm 2024, Ủy ban nhân dân thành phố cần tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo phương châm: Rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ; Cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức. Ngoài ra, cần rút ngắn thời gian xử lý công việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; rà soát, xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất.